Ít ai ngờ, đây là căn bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất khi người lao động đi khám sức khỏe

GD&TĐ - Ở nước ta, thực trạng số lượng người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp còn rất ít so với số lượng người lao động trên thực tế.

Ảnh: HCDC.
Ảnh: HCDC.

Khoa Bệnh nghề nghiệp - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022 được tổ chức từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/5/2022 trên phạm vi cả nước với chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình tai nạn lao động trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2016 - 2021 có nhiều biến động. Số người chết và bị thương nặng tăng cao nhất vào năm 2018 lần lượt là 1.039 người và 1.939 người.

Số lượng này giảm dần qua các năm 2019, 2020 và vào năm 2021 số người chết và bị thương nặng giảm còn 966 và 1.897 người. Điều này phần nào cho thấy các doanh nghiệp đã thực hiện đúng các quy định, các giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động trực tiếp, gián tiếp.

Hiện nay, công tác phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở những doanh nghiệp có số lượng lao động vừa và ít. Công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức. 

Theo thống kê của Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường năm 2018, có gần 320.000 trường hợp được khám bệnh nghề nghiệp.

Trong đó, phát hiện 3.500 trường hợp mắc các bệnh như: Bệnh điếc do tiếng ồn là gần 67%; bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp chiếm gần 17%; bệnh bụi phổi than nghề nghiệp chiếm 9,9%; bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp chiếm 2%. 

Kết quả này cho thấy tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp của nước ta khá thấp, trong đó bệnh lý thường gặp nhất là điếc nghề nghiệp. Theo số liệu trước đây của Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, tỷ lệ phát hiện bệnh nghề nghiệp là 837/20.996 người (năm 2017), 807/34.258 người (năm 2018). Trong đó số người mắc bệnh điếc nghề nghiệp là cao nhất.

Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực hưởng ứng Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4). Tuy nhiên, qua các số liệu trên, thấy được thực trạng số lượng người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp còn rất ít so với số lượng người lao động trên thực tế. Thực trạng này nếu không sớm được khắc phục sẽ để lại hậu quả nặng nề cho người lao động, gia đình và xã hội.

Trải qua 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Bây giờ khi quay lại giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế ổn định, cần thiết duy trì công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. 

Chính vì thế, tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022 tập trung hướng về doanh nghiệp, cơ sở lao động, người lao động trong môi trường lao động có tiếp xúc nhiều yếu tố độc hại.

Tháng hành động nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành trong trong việc phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bảo đảm tính mạng của người lao động tại các cơ sở lao động. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.