Giật mình với số vụ tai nạn lao động
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo số liệu tổng hợp báo cáo năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ TNLĐ làm 8.251 người bị nạn. Trong đó số vụ TNLĐ chết người là 799 vụ, số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên là 106 vụ, số người chết là 862 người, số người bị thương nặng là 1.952 người, nạn nhân là lao động nữ có 2.371 người.
Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2016 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là TPHCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình và Quảng Trị. Các địa phương này có tổng số người chết vì TNLĐ là 504 người, chiếm 59,2% tổng số người chết vì TNLĐ trên toàn quốc.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, công ty TNHH có tỷ lệ xảy ra TNLĐ cao nhất, chiếm 37,1% số vụ tai nạn chết người và 37% số người chết. Kế tiếp là loại hình công ty cổ phần, chiếm 34,2% số vụ tai nạn chết người và 34,3% số người chết. Doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 20,8% số vụ tai nạn chết và doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 3,5% số vụ tai nạn. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người là xây dựng, khai thác khoảng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, dịch vụ… Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao, điện giật, vật rơi, đổ sập, máy thiết bị cán, kẹp…
Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người gồm: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; người sử dụng lao động không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.
Sự chuyển động cần thiết
Trước thực trạng TNLĐ ngày càng gia tăng về số vụ tai nạn nghiêm trọng, bệnh nghề nghiệp ngày càng phức tạp, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5 tới với chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”.
Chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng. Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê TNLĐ tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế theo Khoản 4 Điều 36 Luật An toàn vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp tại địa phương, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động...
Đối với các doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị, tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.