Trung Đông hiện đang đứng bên bờ vực một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giữa một bên là Israel và một bên là Iran và các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn trong khu vực Trung Đông.
Chính quyền Iran hiện đang hết sức phẫn nộ trước vụ sát hại người đứng đầu cánh chính trị của phong trào Hamas - Palestine là ông Ismail Haniyeh ngay tại lãnh thổ của mình, khi ông này tới thủ đô Tehran để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.
Cùng thiệt mạng với ông Ismail Haniyeh có chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của lực lượng Hezbollah tại Lebanon.
Trước thềm lễ tang ông Ismail Haniyeh, giới lãnh đạo Tehran đã hứa sẽ đáp trả thích đáng các hành động của Tel Aviv. Đại diện của Hamas, cũng như lãnh đạo phong trào Hezbollah của Lebanon và lực lượng Houthi ở Yemen, đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Iran trong mong muốn trừng phạt Israel.
Ngày 01/8, Iran đã tổ chức lễ tang cho thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Trường Đại học Tehran ở thủ đô Tehran và tuyên bố 3 ngày quốc tang. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã khóc bên quan tài của nhà lãnh đạo Hamas, chỉ vài giờ sau khi “ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel”.
Buổi lễ cũng có sự tham gia của tân tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và chỉ huy Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo - Tướng Hossein Salami, cùng với nhiều quan chức cấp cao Iran.
Tờ The Sun mô tả rằng, Đại Giáo chủ Khamenei đã khóc khi đứng cạnh quan tài nhà lãnh đạo Hamas, giữa những tiếng hô vang của đám đông.
Ông Khamenei cảnh báo rằng Israel sẽ bị “trừng phạt nghiêm khắc” vì vụ sát hại thủ lĩnh chính trị Hamas, đồng thời khẳng định rằng “việc đáp trả Israel là nghĩa vụ của Iran”, với hành động này, chính quyền Tel Aviv đã “tự chuẩn bị hình phạt khắc nghiệt cho chính mình”.
Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas đã dấy lên lo ngại về các hành động trả đũa, làm leo thang xung đột tại Trung Đông, khi Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian thề sẽ bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ, phẩm giá, danh dự và niềm tự hào” của đất nước và cam kết sẽ khiến những kẻ khủng bố phải hối hận.
Trước những lời đe dọa của Iran và các nhóm vũ trang được nước này hậu thuẫn, Washington đã gửi thông điệp tới Tehran thông qua yêu cầu chính quyền Tehran kiềm chế, không trả đũa Israel để tránh leo thang xung đột trong khu vực.
Tuy nhiên, không chắc chắn về phản ứng tích cực trước thông điệp của Ngoại trưởng nên Mỹ đã triển khai ít nhất 12 tàu chiến tới Trung Đông, thống lĩnh bởi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và các tàu đổ bộ của lực lượng hải quân đánh bộ, trong nỗ lực bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel trong cuộc đối đầu đầy căng thẳng với Iran và Hezbollah, Hamas.
Tờ Jerusalem Post của Israel nhấn mạnh rằng, các tàu này chở các nhóm tấn công đổ bộ và hơn 4.000 lính thủy đánh bộ Mỹ.
Thông tin này đã được các quan chức Mỹ xác nhận và không che giấu sự thật rằng, đây là đợt triển khai tàu chiến và lực lượng trên bộ lớn nhất của Hoa Kỳ (theo công bố chính thức) kể từ khi chính quyền Washington và các đồng minh mở cuộc tấn công vào Iraq năm 2003.
Theo một số phương tiện truyền thông đưa tin, đòn đáp trả quy mô lớn của Iran có thể bắt đầu trong vòng 72 giờ tính từ ngày 31/7. Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng Iran và các đồng minh đang chuẩn bị một cuộc tấn công tổng hợp từ nhiều phía vào lãnh thổ Israel.