Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng Alexander Romanovich Belyaev, tác giả của Người cá (và rất nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng khác như: Đầu giáo sư Dowell, Chúa tể thế giới, Người buôn không khí, Người bay Ariel…) từng được vinh danh là Jules Verne của nước Nga.
Belyaev chính là một trong những người đặt nền móng cho thể loại khoa học viễn tưởng trong nền văn học Nga - Xô viết vĩ đại.
Cuộc đời lận đận
Belyaev (1884-1941) |
Belyaev sinh năm 1884 trong gia đình một vị chức sắc đạo Chính thống ở Smolensk, miền tây nước Nga. Từ bé, Belyaev từng chứng kiến những nỗi bất hạnh trong gia đình: chị cả Nina qua đời ở tuổi thiếu niên vì bạo bệnh, anh kế Vassili bị chết đuối khi đang là sinh viên Thú y.
Năm 1901, Belyaev tốt nghiệp trường dòng nhưng không nhận chân linh mục mà bắt đầu tìm hiểu về chủ nghĩa vô thần. Chàng trai 17 tuổi quyết định thi vào trường Luật.
Sau khi cha mất, chàng sinh viên Luật phải làm đủ mọi nghề để trang trải chi phí ăn học. Năm 1906, Belyaev tốt nghiệp, về quê nhà Smolensk nhận chân luật sư, làm ăn khấm khá nhờ được các thân chủ giàu có tin cậy.
Bản thân Belyaev cũng nhanh chóng trở nên giàu có và thỉnh thoảng lại thực hiện những chuyến du lịch ra nước ngoài. Thời đó, ông từng đi du lịch khắp châu Âu và cũng từ đó, ông bắt đầu bén duyên với văn học nghệ thuật.
Năm 1914, Belyaev quyết định từ bỏ nghề luật sư để toàn tâm toàn ý cống hiến cho văn chương. Năm 1917, ông bình thản đón nhận kết quả của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và chấp nhận chính quyền mới như một lẽ thường tình.
Nhưng đến năm 1919, ông bị bệnh lao, biến chứng sang lao cột sống, khiến ông phải chịu đựng đau đớn suốt 6 năm, trong đó có 3 năm phải bó bột toàn thân.
Người vợ trẻ đẹp nhưng yếu hèn đã ra đi, bỏ mặc ông một mình chiến đấu với bệnh tật. Belyaev cùng mẹ và người vú già phải chuyển đến Crimea, sống ở đó một thời gian dài để chữa trị và dưỡng bệnh.
Những năm tháng nằm trên giường bệnh, Belyaev bắt đầu làm thơ và quyết vượt qua đớn đau thất vọng bằng cách tự học ngoại ngữ, đọc các sách báo, tài liệu để tìm hiểu về y khoa, sinh học, lịch sử và đặc biệt là về những kiến thức cơ bản của khoa học kỹ thuật. Ông đọc nhiều tác phẩm của Jules Verne, Herbert Wells, Tsionkovsky – những bậc thầy về khoa học viễn tưởng.
Năm 1922, Belyaev vượt qua bệnh tật, trở lại với cuộc sống bình thường. Công cuộc mưu sinh trăm bề cực nhọc. Ban đầu ông làm lao công, sau đó được nhận vào dạy học trong một trại trẻ mồ côi.
Nhận thấy Belyaev có kiến thức khá sâu và rộng trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giám đốc trại trẻ tiến cử ông cho cơ quan điều tra hình sự tỉnh Crimea vốn đang rất cần một chuyên gia như thế để phụ trách phòng thí nghiệm kiểm tra tang vật chứng.
Với kiến thức uyên bác của mình, Belyaev còn được cử phụ trách luôn cả thư viện tỉnh. Tuy nhiên, đất nước vừa trải qua nội chiến, cuộc sống ở những vùng biên viễn như Crimea vô cùng khó khăn, vất vả.
Năm 1923, nhờ người quen giới thiệu, ông xin chuyển lên Maxcơva làm nhân viên tư vấn pháp luật. Từ đây mới thực sự bắt đầu cuộc đời sáng tác của Belyaev.
“Jules Verne thứ hai”
Những truyện ngắn mang hơi hướng khoa học viễn tưởng đầu tiên của ông đăng trên các tạp chí Vòng quanh thế giới, Kiến thức là sức mạnh, Hướng đạo sinh… đã khiến độc giả đương thời cảm nhận rằng ở nước Nga dường như đang xuất hiện “Jules Verne thứ hai”.
Năm 1925, tiểu thuyết Đầu giáo sư Dowelle của Belyaev xuất hiện như một niềm kinh dị, gây rúng động giới độc giả ưa thích truyện khoa học viễn tưởng.
Ngay cả giới phê bình văn học khó tính của Nga cũng không thể không thừa nhận tài năng của Belyaev xét trên góc độ văn chương nghệ thuật.
Chỉ trong vòng 3 năm (1925 - 1928), Belyaev đã cho ra đời một loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng thuộc vào hàng kiệt tác như: Hòn đảo những con tàu tử nạn, Người cuối cùng của lục địa Atlantide, Người cá, Cuộc chiến ở thượng tầng khí quyển… và rất nhiều truyện ngắn.
Năm 1928, Belyaev cùng gia đình chuyển lên Leningrad sinh sống và chỉ chuyên tâm sáng tác như một nhà văn chuyên nghiệp. Chỉ trong vòng 2 năm, ông đã cho ra đời những tác phẩm “nặng ký” như Chúa tể thế giới, Canh tác dưới đáy biển, Mắt thần và series truyện ngắn Những sáng chế của giáo sư Vagner.
Nhưng cuộc đời sóng gió vẫn không chịu buông tha Belyaev. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh xảy ra trong năm 1930. Đứa con gái đầu (với người vợ sau) qua đời vì bệnh viêm màng não khi mới lên 6 tuổi.
Đứa con gái thứ hai bị bệnh còi xương, ốm đau quặt quẹo. Bản thân Belyaev cũng mắc phải căn bệnh viêm dính cột sống, phải nằm liệt giường.
Tuy vậy, năm 1931 ông vẫn cho ra đời cuốn tiểu thuyết Đám cháy toàn cầu. Năm 1934, trong chuyến giao lưu ở Liên Xô, tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng lừng danh người Anh - Herbert Wells đã đến thăm ông bên giường bệnh.
Dù cách biệt khá xa về tuổi đời và tuổi nghề (Wells lớn hơn Belyaev 18 tuổi) nhưng hai người vẫn dễ dàng, nhanh chóng kết thân, vì kính trọng nhau về văn tài, bút lực.
Sau khi cánh chim đầu đàn Maxim Gorky qua đời (1936), trong giới nhà văn Liên Xô có sự chia rẽ sâu sắc. Một số sai lầm trong đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng cũng ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của nền văn học Xô viết.
Năm 1938, Belyaev viết bài báo Cô Lọ Lem ngậm ngùi tiếc thương cho trường phái văn chương khoa học viễn tưởng của Liên Xô vừa mới định hình đã sớm đi vào ngõ cụt.
Đầu năm 1941, Belyaev hoàn tất tác phẩm của mình (Người bay - Ariel) và phải trải qua một cuộc phẫu thuật cột sống cực kỳ phức tạp.
Khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, do bệnh tình quá nặng, ông không thể cùng vợ con đi sơ tán, đành ở lại làng Pushkin, ngoại ô Leningrad. Làng bị quân Đức chiếm đóng. Chúng tàn sát dân làng, lùa những người khỏe mạnh về Đức làm nô lệ và bỏ mặc những người ốm đau, bệnh tật.
Tháng 1/1941, Belyaev lặng lẽ qua đời ngay trên giường bệnh do không có thức ăn, thuốc uống. Bọn Đức ném xác ông xuống hố chôn tập thể cùng hàng trăm người dân vô tội khác.
Vợ con ông bị quân Đức bắt đưa sang Ba Lan nhốt trong trại tập trung rồi sau đó đưa sang Áo lao động khổ sai. Năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc, họ hồi hương về Liên Xô nhưng lại bị quy là “theo giặc” nên bị đày đến tận miền đông Siberia xa xôi suốt 11 năm trời.
Một nhân cách sáng tạo
Belyaev thông minh, hiếu động và đam mê văn nghệ từ tấm bé, rất mê truyện phiêu lưu, hành động, thời đi học từng là thành viên tích cực của đoàn kịch trong các nhà trường, học chơi thành thạo các loại nhạc cụ như đàn vĩ cầm, dương cầm, biết chụp ảnh, rửa ảnh, giỏi quốc tế ngữ (Esperanto).
Trong một trò chơi vận động, Belyaev bị thương ở mắt, khiến về sau thị lực một mắt bị suy giảm. Sau lần được người chú ruột cho ngồi tàu lượn, Belyaev nảy sinh ham muốn được bay, nhưng phải là tự bay cơ, chứ không phải ngồi trên máy bay, tàu lượn.
Thế là chú bé buộc hai cây chổi trên hai cánh tay để làm “cánh” leo lên mái nhà kho, tung mình vào không trung và… “vẫy cánh”. Kết quả là chấn thương cột sống, ảnh hưởng đến sức khỏe suốt quãng đời còn lại.
Thời sinh viên, Belyaev từng cùng Y.N. Saburova (về sau là nữ nghệ sĩ violoncelle nổi tiếng) dàn dựng rất thành công vở nhạc kịch Công chúa ngủ trong rừng.
Trong nhiều vở kịch trên sân khấu sinh viên, Belyaev vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên. Gánh hát gia đình do chàng trai tài hoa thành lập thường xuyên đi lưu diễn trong khắp tỉnh Smolensk, tới đâu cũng được đón chào nhiệt liệt.
Một lần có đoàn kịch nổi tiếng từ Maxcơva về Smolensk lưu diễn, một diễn viên trong đoàn bị ốm, lập tức Belyaev được nhận vào đóng thay cho anh ta trong nhiều đêm diễn.
Từ khi bắt đầu cầm bút sáng tác, Belyaev quan tâm sâu sắc đến các vấn đề liên quan đến tâm sinh lý con người, chẳng hạn chức năng của não, mối liên hệ giữa não với cơ thể, với sự tồn tại của tâm hồn, linh hồn…
Não có thể tư duy sau khi tách rời khỏi cơ thể hay không? Có thể cấy ghép não không? Kỹ thuật anabios (làm chậm quá trình sống) sẽ được áp dụng như thế nào và liệu có để lại những hậu quả đáng tiếc hay không? Thuật thôi miên tác động như thế nào đến não?
Belyaev đã cố gắng giải quyết các câu hỏi trên trong các tác phẩm: Đầu giáo sư Dowell, Chúa tể thế giới, Người đánh mất mặt mình, Người không ngủ…
Trong các tác phẩm của mình, Belyaev đã tiên định hàng loạt thành tựu khoa học kỹ thuật, chẳng hạn, trạm quỹ đạo trong cuốn Ngôi sao KETS, kỹ thuật cấy ghép nội tạng trong Người cá, Đầu giáo sư Dowell, kỹ thuật chuyển đổi gene trong Bột mì vĩnh cửu.
Cũng chính ông là người mạnh dạn đề ra ý tưởng mở rộng môi trường sống của con người vào thủy quyển (Người cá) và khí quyển (Người bay - Ariel). Với cuốn Người bay - Ariel, Belyaev đã thể hiện xuất sắc ước mơ muôn thuở của loài người: chiến thắng lực hút của Trái đất.
Năm 1990, Ban đề tài khoa học và khoa học viễn tưởng Hội Nhà văn Liên Xô đã thành lập giải thưởng mang tên Belyaev để trao tặng cho những tác phẩm xuất sắc thuộc hai thể loại này.