Công tác thống kê còn hạn chế
Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, mộc, hàn điện, nuôi trồng thủy sản. Các địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2018 là: Hải Dương, Yên Bái, Cà Mau, Thái Nguyên, Phú Yên, Quảng Nam...
Thống kê, khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động tăng 18,6% so với năm 2017 do việc chấp hành báo cáo TNLĐ trong khu vực này năm 2018 tốt hơn so với năm 2017, có 51/43 địa phương tổng hợp báo cáo.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Việc thống kê TNLĐ trong khu vực không có QHLĐ hiện mới chỉ thống kê những tai nạn lao động gây tử vong, những trường hợp tai nạn khác thì chưa thống kê được hết.
Thống kê TNLĐ bắt đầu từ UBND cấp xã, sau đó báo cáo về huyện, từ huyện báo cáo về Sở LĐ-TB&XH. Năm 2017 có 43 tỉnh, thành thực hiện báo cáo, năm 2018 đã có 51 tỉnh thống kê TNLĐ trong khu vực không có QHLĐ.
Đây là chuyển biến tích cực, khi có thêm nhiều địa phương quan tâm hơn đến tình hình an toàn lao động (ATLĐ) ở khu vực không có QHLĐ. Số liệu báo cáo về diễn biến TNLĐ tăng lên, thì số lượng người tử vong về TNLĐ được báo cáo cũng sẽ tăng theo, số liệu chính xác hơn sẽ tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách tốt hơn.
Theo nguồn điều tra từ bệnh viện, sổ khai tử cấp xã thì số người chết ở cả 2 khu vực này là trên 2.000 người, nhưng khai báo qua các Sở LĐ-TB&XH địa phương thì mới là 1.039 người. Tăng hơn so với trước kia mới chỉ thống kê được khoảng hơn 600 người mỗi năm, đây là một cố gắng của các cấp, ngành. Tuy nhiên, tại cấp xã công tác thống kê TNLĐ nguồn lực còn hạn chế và không có cán bộ chuyên trách.
Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ
Về các chính sách hỗ trợ cho NLĐ trong khu vực không có QHLĐ, ông Hà Tất Thắng cho biết: Chương trình mục tiêu Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã dành một nguồn lực để hỗ trợ cho việc tuyên truyền các chính sách ATVSLĐ đến tất cả các khu vực lao động có QHLĐ và khu vực không có QHLĐ.
Chương trình đã phát miễn phí hàng nghìn đĩa CD cùng nhiều tài liệu ATVSLĐ về các địa phương sử dụng cho việc tuyên truyền ATVSLĐ cho khu vực không có QHLĐ.
Bên cạnh đó, yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, máy móc, công cụ lao động, thuốc trừ sâu... phải có trách nhiệm hướng dẫn ATLĐ trong quá trình sử dụng. Bộ LĐ-TB&XH cũng phối hợp với Hội Nông dân tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn cho hội viên những biện pháp ATVSLĐ...
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu với Chính phủ xây dựng Nghị định hỗ trợ TNLĐ bằng bảo hiểm tự nguyện. Trong đó, hướng tới việc hỗ trợ cho NLĐ trong khu vực không có QHLĐ đóng và hưởng bảo hiểm.
Dự kiến, đầu năm 2020 sẽ trình Chính phủ, khi Nghị định được thông qua, những lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm TNLĐ nghề nghiệp sẽ được hưởng các chính sách cụ thể và được hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ.
Ông Hà Tất Thắng cho rằng, trong thời gian tới, công tác ATVSLĐ ở khu vực không có QHLĐ cần được tăng cường hơn nữa, bởi đây là khu vực tập trung NLĐ yếu thế, ít có điều kiện để giải quyết các vấn đề khi xảy ra TNLĐ. Các cấp các ngành và chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc, bố trí kinh phí, nguồn lực, từng bước nâng cao chất lượng ATVSLĐ trong khu vực này.