Giai thoại kể rằng, trước thời điểm bị bắt, nghĩa sĩ Nguyễn Duy Hiệu đã cho quân lính đưa nhiều báu vật cùng vàng bạc vào sâu trong núi để chôn nhằm tránh sự cướp bóc của giặc...
Kho báu bí mật trong lòng đất
Một ngày đầu hè, trời Quảng Nam nắng đến nhức mắt, người viết bài này cùng với một anh bạn đồng nghiệp vốn là dân bản địa, đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng nhằm hướng đèo Le. Đến nơi, anh bạn khoát một vòng tay chỉ cho tôi xem thung lũng Quế Lộc nằm ngay dưới chân đèo Le, nơi ngày xưa vốn là căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc của Nghĩa hội Quảng Nam với vị thủ lĩnh tài danh Nguyễn Duy Hiệu.
Dường như câu chuyện kho báu nằm trên núi ông Hường đã trở thành một câu chuyện quá khứ quan trọng đối với người dân nơi đây, vì hầu hết những người dân trong thôn dẫu tuổi tác cách xa nhau nhưng vẫn kể chuyện “kho báu trên núi ông Hường” một cách say sưa và khúc chiết.
Mặc dù, những người trực tiếp tham gia Nghĩa hội dưới trướng ông Hường Hiệu bây giờ không ai còn sống, nhưng những thế hệ hiện tại ai cũng kể vanh vách rằng: Sau khi bị quân của bọn gian thần Nguyễn Thân, Phan Liêm cùng quân Pháp với khí giới hiện đại liên tục vây ráp, tấn công… nhiều người tham gia phong trào Cần Vương không có lý tưởng đã lá mặt, lá trái, chạy trốn khỏi hàng ngũ của Nghĩa hội để đầu hàng theo giặc.
Biết được thực lực của Nghĩa hội khó lòng kéo dài kháng chiến, lãnh tụ của phong trào đã cẩn trọng cho những binh sĩ thân cận của mình vận chuyển số vàng, bạc còn lại mang đi bí mật cất giấu trong lòng núi.
Có người còn cụ thể hơn khi cho chúng tôi hay, người thân của họ đã kể lại rằng, ngày ấy, đoàn người đi chôn kho báu đã đi qua một ngôi làng nằm dưới chân núi Hóc Phẩm, ở khu vực Miếng Kho. Từ đó cứ tám đến mười người hợp thành một nhóm lặng lẽ khiêng một chiếc rương to tiến lên đỉnh núi, rồi mất hút dưới những tán cây cổ thụ.
Một thời gian sau, ở khu vực núi ông Hường xuất hiện một võ tướng của Nghĩa hội cải dạng làm dân thường sống rất bí ẩn ở khu vực Miếng Kho, qua sự chắp nối của nhiều dữ kiện, người dân địa phương chắc chắn là vị võ tướng này được lãnh tụ của Nghĩa hội cử ở lại đây để canh chừng kho báu. Thế rồi, chiến tranh loạn lạc, ngày tháng trôi qua, không ai trong làng còn nhìn thấy bóng dáng của vị võ tướng ấy nữa…
Như một huyền sử ly kỳ
Người làng Lộc Tây 2 không ai không biết câu chuyện đi tìm kho báu của gia đình ông Nguyễn Yến. Từ đời trước ông Yến, đến đời ông Yến và nối tiếp 2 đời sau, trong dòng họ này khi nào cũng có người “lao tâm khổ tứ” theo chuyện đi tìm kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam xưa.
Những người thân trong gia đình ông Yến kể rằng, ngày xưa ông Yến đã nối gót cha mình để ấp ủ giấc mơ đi tìm kho báu. Ngày ngày, ông Yến lầm lụi trong rừng sâu để đào bới kiếm tìm.
Hiện tại, trong gia đình ông Yến có anh Nguyễn Tấn Đích (tên thường gọi là Ba Đích) vẫn còn ôm giấc mộng tìm kho báu của ông Hường Hiệu. Người làng kể rằng, Ba Đích cần mẫn đào tìm kho báu trong nhiều năm nhưng kết quả vẫn là một nông dân nghèo khó.
Mang thắc mắc về việc có hay không một kho báu đang ẩn khuất ở trên núi ông Hường, chúng tôi đã gặp một lãnh đạo của xã Quế Lộc tên là Tân. Ông Tân cho biết: việc có kho báu ấy ở trên đất địa phương mình hay không thì chưa ai khẳng định. Từ nhiều năm qua, có những người dân địa phương ngày đêm mang giấc mộng vàng nên kéo nhau lên núi ông Hường để tìm kiếm, người từ nhiều địa phương khác kéo nhau đến đào tìm kho báu cũng có nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không tròn trịa.
Bản thân những cán bộ lãnh đạo xã vẫn thường nói với dân mình rằng cách tìm vàng tốt nhất trên những triền rừng thăm thẳm ấy là chăm chỉ cày sâu cuốc bẩm, áp dụng một cách tốt nhất các thành quả của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đầu tư cho con cái học hành để có cơ hội vươn xa với cuộc đời dài rộng… Còn việc những chiếc rương chứa đầy ắp vàng bạc của gần 130 năm trước thì hãy cứ để thời gian giấu kín và chỉ nên xem đó như là một câu chuyện huyền sử ly kỳ…