Kéo dài những niềm vui

GD&TĐ - “Dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc” của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã để lại dấu ấn mạnh mẽ với thầy trò của hai trường.

Học sinh Mèo Vạc hào hứng với những giờ học tiếng Anh.
Học sinh Mèo Vạc hào hứng với những giờ học tiếng Anh.

Dự án đồng thời giúp địa phương giải quyết khó khăn do thiếu giáo viên cũng như nâng cao kỹ năng cho học sinh.

Giúp trò miền núi học tiếng Anh

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie - nhớ lại, đây là tình huống sư phạm đặc biệt trong cuộc đời 50 năm gắn bó với ngành Giáo dục của mình cũng như ngôi trường Marie Curie.

Tháng 8/2022, khi cùng học sinh, giáo viên Trường Marie Curie lên thăm huyện Mèo Vạc, thầy Nguyễn Xuân Khang biết thông tin: Cả huyện Mèo Vạc chỉ có một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, trong khi đây là môn bắt buộc với lớp 3 từ năm học này. Thầy hiệu trưởng cũng nhận được lời đề nghị từ Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc Bùi Văn Thư “nhờ Trường Marie Curie hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho huyện trong 1 năm”.

Trước đề nghị trên, thầy Khang xin phép chưa trả lời bởi cần thời gian suy nghĩ. Cả đêm hôm đó, thầy hiệu trưởng ngoài 80 tuổi không thể chợp mắt, vừa muốn làm vì tình yêu với học trò vùng cao nhưng lại lo bởi có nhiều thách thức. Nếu thực hiện, chắc hẳn đối diện với khó khăn vì đây không phải hoạt động ngoại khóa, mà là chương trình chính khóa lớp 3 của cả một huyện, phải thực hiện trong ít nhất 1 năm học, trong khi chỉ còn 2 tuần là năm học 2022 - 2023 bắt đầu.

Vượt trên tất cả, ngay sáng hôm sau, thầy Khang đã trao đổi với Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc và nhận lời thực hiện công việc. Cụ thể, Trường Marie Curie thống nhất dạy trực tuyến 3 tiết/tuần. 1 tiết còn lại sẽ do huyện tự thu xếp, điều động giáo viên tiếng Anh THCS xuống tăng cường, chủ yếu làm công tác kiểm tra định kỳ.

Về đến Hà Nội, thầy Khang nhanh chóng lên kế hoạch triển khai dự án, huy động giáo viên trong trường tham gia. Theo đó, dự án “Dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 huyện Mèo Vạc” được lập trình chi tiết. Nhà trường phân công 25 giáo viên tham gia dự án, trong đó có 22 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 3 thầy cô làm công tác điều phối.

Ngày 9/9/2022, nhóm thực hiện dự án tổ chức dạy thử buổi đầu tiên tại Hà Nội kết nối với các điểm cầu tại huyện Mèo Vạc. Một số trục trặc nhỏ về âm thanh, kết nối máy tính với màn hình nảy sinh nhưng nhanh chóng được khắc phục. Ngày 12/9/2022, dự án được triển khai đồng loạt cho tất cả 76 lớp 3 tại trường tiểu học của huyện Mèo Vạc.

“Hết học kỳ I, nhóm trực tiếp lên Mèo Vạc, lần đầu tiên tận mắt thấy gần 3.000 học trò của mình ngoài đời thực. Trong cuộc hội ngộ đầu tiên, cô, trò ôm nhau sung sướng. Cảnh tượng ấy thật xúc động. Cô, trò ăn với nhau một bữa cơm rồi trở về, tiếp tục việc dạy và học qua máy tính”, thầy Khang hồi tưởng.

Giáo viên Trường Marie Curie kiểm tra trình độ tiếng Anh của học trò huyện Mèo Vạc.

Giáo viên Trường Marie Curie kiểm tra trình độ tiếng Anh của học trò huyện Mèo Vạc.

Thành công ngoài mong đợi

Kết thúc năm học 2022 - 2023, giáo viên Trường Marie Curie một lần nữa vượt hàng trăm km tới các điểm trường của huyện vùng cao Mèo Vạc để gặp gỡ học trò. Lần trở lại này, không chỉ là thăm trò, thầy cô còn thực hiện kỳ kiểm tra cuối năm theo hình thức hỏi đáp 1-1. Từng học sinh sẽ trò chuyện, trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh với cô giáo trong 5 phút.

Cô Nguyễn Minh Hồng (Trường Marie Curie) phụ trách dạy tiếng Anh trực tuyến trong năm học 2022 - 2023 tại Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ cho biết: “Ngày 8/5, tôi có mặt tại trường. Lần thứ 2 trở lại nơi này, bản thân vẫn có cảm giác hồi hộp như lần đầu. Trường nằm sát biên giới, cách trung tâm huyện 50km. Do đường xa, khó đi với nhiều dốc núi đá, nên tôi phải xuất phát từ 5 giờ 30 phút để kịp giờ lên lớp”.

Cô Hồng khá bất ngờ và vui mừng về kết quả bài kiểm tra thi nói của học trò. So với thời gian đầu, lần này học sinh đã tháo bỏ sự nhút nhát, rụt rè để giao tiếp chủ động với cô. Từ việc chưa phát âm được từ mới, giờ các em có thể nhận biết các từ, nhắc lại cả câu và hiểu câu ngắn trong giao tiếp. Cô hạnh phúc khi thấy sự tiến bộ của học sinh.

Chu Hải Đăng, học sinh lớp 3A1, Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ, vui mừng khi nhận được phần thưởng cuối năm học do thầy cô chuẩn bị từ Hà Nội vì có nhiều tiến bộ vượt bậc trong môn Tiếng Anh. Mong ước của Đăng là trở thành giáo viên dạy tiếng Anh. Cậu còn ước sẽ đặt chân tới Mỹ - đất nước xuất hiện trong cuốn sách và những câu chuyện, hình ảnh cô Hồng đã giới thiệu.

Đánh giá cao về hiệu quả của dự án, cô Hoàng Lệ Nhung - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Chu Phìn - cho hay: Đầu năm học, lần đầu học sinh lớp 3 được làm quen với lớp học ảo, môn học mới, ngoại ngữ mới nên có nhiều bỡ ngỡ. Dùng tiếng phổ thông còn ngọng nên khi cô hỏi tiếng Anh, học sinh hầu hết rụt rè, không biết trả lời.

“Sau 9 tháng học, các em đã mạnh dạn, chủ động hơn và hứng thú với giờ học. Tôi thực sự ấn tượng với sự kiên trì của cô giáo đến từ Hà Nội. Mặc dù còn trẻ nhưng các cô đã không nản trước khó khăn ở những buổi đầu. Điều đó là nguồn động viên lớn đối với đội ngũ giáo viên vùng cao trong sự nghiệp giáo dục”, cô Nhung bộc bạch.

Năm học 2023 - 2024, huyện Mèo Vạc đã tuyển thêm được 7 biên chế giáo viên tiếng Anh, giải tỏa bớt được nỗi lo thiếu giáo viên. Tuy nhiên, những học sinh vùng cao vẫn bày tỏ mong muốn được tiếp tục học tập với thầy cô đến từ Thủ đô. Thầy Nguyễn Xuân Khang đã đề nghị tiếp tục chương trình trong các năm học 2023 - 2024 và 2024 - 2025 để lứa học sinh này hoàn thành bậc tiểu học.

Thầy Khang cho biết, sau 1 năm triển khai dự án, giờ đây việc học tập của cô trò đã đi vào nền nếp. Thiết bị, đường truyền cũng tốt hơn nên giáo viên nhận nhiều giờ dạy hơn. Nếu năm học trước, nhiều thầy cô chỉ dạy 1 buổi/ngày thì năm nay có thể dạy 2 buổi/ngày. Do vậy, một giáo viên có thể dạy ít nhất 18 tiết/tuần còn người dạy nhiều nhất sẽ đảm đương 24 tiết/tuần. Vì lẽ đó, năm học 2023 - 2024, dự án chỉ cần tới 12 giáo viên và 3 điều phối viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ