Xác minh thông tin 10ha sâm Ngọc Linh “trên giấy”

GD&TĐ - Trước những xôn xao về 10ha sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam chỉ có ở “trên giấy”, đơn vị này khẳng định trồng liên kết với người dân ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei.

Trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam tại TP Kon Tum.
Trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam tại TP Kon Tum.

Thực hư 10ha sâm Ngọc Linh

Liên quan đến vụ việc có hay không 10ha vườn sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam (gọi là Công ty Sâm Việt Nam), ông Đặng Quang Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã nắm được thông tin vụ việc. Trong thời gian tới, UBND sẽ tiến hành xác minh, làm rõ về diện tích sâm của Công ty Sâm Việt Nam.

Trước đó, cuối tháng 11/2021, Công ty Sâm Việt Nam chính thức ra mắt tại TP Kon Tum. Tại buổi lễ khai trương Công ty Sâm Việt Nam công bố đã trồng 10ha vườn sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Trong đó, ở xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) là 8ha và 2ha tại xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei). Bên cạnh đó, công ty còn có mô hình liên kết để tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Về vấn đề này, ông Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết, sau khi nắm được thông tin Công ty Sâm Việt Nam trồng 2ha sâm Ngọc Linh trên địa bàn thì đơn vị đã đi kiểm tra, rà soát. Tuy nhiên, qua xác minh thì Công ty Sâm Việt Nam không trồng hoặc liên kết với người dân để trồng sâm trên địa bàn.

“Trong năm 2021, người dân xã Mường Hoong chỉ liên kết trồng 5 sào, số lượng 5.000 cây với Công ty Lâm nghiệp, còn lại những công ty khác không có”, ông Thế nói.

Còn ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây khi nghe thông tin Công ty Sâm Việt Nam trồng 8ha trên địa bàn thì khá bất ngờ.

Ông Dũng cho biết, trên địa bàn xã không có Công ty Sâm Việt Nam liên kết với người dân để trồng sâm Ngọc Linh.

Tương tự, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định địa phương chưa giới thiệu Công ty Sâm Việt Nam trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn.

Cũng theo ông Mạnh, sau khi có thông tin xôn xao về 8ha sâm được trồng trên địa bàn thì huyện đã tiến hành rà soát, kiểm tra. Qua khảo sát thì Công ty Sâm Việt Nam có khoảng 5 luống sâm Ngọc Linh và đang trồng trên phần đất của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh là dược liệu bổ dưỡng và quý hiếm nên được trồng và chăm sóc kĩ lưỡng.
 Sâm Ngọc Linh là dược liệu bổ dưỡng và quý hiếm nên được trồng và chăm sóc kĩ lưỡng.

Công ty cho rằng do cạnh tranh không lành mạnh

Sâm Ngọc Linh từ lâu đã được biết đến là loại dược liệu quý hiếm của Việt Nam. Hiện nay, loại sâm này chủ yếu được trồng tại hai tỉnh là Kon Tum và Quảng Nam. Theo kết quả nghiên cứu, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin. Trong đó phát hiện 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài các loại saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng. Là dược liệu bổ dưỡng và quý hiếm nên hiện nay giá sâm Ngọc Linh luôn ở mức cao, khoảng 120 - 260 triệu đồng/kg.

Theo tìm hiểu, trước khi Công ty Sâm Việt Nam ra mắt tại TP Kon Tum, vào tháng 4/2021, công ty này đã có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của công ty với số lượng 500.000 cây.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam cho rằng, do công ty liên kết trồng sâm với người dân tại các huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei nên khi chính quyền địa phương thống kê thì có sự chênh lệch.

Ông Vũ cho rằng, có thể “đối thủ” tung thông tin thất thiệt với mục đích cạnh tranh không lành mạnh.

“Tôi đi liên kết với người dân. Người dân nào có trồng sâm thì tôi vào đầu tư cho người ta. Sau đó, ăn chia với người dân”, ông Vũ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ