Đưa tiếng Anh đến với học sinh nghèo

GD&TĐ - Cô giáo Satarupa Majumder, sống tại thành phố Kolkata, Ấn Độ luôn mong ước học sinh ở những vùng xa xôi của đất nước được tiếp cận với tiếng Anh.

Cô giáo Satarupa (ngoài cùng bên phải) đi thuyền vào thị trấn Hingalganj.
Cô giáo Satarupa (ngoài cùng bên phải) đi thuyền vào thị trấn Hingalganj.

Không ngại khó khăn, cô đã chuyển đến thị trấn Hingalganj, vốn không có dù chỉ một lớp học, và mở trường cho học sinh nơi đây.

Thị trấn không… trường học

Năm 2002, ở tuổi 26, cô Satarupa kết hôn và trở thành giáo viên. Dù có gia đình và công việc ổn định, cô Satarupa thường xuyên trăn trở với câu hỏi: “Mục đích sống của mình là gì?”. Trong lòng nữ giáo viên luôn thôi thúc khát vọng được làm việc có ích và hỗ trợ cộng đồng.

Đáp án đến với cô Satarupa năm 2012 khi thực hiện hành trình dài 100km di chuyển từ thành phố Kolkata đến thị trấn Hingalganj, nằm cạnh khu rừng ngập mặn Sundarbans.

Phụ huynh nơi đây hầu hết là ngư dân, nông dân nghèo nên không chú trọng giáo dục con cái trong khi thị trấn không có lấy một ngôi trường tử tế. Mỗi ngày, những đứa trẻ tụ tập vui đùa hoặc hỗ trợ bố mẹ việc nhà, các em không mấy bận tâm đến việc học.

Cô Satarupa kể lại: Nhìn những đứa trẻ, tôi nhớ đến con gái 7 tuổi. Từ mẫu giáo, cháu đã được tiếp cận với chữ viết, con số và nhiều bài học thú vị như âm nhạc, thể dục. Ngược lại, những đứa trẻ này không có nổi một sân chơi tử tế.

Theo người dân địa phương, cách thị trấn Hingalganj có hơn 20 trường công lập do chính phủ tài trợ nhưng thiếu cơ sở vật chất. Cách đây 20 năm, chính quyền địa phương đã kêu gọi giáo viên từ khắp nơi trên cả nước đến Hingalganj dạy học để những đứa trẻ không lâm vào cảnh mù chữ.

Tuy nhiên, do nơi đây điều kiện nghèo nàn, thiếu cơ sở hạ tầng nên số lượng giáo viên giảm dần. Hiện nay, trẻ em chủ yếu đến trường nhận bữa trưa miễn phí. Lâu dần, nhiều người bỏ học, bị lôi kéo làm việc trong các đồn điền trồng thuốc lá.

Satarupa nhớ lại, khi biết cô là giáo viên, cha mẹ của những đứa trẻ đã nhờ cô dạy con cái họ một chút tiếng Anh. Dù không thể thường xuyên quan tâm đến việc học hành của trẻ cũng như không có điều kiện gửi chúng đến trường học, nhưng họ vẫn hi vọng con cái được biết tiếng Anh để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sau khi trở về nhà, lời đề nghị của người dân Hingalganj vẫn quanh quẩn trong tâm trí Satarupa khiến cô không thể tập trung làm việc.

Vài tháng sau, bỏ lại công việc ổn định, Satarupa trở lại thị trấn Hingalganj. Với cô, niềm thôi thúc được trở lại và hỗ trợ những đứa trẻ nơi đây giống như “tiếng gọi từ vũ trụ không thể phớt lờ”.

Đều đặn mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần, Satarupa bắt chuyến tàu vào lúc 6 giờ 30 phút từ thành phố Kolkata đến ga Hasnabad, rồi đi xe đến bờ sông Dasha. Sau đó, cô tiếp tục đi thuyền qua sông để đến thị trấn. Cô dạy tiếng Anh cho bọn trẻ đến khoảng 3 giờ chiều rồi trở về nhà.

“Dạy tại trường 5 ngày một tuần nhưng tôi chỉ mong đến thứ 7 để trở lại Hingalganj và làm việc cùng những đứa trẻ đáng yêu. Mỗi buổi học của chúng tôi trôi qua trong tâm thế thoải mái, hạnh phúc. Qua sông, dạy lũ trẻ là cuộc phiêu lưu đối với tôi”, cô Satarupa cho hay.

Bên cạnh dạy học, cô Satarupa thường trò chuyện với phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục và thuyết phục các gia đình cho con đến trường. Sau vài tháng, cô bỏ tiền túi thuê một khu đất rộng 800m2 trong thị trấn để mở trường học tạm.

Tuy nhiên, việc đưa trẻ đến trường ở vùng sông nước Sundarbans vấp phải muôn vàn khó khăn. Nữ giáo viên muốn đi đến từng nhà, thuyết phục người lớn cho con đến trường, song địa hình nơi đây vốn không dễ di chuyển, đặc biệt khi cô chỉ có một mình.

Hiện thực hóa giấc mơ xóa mù chữ

Trẻ em tại thị trấn nghèo Hingalganj, Ấn Độ.
Trẻ em tại thị trấn nghèo Hingalganj, Ấn Độ.
Hiệp hội Phúc lợi Swapnopuron (SWS) không chỉ là ngôi trường dành cho học sinh, mà là dự án dành cho người dân Hingalganj. SWS thường xuyên tổ chức các chương trình dạy nghề cho phụ huynh nhằm nâng cao chất lượng sống. Phụ huynh được dạy về cắt may, chăn nuôi gia cầm và nhiều dự án sinh kế khác.

Sau một thời gian làm việc đơn độc, Satarupa tình cờ gặp Aamir Hussain, giáo viên trung học tại Basirhat, thị trấn nằm cách Hingalganj 30 km. Nghe danh “cô giáo dạy trẻ em nghèo Hingalganj” đã lâu, Aamir được truyền cảm hứng từ sự nỗ lực và cống hiến của Satarupa.

Anh đã cùng cô đến từng nhà nói chuyện với người dân và thuyết phục họ cho con đi học. Sau này, khi Satarupa thuê thêm giáo viên cho trường mới, vợ của Aamir cũng đăng ký tham gia.

Không may, Aamir qua đời vào năm 2016 do đau tim. Sự ra đi của người bạn đồng hành là cú sốc lớn đối với Satarupa nhưng cô vẫn tiếp tục cống hiến vì những nỗ lực của cả hai bắt đầu bén rễ.

Phụ huynh ở Hingalganj dần cho con đến lớp đông hơn. Ban đầu, trường chỉ có trẻ mẫu giáo do cha mẹ bận đi làm, không có thời gian chăm con nên gửi vào trường. Nhưng dần dần, có thêm học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Học sinh tăng nhanh chóng khiến trường lâm phải tình trạng thiếu cơ sở vật chất và giáo viên.

Đến lúc này, Satarupa nhận ra cô cần phải thành lập một trường trung học thực thụ. Sau khi vận động quyên góp từ bạn bè, các nhà hảo tâm, Satarupa xây dựng ngôi trường nhỏ mang tên Hiệp hội Phúc lợi Swapnopuron (SWS). Trường dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 8, dạy tập trung tiếng Anh và một số môn văn hóa theo chương trình phổ thông Ấn Độ.

Năm 2021, ngôi trường mở thêm khối lớp 9. Số lượng học sinh nhà trường không ngừng tăng lên theo thời gian. Đến nay, trường có khoảng hơn 600 học sinh với 12 giáo viên.

Satarupa đã thuê giáo viên trong thị trấn và những khu vực lân cận. Chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm cũng tham gia hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho trường học.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Satarupa thường thuê các diễn giả, chuyên gia giáo dục đến trò chuyện với học sinh. Ngoài các môn văn hóa, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như làm thủ công, kể chuyện, giao lưu văn hóa…

Khi đại dịch bùng phát, trường phải tạm đóng cửa nhưng Satarupa đã tìm ra giải pháp để đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn. Cô chia học sinh thành hai nhóm là có và không có điện thoại thông minh. Những học sinh có điện thoại thông minh học trực tuyến còn những em không có được phát điện thoại, tài liệu học tập.

Đôi mắt ánh lên niềm vui khi nhắc đến SWS, Moumita, học sinh lớp 2, bày tỏ: “Ở trường, cháu được học tiếng Anh, Toán, Nghiên cứu Môi trường, Nghiên cứu Xã hội… Cháu thực sự rất yêu ngôi trường của mình vì đó là ngôi trường tuyệt vời nhất”.

Theo Betterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.