Ở vòng thứ hai của cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vừa qua, cử tri Pháp đã không để cho đảng cánh hữu - dân tộc chủ nghĩa, cực hữu và dân tuý Rassemblement National (RN) giành về đa số tuyệt đối để lần đầu tiên có thể thành lập chính phủ, tức là lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền.
Họ cũng không để cho phe cánh của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron được tiếp tục thành lập chính phủ. Liên minh cánh tả Mặt trận nhân dân mới được giành cho tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, bỏ xa phe cánh của ông Macron và đảng RN.
Đảng RN đứng ở vị trí thứ ba nhưng vẫn thắng lớn so với lần bầu cử quốc hội trước trong khi phe cánh của ông Macron dù về thứ hai nhưng vẫn là bên thất cử lớn nhất.
Kết quả bầu cử này đưa lại bức tranh tổng quát về cục diện quyền lực chính trị hiện tại ở nước Pháp là khối trung tâm vẫn được duy trì nhưng khối cánh hữu/cực hữu và khối cánh tả/cực tả lớn mạnh rõ rệt.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp xuất hiện cục diện quyền lực chính trị như thế. Bộ ba này đối kháng quan điểm chính sách đến mức dường như không thể hợp tác được với nhau. Vì thế, việc thành lập chính phủ mới tới đây sẽ rất khó khăn và phức tạp.
Phe cánh của ông Macron về thứ hai hoàn toàn không phải vì xứng đáng được như vậy mà nhờ cử tri Pháp không muốn để cho đảng RN có được đa số tuyệt đối ở lần bầu cử quốc hội này.
Hơn 50 ứng cử viên thuộc liên minh cánh tả Mặt trận nhân dân mới đã rút lui để dồn phiếu bầu cho các ứng cử viên thuộc phe cánh của ông Macron, qua đó ngăn cản đảng RN trở thành đảng phái chính trị lớn nhất trong quốc hội mới, thậm chí có thể giành về được đa số tuyệt đối.
Lại một lần nữa có thể thấy ở nước Pháp, ông Macron và phe cầm quyền không tự ngăn cản được sự tiếp tục thắng thế của phe cánh hữu - dân tộc chủ nghĩa, cực hữu và dân tuý mà phải nhờ cậy vào các lực lượng cánh tả và cực tả.
Bây giờ, người này phải chấp nhận chia sẻ quyền lực nhà nước với chính phủ không còn do phe cánh chính trị của mình nắm giữ nữa và có thực thi ý tưởng chính sách gì thì cũng phải lụy cả cánh tả lẫn cánh hữu.
Liên minh cánh tả Mặt trận nhân dân mới được nhào nặn vội vàng cho vòng bầu cử quốc hội thứ hai này, tổ chức cơ cấu nội bộ lỏng lẻo, không có cương lĩnh chính sách thống nhất, dự bất đồng quan điểm trong nội bộ rất cơ bản và rõ ràng về không ít lĩnh vực chính sách. Liên minh này hiện tại không ổn định bền vững.
Phe RN muốn thành lập được chính phủ thì phải cần có đối tác liên minh nhưng hiện không có đối tác nào muốn liên minh với phe RN. Phe của ông Macron đã bị mất vị thế cầm quyền và thông điệp của cử tri Pháp ở lần bầu cử quốc hội này rất rõ ràng là không còn muốn để cho phe của ông Macron tiếp tục cầm quyền. Cho nên có thể nói cả sau cuộc bầu cử quốc hội lần này, nước Pháp vẫn chưa thoát được ra khỏi khủng hoảng chính trị.
Thậm chí cuộc khủng hoảng chính trị còn trở nên nghiêm trọng hơn vì hiện không thể biết chính phủ mới ở Pháp sẽ như thế nào và đến bao giờ mới có thể được thành lập xong.
Ở nước Pháp không có truyền thống chính trị về các phe cánh chính trị lớn liên minh cầm quyền. Rất có thể sẽ có chính phủ thiểu số của liên minh cánh tả. Rất có thể sẽ là chính phủ của toàn các chuyên gia.
Chưa thành lập được chính phủ mới thì đất nước như thể bị tê liệt về chính trị, nhưng thành lập được chính phủ mới thì lại không dám chắc chính phủ ấy rồi sẽ ổn định bền vững.