IMF kêu gọi Mỹ kiểm soát khoản nợ khổng lồ

GD&TĐ - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo thẳng Mỹ rằng cần kiểm soát khoản nợ khổng lồ.

IMF cảnh báo Mỹ kiểm soát khoản nợ khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ USD.
IMF cảnh báo Mỹ kiểm soát khoản nợ khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ USD.

Phó Giám đốc điều hành IMF Gita Gopinath trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times hôm 8/6 đã đưa ra cảnh báo thẳng thắn bất thường cho Washington về nợ và mức chi tiêu của nước này, đồng thời yêu cầu Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác thực hiện các bước để kiểm soát nợ.

Bà nói: "Đối với Mỹ, chúng tôi thấy có nhiều cơ sở để họ giảm quy mô thâm hụt tài chính."

“Sự cám dỗ tài trợ cho mọi chi tiêu thông qua vay mượn thực sự là điều mà các quốc gia nên tránh”, bà đồng thời nhấn mạnh rằng các nền kinh tế phương Tây “không có cách nào vượt qua” các cải cách cơ bản, bao gồm cả các lĩnh vực xã hội và lĩnh vực thuế.

Nhận xét của bà Gopinath tiếp nối dự báo của IMF hồi tháng 4 cảnh báo rằng nợ và thâm hụt ngày càng tăng của Mỹ “không phù hợp với những gì cần thiết để ổn định tài chính dài hạn” và mức thâm hụt liên bang dự kiến của Mỹ là 7,1% vào năm 2025 còn cao hơn nữa.

Đây là con số cao gấp 3 lần so với mức 2% của các nền kinh tế tiên tiến. Nợ công của Mỹ dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2053.

Giám đốc Vụ Tài chính của IMF, Vitor Gaspar hồi tháng 4 đã chỉ trích: “Chính sách tài khóa lỏng lẻo ở Mỹ gây áp lực lên lãi suất toàn cầu và đồng Dollar”.

“Nó đẩy chi phí tài trợ ở phần còn lại của thế giới lên cao, do đó làm trầm trọng thêm những bất ổn và rủi ro hiện có.”

Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas nhận định, nợ và chi tiêu của Mỹ “làm tăng rủi ro ngắn hạn đối với quá trình giảm phát, cũng như rủi ro ổn định tài chính và tài chính dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu”.

IMF dự kiến sẽ công bố bản đánh giá thường niên về tình trạng nền kinh tế Mỹ vào cuối tháng này.

Sputnik bình luận rằng, những động thái mới nhất của Quỹ IMF cho thấy họ đã có quan điểm thẳng thắn như thế nào trước tình trạng hiện nay của Mỹ.

Tờ báo Nga lưu ý rằng, IMF được biết đến trong nhiều thập kỷ sau Thế Chiến 2, là một công cụ chính để Mỹ sử dụng nhằm gây áp lực kinh tế lên các quốc gia đang phát triển và các đối thủ cạnh tranh của trật tự "tự do dựa trên luật lệ" do Mỹ lãnh đạo.

Năm 2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những động thái phản ứng khi IMF có vị giám đốc điều hành "đi lệch quỹ đạo" mà Washington đặt ra.

Chính quyền ông Biden được cho là đã cố gắng thay thế Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva vì những tuyên bố chỉ trích chính sách kinh tế Mỹ.

Bà Georgieva từng liên tục bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về nợ và chi tiêu của Mỹ, gọi khoản nghĩa vụ trị giá 34 nghìn tỷ USD của Mỹ nằm ngoài tầm kiểm soát.

“Mọi chuyện không thể diễn ra như thế này mãi, bởi vì… gánh nặng đối với Mỹ sẽ làm tê liệt các khoản chi tiêu cần thiết để trả nợ. Phải trả hơn 17% cho khoản nợ, thật là khó tin" - bà Georgieva từng nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 5.

Các quan chức IMF không phải là những người duy nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức nợ của Mỹ. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhắc đến khoản nợ khổng lồ của người Mỹ.

Theo ông, việc một quốc gia hoặc một cá nhân cố gắng duy trì và củng cố vị thế của mình không phải là điều bất thường, nhưng điều này chỉ là tốt đẹp khi họ sử dụng cách thức công bằng.

Ông Putin chỉ trích Mỹ đang lợi dụng vị thế độc quyền của mình trên thị trường tài chính toàn cầu và Mỹ đang nợ nền kinh tế thế giới 54,3 nghìn tỉ USD.

"Nền kinh tế Mỹ và tầm ảnh hưởng của nó trên nền kinh tế thế giới đang thu hẹp, do đó, việc nền kinh tế và tài chính thế giới hướng đến một hệ thống đa cực là điều hoàn toàn tự nhiên", ông nói.

Theo tổng thống Nga, Mỹ đang tự phá hủy những "công cụ tạo nên sự vĩ đại" của họ, trong trường hợp này là đồng USD.

"Đồng USD là một trong những công cụ quan trọng mang lại sự vĩ đại cho Mỹ ngày nay. Họ đang khiến các chủ thể kinh tế toàn cầu dần xa lánh đồng USD", ông Putin phát biểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ