Năm ngoái, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố kế hoạch Journey to Mars (Chuyến du hành lên sao Hỏa) nhằm mục đích đưa con người lên sao Hỏa sinh sống vào năm 2030. Nhiều hi vọng về một hành tinh mới là chỗ trú ngụ tương lai cho loài người đặt lên vai đội ngũ tiên phong đầy tham vọng này.
Aerospace Safety Advisory Panel - ASAP (Ủy ban tham vấn an toàn không gian vũ trụ) là ủy ban được thành lập vào năm 1968. Nó có vai trò đưa ra các khuyến nghị an toàn hàng năm tham vấn cho Tổng Giám đốc NASA - Charles Bolden. Năm nay, một phần lớn của bản báo cáo có liên quan đến Journey to Mars. Tuy nhiên, mọi chuyện không được tươi sáng như ban đầu.
Ủy ban ASAP nghi ngờ khả năng thực hiện nhiệm vụ của NASA do mức độ rủi ro quá lớn trong kế hoạch Journey to Mars - Ảnh: NASA
Theo báo cáo thường niên nói trên, ủy ban này nghi ngờ vào khả năng thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan không gian Hoa Kỳ do mức độ rủi ro quá lớn.
Các vấn đề chính cản trở kế hoạch Journey to Mars xoay quanh ngân sách hạn chế của NASA, số lượng công nghệ cần thiết phải phát triển để đến được “hành tinh đỏ”, các mốc thời gian chặt chẽ mà cơ quan không gian đặt ra. Nói rộng hơn, ASAP bày tỏ lo ngại về việc quá thiếu các chi tiết được tính đến và liệt kê trong kế hoạch.
“Thật không may, mức độ chi tiết của báo cáo… không thật sự giá trị trong việc khẳng định liệu NASA có khả năng thực hiện mục tiêu đầy tham vọng như vậy hay không trong một khoảng thời gian nhất định, với công nghệ thực tế đang có và với các yêu cầu ngân sách trong môi trường kinh tế hiện nay”, báo cáo ghi.
ASAP cho biết thêm: “Các trang tài liệu không xác định được công nghệ cụ thể cần để thực hiện nhiệm vụ tổng thể. Ngay cả Solar Electric Propulsion (động cơ điện năng lượng mặt trời), hay Deep Space Habitat (nhà ở cho các phi hành gia trên sao Hỏa) cũng thiếu kiến trúc cấp cao và thiết kế tham khảo.
Nếu thiếu các yếu tố này, sẽ cực kỳ khó khăn cho việc đưa ra lộ trình, phạm vi và trình tự phát triển các công nghệ cần thiết đảm bảo cho chuyến đi đúng thời điểm”.
ASAP tiết lộ khi được yêu cầu làm rõ hơn các chi tiết, NASA trả lời rằng vẫn quá sớm để lập các kế hoạch kiểu như vậy trong điều kiện công nghệ còn hạn chế thời điểm hiện tại.
Họ hi vọng trong 2 thập niên tới, những tiến bộ sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta xây dựng hệ thống. ASAP viết: “Họ (NASA) cũng quan ngại rằng kế hoạch lên sao Hỏa ngày hôm nay có thể bằng cách nào đó lại là chủ đề chịu chỉ trích bởi các nhà cầm quyền tương lai”.
Journey to Mars còn phụ thuộc quá nhiều vào tình hình tài chính và công nghệ kỹ thuật ở 2 thập niên sắp tới - Ảnh: SPL
Sau khi phân tích, ASAP kết luận họ tin rằng một nhiệm vụ chuẩn bị kỹ càng với các dự đoán khả quan sẽ dễ đạt được sự hỗ trợ cần thiết từ chính quyền tương lai, Quốc hội và công chúng nói chung hơn.
“Nếu không (có sự chuẩn bị kỹ) thì NASA nên làm nhiệm vụ khác hoặc ít nhất thì cũng dùng phương pháp tiếp cận khác đối với nhiệm vụ hiện tại. Thái độ ‘nhất định làm được’ của NASA đáng khen ngợi nhưng cũng cần nhận phản biện khi không đảm bảo an toàn trong trường hợp này” - ASAP nêu rõ.
Journey to Mars (Chuyến du hành lên sao Hỏa) là bản kế hoạch dài 36 trang của NASA được công bố trên trang chủ của cơ quan này năm 2015. Trong đó bao gồm những mô tả về công nghệ và cơ sở hạ tầng cần thiết để biến hành trình đến sao Hỏa thành hiện thực.
Mục tiêu tối thượng của kế hoạch này là con người sẽ định cư lâu dài trên sao Hỏa mà không cần quay về Trái Đất. Journey to Mars gồm 3 bước.
Giai đoạn đầu tiên được gọi là Earth Reliant, có mục tiêu giữ nguyên sự liên lạc và hỗ trợ từ Trái Đất để tập trung vào các nghiên cứu diễn ra trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). NASA cho rằng mình "đang tiến hành việc này rất tốt”.
Giai đoạn thứ hai có tên Proving Ground. Ở bước này, NASA đưa con người vào không gian (có thể sẽ bay quanh khu vực Mặt Trăng) và cho phép đoàn phi hành gia trở lại Trái Đất sau ít ngày.
Cuối cùng, Earth Independent, là giai đoạn con người đặt chân lên vùng lân cận của sao Hỏa gồm cả các mặt trăng của hành tinh này cũng như thực hiện các nhiệm vụ khác dài khoảng từ 2 - 3 năm.