Huỷ bỏ xác nhận do 'mập mờ' trong diện tích trồng, khai thác sâm Ngọc Linh

GD&TĐ - Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có diện tích liên kết và khai thác sâm không đúng thực tế nên huyện đã ra văn bản huỷ bỏ xác nhận.

Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum nuôi cấy mô, trồng sâm Ngọc Linh trong nhà màng.
Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum nuôi cấy mô, trồng sâm Ngọc Linh trong nhà màng.

Ngày 4/1, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã có văn bản huỷ bỏ xác nhận về việc Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum “đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông”.

Theo tìm hiểu, 5/2022 một Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đã kí văn bản xác nhận về vấn đề trên.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông thực tế thì đơn vị này đang trồng nuôi cấy mô thí điểm. Cách đây hơn 1 tháng UBND tỉnh cho chủ trương để Công ty đưa nuôi cấy mô ra ngoài tự nhiên. Chính vì vậy, việc xác nhận khai thác là chưa chính xác, nên huyện sẽ thu hồi văn bản.

“Sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã tổ chức họp và đề nghị cá nhân ký xác nhận giấy trên báo cáo giải trình. Bên cạnh đó, kiểm điểm trách nhiệm liên quan vì có nội dung chưa phù hợp với thực tế”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, tại địa phương Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum chỉ hợp đồng thuê 2 người dân chứ không liên kết trồng sâm Ngọc Linh với hộ nào.

Còn ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây (huyện Tu Mơ Rông) cho biết: Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum thực hiện dự án nuôi cấy mô, trồng trong nhà màng, không phải dưới tán rừng. Thời gian qua, Công ty này đã nhiều lần liên hệ nhờ chính quyền xác nhận có liên kết trồng sâm với người dân, nhưng không được.

Theo ông Dũng, địa phương đã hướng dẫn cho Công ty muốn xác nhận liên kết phải thông báo cụ thể liên kết với hộ dân nào. Bên cạnh đó, liên kết ở khu vực nào và gồm bao nhiêu cây sâm để xã đi kiểm đếm rồi mới xác nhận.

“Hiện Công ty này vẫn nuôi cây trong bình, chưa đưa ra rừng nên không thể có sản phẩm. Muốn có sản phẩm sâm Ngọc Linh phải trồng 7 năm”, ông Dũng nói.

Mặc dù chính quyền địa phương xác nhận Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum chưa liên kết với người dân để trồng sâm Ngọc Linh, tuy nhiên ông Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Công ty cho rằng, tại xã Ngọk Lây đơn vị đã liên kết với 10 hộ dân để trồng sâm. Theo đó, diện tích hộ dân trồng lớn hơn công ty, mỗi hộ có từ 5-10 ha. Ngoài ra, công ty cũng liên kết với 3 hộ ở xã Măng Ri với hơn 10 ha và Tê Xăng đang làm việc với 2 hộ.

Ông Thái cho hay, theo đề án, công ty vừa nuôi cấy mô, vừa trồng sâm bằng gieo hạt và mua sâm của dân về chăm sóc. Hiện tại công ty có diện tích hơn 24 ha. Diện tích sâm Ngọc Linh ở rừng được trồng bằng gieo hạt và đã thực hiện từ lâu.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum là một thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam. Đơn vị này dự định mở 300 showroom trên cả nước, 35 showroom ở nước ngoài chuyên bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Theo giới thiệu, Tập đoàn đang sở hữu hơn 7.000 ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh và đã trồng hơn 600 ha .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.