Trải nghiệm nhớ đời với F0 của cán bộ, giáo viên: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy...

GD&TĐ -Bị nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian những ca F0 của TP Hồ Chí Minh ngày nào cũng lên 4 con số, đồng thời phải sinh em bé trong bệnh viện dã chiến… với nhiều cán bộ, GV trong ngành GD&ĐT là giai đoạn đáng nhớ.

Trường Mầm non 9 (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) - nơi cô Lê Thị Thanh Phương công tác, thể hiện quyết tâm phòng chống Covid-19.
Trường Mầm non 9 (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) - nơi cô Lê Thị Thanh Phương công tác, thể hiện quyết tâm phòng chống Covid-19.

Mặc dù nay đã bình phục nhưng khi kể lại câu chuyện “đánh vật với F0” ai cũng không giấu được sự xúc động, bồi hồi.

Sinh em bé trong bệnh viện dã chiến

Bị nhiễm Covid-19 và sinh em bé trong bệnh viện dã chiến với chị Đặng Huỳnh Diễm Phượng - Khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đây quả là một trải nghiệm ly kỳ và nhớ đời.

“Đến bây giờ nghĩ lại, tôi thấy gia đình mình gặp rất nhiều may mắn. Đầu tiên là vì chúng tôi chủ động xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm nên đã không lây lan ra cộng đồng, không có ai bị lây nhiễm từ gia đình chúng tôi. Đặc biệt là em bé sinh ra trong hoàn cảnh dịch bệnh, trong tòa nhà có gần 8 nghìn F0, cùng điều kiện sức khỏe của mẹ không bảo đảm nhưng may mắn bé khỏe mạnh” - chị Đặng Huỳnh Diễm Phượng (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh).

Chị Phượng cho biết: “Khi hay tin người đầu tiên trong gia đình đi xét nghiệm ở bệnh viện bị nhiễm Covid-19, tôi vô cùng hoảng sợ vì thời điểm giữa tháng 7, số lượng ca F0 và tử vong rất cao. Tôi cố gắng giữ cho mình bình tĩnh để thu xếp công việc đang làm dang dở và sắp xếp lại việc gia đình.

Tôi liên hệ đến tất cả những người mà gia đình tôi tiếp xúc để báo tin. Tôi vừa trấn an mình vừa soạn đồ đi cách ly cho từng người trong nhà mà tay thì run run và nước mắt tự nhiên cứ chảy. Bởi cứ ngỡ dịch bệnh ở đâu xa lắm chứ đâu ngờ rơi ngay vào nhà mình. Thời điểm này, nơi tôi làm việc và sinh sống chưa có ca F0 nào”.

Với chị Diễm Phượng, những ngày chờ kết quả xét nghiệm PCR của những thành viên còn lại trong gia đình là quãng thời gian hồi hộp và căng thẳng. Ai cũng nuôi hy vọng mình chỉ là F1. Nhưng rồi một vài thành viên bắt đầu có dấu hiệu phát bệnh. Cứ mỗi lần xét nghiệm là có một hoặc một vài người phải đi cách ly.

“Gia đình tôi có tất cả 6 người là F0, trong đó có 3 người lớn và 3 trẻ em, được đưa vào 3 bệnh viện thu dung dã chiến khác nhau. Vì không cách ly cùng một chỗ, chúng tôi không thể chăm sóc lẫn nhau. Nhưng may mắn là gia đình tôi chỉ có triệu chứng nhẹ, chủ yếu là sốt, ho và mệt mỏi. Hàng ngày, chúng tôi chỉ có thể liên lạc với nhau qua điện thoại để biết được tình hình sức khỏe của từng thành viên và động viên nhau phải cố gắng tập thể dục, ăn uống và nghỉ ngơi để nhanh chóng phục hồi” - chị Phượng chia sẻ.

Điều khó khăn của gia đình chị Phượng là mọi người đã được đưa đi cách ly nhưng vẫn còn hai đứa bé ở nhà không có người chăm sóc. Trong đó, một bé nhỏ nhất chỉ hơn 2 tuổi không bị nhiễm bệnh và một bé 9 tuổi phát bệnh chậm nhất sau khi xét nghiệm PCR lần thứ 3. Từ khu cách ly, sau nhiều lần liên hệ với y tế và địa phương, chị đã xin được cho người nhà không bị nhiễm bệnh được vào để chăm sóc các cháu.

Riêng chị Phượng, lúc này đang mang thai 37 tuần là nỗi lo lắng nhất của mọi người trong gia đình. May mắn là bệnh viện dã chiến - nơi chị đang cách ly có bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh.

“Những cơn ho kéo dài đã làm tôi chuyển dạ sớm hơn dự sinh đến tận 3 tuần và tôi đã sinh bé trong khu dã chiến. Em bé sinh ra được tách riêng với mẹ để chăm sóc và theo dõi. Sau khi sinh, tôi xét nghiệm âm tính nên được xuất viện về nhà. Những thành viên khác cũng lần lượt trở về nhà. Riêng em bé thì phải để ở bệnh viện chăm sóc. Do không ai trong gia đình đủ điều kiện theo yêu cầu y tế để đi đón bé về nhà. Ngày bé được đón về với gia đình là ngày cả nhà tôi vỡ òa trong hạnh phúc” -  chị Diễm Phượng chia sẻ.

Bệnh viện dã chiến - nơi chị Đặng Huỳnh Diễm Phượng cách ly điều trị F0.
Bệnh viện dã chiến - nơi chị Đặng Huỳnh Diễm Phượng cách ly điều trị F0.

“Cái đáng giá nhất chính là hơi thở”

Thấy mình không khỏe kèm những cơn ớn lạnh thoáng qua mỗi lúc một nhiều hơn, cô Lê Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) tự test nhanh thì phát hiện mình dương tính với Covid-19.

Cô Phương cho biết: “Thời điểm này dịch bệnh Covid-19 bùng phát cao, cùng với đó là giãn cách xã hội và dây y tế giăng khắp nơi. Tôi luôn nhắc nhở người thân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ cho gia đình của mình. Vào một ngày cuối tháng 8, thấy mình không khỏe, những cơn ớn lạnh thoáng qua mỗi lúc một nhiều hơn, tôi tự test nhanh thì phát hiện mình dương tính với SARS-CoV-2…”. Mặc dù bị mắc Covid-19, nhưng cô Phương cho rằng cũng còn may mắn, vì ngoài cô và người em rể ra, trong gia đình không ai bị bệnh.

Chia sẻ về những ứng phó trong lúc bị nhiễm Covid-19, Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 cho biết, những kiến thức có được về dịch bệnh đã giúp cô bình tĩnh và trấn an tinh thần mọi người trong gia đình.

“Không ai có thể trả lời được câu hỏi “Vì sao tôi bị bệnh?” trong khi tôi luôn ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Điều đó không còn quan trọng, việc cần làm bây giờ là cách ly để tránh lây nhiễm và đối mặt với căn bệnh. Trải qua 5 ngày với những triệu chứng điển hình như sốt, mất mùi, nóng lạnh thì em rể tôi đã khỏe, test lại âm tính. Riêng tôi, những cơn ho bắt đầu xuất hiện ngày càng nặng hơn, nó làm tôi rất mệt và khó thở.

Một người bạn đã gửi cho tôi nhóm Zalo “Đồng hành cùng F0”. Trong nhóm Zalo này, mỗi ngày có huấn luyện viên yoga hướng dẫn mọi người tập thở, có nhóm bác sĩ hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho các F0. Tôi tích cực tập thở, uống thuốc theo tư vấn của bác sĩ, làm mọi cách hi vọng có thể vượt qua được Covid-19…” - cô Lê Thị Thanh Phương chia sẻ.

Thế nhưng mọi chuyện không diễn ra như mong muốn. Sau 5 ngày tiếp theo cố gắng tại nhà, cô Phương đã phải nhập viện trong tình trạng tuột oxy, ho nặng. Qua các xét nghiệm, kiểm tra thì virus đã xâm nhập và làm trắng hết 2/3 lá phổi của cô.

“Người bạn thân thiết không dám rời xa của tôi trong bệnh viện là chiếc mặt nạ thở oxy; tay và bụng bầm xanh, bầm tím sau những lần lấy máu, chích thuốc. Những cơn ho rát họng, những cơn khó thở, mệt mỏi dồn dập khiến người tôi không còn chút sức lực. Khi bác sĩ cho bỏ oxy, tôi xuống giường tập đi, bước run rẩy như một đứa trẻ. Tôi luôn dặn lòng phải cố gắng, không bỏ cuộc. Cố gắng ăn hết phần cơm khô mặn, cố gắng tập những động tác giúp phổi nhận được nhiều oxy nhất, cố gắng không khóc vì nhớ gia đình, cố gắng cho ngày mình được xuất viện về nhà…” - cô Thanh Phương bồi hồi nhớ lại.

Trải qua gần 1 tháng nằm viện đã giúp cô Phương nhận ra cái đáng giá nhất của con người chính là hơi thở. Khi thức dậy còn được nhìn thấy những người thân yêu là mình đã hạnh phúc hơn rất nhiều người. Dịch bệnh đã lấy đi của cô một phần sức khỏe nhưng nó làm cô nhận ra được những ngày được sống, được làm việc và được yêu thương là vô giá. “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”, cô Thanh Phương nhủ thầm.

“Thời gian trong bệnh viện nó cứ trôi chầm chậm với những người còn thở và nó vụt qua thật nhanh mang theo một linh hồn. Cuộc sống vô thường là đây, đứng lên hay nằm xuống còn phụ thuộc vào ý chí và may mắn của từng người. Những người F0 nặng được hồi phục cũng giống như tái sinh lần nữa, sức khỏe sẽ không còn như trước nhưng chắc chắn họ sẽ yêu quý hơn cuộc sống của mình…” - cô Lê Thị Thanh Phương (Trường Mầm non 9, Quận 4, TP Hồ Chí Minh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ