Nếu đi con đường thuận lợi hơn, những người này phải qua tỉnh khác để rút tiền vì cả huyện không có lấy một cây ATM.
Vượt hàng chục km đi rút tiền
Những năm qua, thực hiện chủ trương về việc trả lương qua tài khoản ngân hàng đã giúp người lao động gặp thuận lợi trong quá trình quản lý và chi tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì cán bộ, giáo viên, người lao động tại huyện Ia H’Drai cũng chật vật khi cả huyện không có nổi một cây ATM.
Ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai), cho biết, những năm qua, cán bộ, nhân viên tại đơn vị đều được trả lương qua thẻ ATM. Với những cán bộ công chức, viên chức có nhà ở thành phố thì thuận lợi trong việc rút tiền. Tuy nhiên, với những người có nhà tại huyện Ia H’Drai thì phải vượt khoảng 80km qua huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) để rút tiền mặt. Nhưng quãng đường này chủ yếu đồi núi, nhiều ổ voi, ổ gà nên rất khó đi, đặc biệt vào ngày mưa. Do đó, nhiều người chọn quãng đường với chiều dài tương tự qua huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai).
Cũng theo ông Lạc, việc đi quãng đường xa để rút tiền tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, khi cán bộ, nhân viên muốn làm các thủ tục vay vốn phải xin cơ quan, đơn vị nghỉ ít nhất một buổi để về huyện Sa Thầy.
Mặc dù được trả lương qua thẻ ATM, nhưng do nhà tại huyện Ia H’Drai nên những năm qua mỗi khi cần tiền mặt chị Phùng Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Dom phải nhờ người rút hộ.
“Mỗi khi cần tiền tôi chuyển khoản rồi nhờ người thân hoặc đồng nghiệp rút hộ. Hôm nào cần số tiền lớn tôi phải chạy qua tỉnh Gia Lai, cách nhà gần 80km để rút tiền. Quãng đường đi xa, lại cầm số tiền lớn trong người nên tôi cũng lo lắng lắm. Tuy nhiên, không còn cách nào khác. Do đó, tôi mong muốn sớm có cây ATM, chi nhánh ngân hàng tại huyện để cán bộ, giáo viên, nhân viên thuận lợi khi rút tiền”, chị Dung nói.
Tương tự, những năm qua, cô giáo Phan Thị Mỹ Linh (thôn 3, xã Ia Dom) gặp không ít khó khăn khi đi rút tiền.
Cô Mỹ Linh cho hay, việc trả lương qua thẻ ATM rất thuận lợi cho cán bộ, giáo viên khi quản lý chi tiêu hàng tháng của mình. Tuy nhiên, hiện tại do huyện Ia H’Drai không có cây ATM nên đây là trở ngại lớn mỗi khi cần tiền sử dụng.
“Để có tiền chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày mình thường chọn cách chuyển khoản cho người quen rồi nhờ họ rút hộ với chi phí 10.000 đồng/1 triệu. Không chỉ mình mà nhiều cán bộ, giáo viên cũng chọn cách này vì nhanh chóng và đỡ tốn công sức, thời gian đi lại”, cô Mỹ Linh nói.
Mong muốn có chi nhánh ngân hàng
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, cho biết, địa phương có khoảng 12.650 người dân. Trong đó, có khoảng 600 cán bộ công chức, giáo viên, lực lượng vũ trang và gần 5.000 công nhân, người lao động nhận lương qua thẻ ATM. Đa phần cán bộ, giáo viên, người lao động đều nhận lương qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Theo ông Dũng, mặc dù nhu cầu sử dụng thẻ ATM rất lớn, nhưng huyện Ia H’Drai chỉ có một Ngân hàng Chính sách xã hội chứ không có bất kì chi nhánh ngân hàng thương mại hay trụ ATM để người dân thực hiện các giao dịch. Do đó, gây khó khăn cho cán bộ, giáo viên, người lao động.
Ông Dũng cho hay, mỗi khi muốn rút tiền, làm thủ tục vay vốn cán bộ, giáo viên… phải nghỉ một buổi hoặc một ngày để qua huyện Sa Thầy hay lên huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai.
“Hiện tại, huyện đã bố trí, quy hoạch vị trí để các ngân hàng thương mại đầu tư. Do đó, địa phương rất mong muốn sẽ có chi nhánh ngân hàng và trụ ATM được đặt tại đây. Qua đó, thuận tiện cho cán bộ, giáo viên, người lao động thực hiện giao dịch vay vốn, rút tiền. Bên cạnh đó, thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại huyện mới Ia H’Drai”, ông Dũng nói.
Còn bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank Kon Tum, cho biết, hiện tại đơn vị đã đề xuất lên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện, xem xét thành lập Phòng giao dịch, chi nhánh tại huyện Ia H’Drai.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang tổng hợp ý kiến để trình lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua thì mới đủ điều kiện để mở chi nhánh.
Theo bà Hòa, để người dân thuận tiện khi thực hiện các giao dịch, vừa qua Agribank Kon Tum đã bố trí một xe lưu động tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy - giáp ranh với huyện Ia H’Drai). Qua đó, cán bộ, công chức, giáo viên… tại huyện Ia H’Drai sẽ được thông báo thời gian cụ thể để giao dịch, rút tiền mặt với quãng đường ngắn hơn. Đồng thời, vào ngày 15 hàng tháng sẽ có một tổ giao dịch làm việc tại địa bàn huyện Ia H’Drai để hỗ trợ, giải quyết các thủ tục vay vốn cho người dân.