Từng có ý định rẽ hướng vì khó khăn
Tốt nghiệp sư phạm năm 2008, thầy Trần Kim Cưng về giảng dạy tại Trường THCS Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Do hoàn cảnh gia đình, sau đó thầy xin chuyển công tác về ngôi trường gần nhà. Bấy giờ không có chỉ tiêu giáo viên bậc học THCS nên thầy về dạy tại Trường Tiểu học Lai Hoà 4, thị xã Vĩnh Châu.
Ngày đầu vào lớp dạy thầy Cưng bị “sốc”. "Đang dạy học sinh trung học, giờ đối diện với trò tiểu học nềN nếp lớp chưa sẵn sàng khiến thầy Cưng khá bối rối. Vậy là ngoài dạy tiếng Anh, tôi còn phải dạy nền nếp, kỹ năng, hướng dẫn các em cách thức học tập. Ngoài ra, phần lớn học sinh của lớp là người dân tộc, nói tiếng Việt đã khó, giờ học thêm tiếng Anh, càng khó khăn hơn. Phụ huynh thấy con học khó, phản ánh với nhà trường", thầy Cưng nhớ lại buổi đầu dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học với nhiều áp lực.
Bên cạnh đó, trường thuộc vùng khó nên thiếu thốn cơ sở vật chất. Một bộ sách giáo khoa phải giảng dạy cho 3 khối lớp. “Lúc đó khó khăn quá, thực lòng tôi cũng ý định rẽ hướng… Nhưng rồi bản thân suy nghĩ lại, được dạy học là tâm huyết và ước mơ của mình, giờ đã thực hiện được ước mơ sao lại từ bỏ”, thầy Cưng bộc bạch.
Danh trọn tâm huyết với học sinh vùng đặc biệt khó khăn
Nhờ sự động viên từ phía gia đình và đồng nghiệp, thầy Cưng có thêm động lực vượt khó, tiếp tục gắn bó với nghề.
Cùng anh em đồng nghiệp, thầy quan tâm khâu vận động đến hướng dẫn học sinh, tuyên truyền cho phụ huynh, tạo sự đồng thuận trong xã hội về dạy học tiếng Anh ở tiểu học ở vùng dân tộc.
Cùng với đó, thầy không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, tìm những cách thức truyền tải dễ hiểu nhất, phù hợp với đặc thù học sinh là con em người dân tộc. Những năm sau này, nhờ sự nỗ lực của thầy, học sinh tiến bộ rõ rệt trong học tiếng Anh, các trường THCS có phản hồi tích cực khi tiếp nhận trò chuyển cấp.
“Mình cảm thấy rất vui vì nỗ lực mấy năm qua đã thu được trái ngọt. Mỗi năm cứ tập trung giảng dạy cho học trò từ lớp 3 lên 4 và từ 4 lên 5, cũng kiểm tra đánh giá và theo dõi được sự tiến bộ của học sinh. Nhưng vui nhất là khi nhận được phản hồi tốt từ đồng nghiệp cấp học trên về học sinh mình. Điều này tạo thêm động lực cho mình tiếp tục cống hiến”, thầy Cưng nói.
Luôn nỗ lực phấn đấu trong mọi hoạt động, thầy Cưng đã góp phần cùng với tập thể cán bộ, giáo viên của Trường Tiểu học Lai Hòa 4 xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 10 năm 2020.
Em Thạch Sa Rol, học sinh Trường THCS &THPT Lai Hoà chia sẻ: Nhờ những hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô giáo, đặc biệt là thầy Cưng đã giúp em nắm được cơ bản cách phát âm, dùng câu trong tiếng Anh, từ đó việc học ở bậc THCS nhẹ nhàng hơn.
Không riêng em Rol, nhiều phụ huynh học sinh tại trường cũng cảm động trước tâm huyết của thầy. Bà Lâm Thel, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lai Hoà 4 cho hay: Không chỉ chăm chút lo cho học sinh mà thầy còn thường xuyên vận động từ các nguồn lực để mua sách, dụng cụ học tập cho trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thầy Lý Văn Luận, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu thông tin: Thầy Cưng là giáo viên người dân tộc rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác chuyên môn và tích cực tham gia hoạt động phong trào tại địa phương.
Được phân công làm Cụm trưởng chuyên môn tiếng Anh, thầy Cưng đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn trên địa bàn thị xã. Thầy còn là giáo viên cốt cán bộ môn Tiếng Anh của tỉnh, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nền móng cho bộ môn Tiếng Anh cấp tiểu học trước khi có Chương trình GDPT năm 2018.