Quả hồng mất mùa nhưng được giá
Cuối tháng 10, những vườn hồng cổ dưới chân núi Đại Huệ thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) lại chín đỏ rực, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp.
Nam Anh được xem là “thủ phủ” cây hồng của tỉnh, với diện tích hơn 150ha cây cho thu hoạch. Nhiều cây hồng ở đây có tuổi đời ngót nghét cả trăm năm.
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân rủ nhau thu hoạch quả hồng để bán cho thương lái. Trên những tuyến đường lớn, nhiều người dân đặt sạp hàng bên lề để bán hồng.
Quả hồng Nam Đàn khi chín có hương vị thơm ngon, ngọt dịu. Còn những quả hồng xanh, sau khi ngâm nước sẽ giòn, ngọt mà không còn vị chát. (Ảnh: Phạm Tâm) |
Theo người dân địa phương, so với mọi năm, sản lượng hồng năm nay giảm sút khoảng một nửa. Nhưng bù lại giá cả tăng nên bà con phần nào được an ủi.
Mang hồng vừa thu hoạch bán cho thương lái, bà Bùi Thị Thanh (trú xóm 7, xã Nam Anh) cho biết, gia đình mình có hơn 60 gốc hồng, tuổi đời hàng chục năm.
Đến nay, bà Thanh thu hoạch được 5 tạ quả, cuối vụ ước tính sản lượng vườn hồng khoảng 1 tấn. Với mức giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, ước tính bà Thanh có thu nhập gần 30 triệu đồng.
Theo người phụ nữ, năm ngoái vườn hồng cho thu hoạch hơn 2 tấn quả, tuy nhiên năm nay sản lượng giảm chỉ còn khoảng 1 tấn. Nhờ khan hàng nên giá hồng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cây hồng sai trĩu quả ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. (Ảnh: Phạm Tâm) |
Cùng gặp tình trạng mất mùa, gia đình ông Nguyễn Đình Quế (trú tại xóm 7, xã Nam Anh) có vườn hồng thuộc diện sai trái nhất xã.
Năm trước, chỉ tính 3 cây hồng to lớn phía trước nhà cũng đã cho hơn 1,2 tấn quả. Nhưng năm nay, số lượng quả đã giảm nhiều, cả vườn hồng chỉ hái được hơn 1 tấn quả.
Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch
Là một trong những hộ gia đình làm nghề thu mua và sơ chế hồng, chị Nguyễn Thị Sâm (trú tại xóm 6, xã Nam Anh) cho biết, trung bình mỗi ngày chị thu mua hơn 1 tấn hồng các loại.
Hồng sau khi hái về được ủ khô hoặc ngâm trong nước khoảng 4 đến 5 ngày đêm cho bớt vị chát, ăn sẽ ngon hơn. Trong khi đó, hồng ủ sẽ chín mềm, chuyển màu đỏ thắm, còn hồng ngâm thì vẫn giòn, giữ được màu vàng tươi.
Phần lớn hồng sẽ được vận chuyển đến TP Vinh hoặc ra Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc tiêu thụ.
Lý giải việc sản lượng hồng giảm sút, chị Sâm cho rằng, năm nay thời tiết không thuận lợi. Đầu năm mưa nhiều hơn khiến cây khi ra hoa bị rụng.
Từ tháng 4 đến tháng 8 thời tiết lại khô hạn đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây hồng. Đến khi cây ra hoa, kết trái, số lượng ruồi vàng gây hại nhiều khiến trái hồng còn nhỏ đã bị rụng, thối.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình để quả hồng trên cây quá lâu, không thu hoạch nên năm sau quả ra ít hơn.
Sau khi thu mua, chị Sâm ngâm hồng vào thùng xốp trong 4-5 ngày. (Ảnh: Phạm Tâm) |
Những năm gần đây, ngoài bán quả, nhiều chủ vườn hồng ở xã Nam Anh còn mở cửa phục vụ du lịch trải nghiệm. Vào dịp cuối tuần, các vườn hồng lại thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan và chụp ảnh.
Ông Hồ Viết Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh cho biết, toàn xã có gần 200ha diện tích trồng hồng, trong đó 150ha đang ở kỳ thu hoạch. Năm nay, sản lượng hồng toàn xã ước tính chỉ đạt khoảng 100 tấn, giảm gần 1/3 so với năm 2022.
Hồng ở xã Nam Anh là giống cây bản địa, có nguồn gốc gen quý hiếm, được trồng ở vùng đất đặc thù về địa lý, thổ nhưỡng phù hợp.
Hầu như gia đình nào ở Nam Anh cũng có vài cây hồng trong vườn, gia đình nhiều có thể lên đến cả trăm gốc. Mỗi cây cho thu hoạch khoảng 1,2 – 1,5 tạ quả/năm, hết mùa mỗi gia đình có thu nhập cả chục triệu đồng.
Một trường mầm non ở TP Vinh, Nghệ An chọn vườn hồng làm địa điểm tổ chức dã ngoại cho các em học sinh trải nghiệm. (Ảnh: Phạm Tâm) |
Theo ông Hoa, hồng được xem là một trong những cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân xã Nam Anh. Không chỉ có giá trị kinh tế, những cây hồng trăm tuổi khi chín quả ngả một màu vàng óng, san sát tạo nên một vùng quê đẹp như tranh vẽ.