Vượt qua khó khăn, dù là những tiết học ở “chuồng lợn, chuồng gà” cũng khiến họ tự hào.
Những tiết học gắn với “chuồng lợn, chuồng gà”
Cô Nguyễn Thị Loan là giảng viên chuyên ngành Chăn nuôi thú y của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình. Vừa qua, cô Loan xuất sắc là 1 trong 140 nhà giáo đoạt giải tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 với đề tài Phòng bệnh Newcastle cho gà bằng phương pháp nhỏ vắc-xin.
Tốt nghiệp ngành Thú y ở Trường Đại học Nông nghiệp I (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cô Loan về quê hương Hòa Bình trở thành nhà giáo dạy nghề. Cô chia sẻ, những ngày đầu còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên không tránh khỏi những khó khăn trong công tác đào tạo. Đó là những khó khăn về đi lại, điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng bộ, nhận thức của người dân địa phương còn nhiều hạn chế... Tuy nhiên, đặt tâm huyết vào dạy nghề cho bà con và các bạn trẻ ở quê, cô Loan không ngại khó, ngại khổ.
Nhiều năm liền, cô cùng sinh viên ra vào các phòng thí nghiệm, trại chăn nuôi để giúp sinh viên thực hành làm nghề hiệu quả nhất. Với cô, giúp người dân có thể bỏ đi những quan điểm xưa cũ lạc hậu để tiếp cận những thông tin mới, áp dụng vào chăn nuôi tăng hiệu quả, tăng thu nhập là cô rất mừng, rất vui.
Cô Loan chia sẻ, thú y là ngành học rất thiết thực với tỉnh Hòa Bình - với quỹ đất sẵn có để phát triển nông nghiệp, cùng với nhu cầu thị trường đang rất cao. Cơ hội với sinh viên học ngành Thú y rất đa dạng và phong phú: Bác sĩ thú y, công nhân kỹ thuật tại các trại, thức ăn chăn nuôi, làm công tác kiểm dịch tại các cơ sở...
Do đó, suốt những năm qua, cô Loan luôn trăn trở làm sao để truyền niềm đam mê, động lực cho các em sinh viên, học viên theo học. Từ đó giúp họ vững tâm với ngành đã chọn, và sống được bằng nghề do chính mình đào tạo nên. Nhìn lại những tiết học ở “chuồng lợn, chuồng gà”, cô vẫn thấy tự hào vì dạy nghề là đặc thù phải cầm tay chỉ việc, có thực nghề mới thành tài.
Với cô, nghề nào cũng đáng quý trọng, điều cốt yếu là giá trị bản thân tạo ra cho xã hội. Bởi vậy, cô vui khi nhiều năm sau, biết bao thế hệ học sinh từ tự nuôi sống bản thân đến làm giàu ngay trên chính quê hương mình bằng ngành nghề đã được học.
“Tôi chỉ mong sao nghề mình dạy giúp ích được cho người dân, cho sinh viên, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Qua đó, không để lãng phí nguồn nhân lực giảng dạy mới là điều đáng quý, đáng quan tâm và đáng bàn” – cô Loan nói.
Ngoài thời gian đi dạy ở trường, cô Loan còn có những buổi thỉnh giảng dạy nghề. Đó là những buổi học về các kiến thức chuyên môn, hoặc với vai trò là một bác sĩ thú y tới các trang trại chăn nuôi để khám chữa bệnh...
Cô hy vọng trong tương lai, Hòa Bình sẽ có nhiều đầu tư hơn về cơ sở vật chất được đồng bộ, giúp giảm bớt khó khăn cho quá trình giảng dạy và học tập. Đồng thời, mỗi sinh viên, học viên đang theo học nghề vững tâm với nghề nghiệp đã chọn, sớm học thành nghề để phát triển quê hương.
“Của hiếm” ngành kỹ thuật
Cô giáo Vũ Thị Phương, giảng viên Khoa Điện - Điện tử Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp mang trong mình cá tính mạnh mẽ. Cô chia sẻ: “Ngay từ khi sinh ra tôi đã có năng khiếu, thiên hướng để học kỹ thuật. So với các bạn nữ cùng trang lứa, tôi rất mạnh dạn trong các ngành kỹ thuật, kể cả sửa chữa hay lắp đặt.
Khi học trường THCS, chúng tôi cũng đã được học điện dân dụng. Trong quá trình học, tôi đã khẳng định được mình không hề thua kém những bạn nam trong lớp. Thậm chí, nhiều bạn nam khi đấu nối các mạch điện để tạo thành một mạch điện có khi chưa đạt được kết quả cao như tôi. Nhận thấy bản thân mình có kỹ năng phát triển trong ngành kỹ thuật cho nên khi học xong THPT tôi đã quyết định bước tiếp theo con đường học ngành kỹ thuật”.
Cô Phương chọn theo đuổi ngành Hệ thống điện của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là ngôi trường mà nam giới chiếm số đông. Cô trở thành nữ sinh viên hiếm hoi của khoa, của ngành.
Sau khi tốt nghiệp, cô trở thành giảng viên của Khoa Điện - Điện tử của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp. Ở đây, sinh viên của cô cũng phần lớn là nam giới.
15 năm trong nghề là “người lái đò”, nữ giáo viên cho biết, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên của cô từng bất ngờ khi gặp một giáo viên nữ dạy kỹ thuật. Nhưng rõ ràng, giới tính không phải là giới hạn năng lực và với tình yêu nghề, cô luôn hăng say truyền tải kiến thức cho học trò. Có lẽ vì thế, từ bất ngờ hay thậm chí là đôi chút “nghi ngờ” năng lực nhưng khi được học trực tiếp, học sinh, sinh viên đều, yêu mến, tự hào về cô.
Dịp 20/11 vừa qua, cô Vũ Thị Phương vinh dự được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vì đoạt giải Nhì tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.
Thật vậy, những nữ giảng viên dạy các khoa ngành kỹ thuật họ được ví như “của hiếm” của các trường nghề. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Khoa Điện Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng cũng là một trong số đó.