Kon Tum: Làm rõ vụ Công ty Sâm Việt Nam trồng sâm trên “giấy”

GD&TĐ - Các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đang khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc có hay không Công ty Sâm Việt Nam trồng sâm trên “giấy”.

Công ty Sâm Việt Nam giới thiệu nhiều sản phẩm có chứa sâm Ngọc Linh trong ngày khai trương tại TP Kon Tum.
Công ty Sâm Việt Nam giới thiệu nhiều sản phẩm có chứa sâm Ngọc Linh trong ngày khai trương tại TP Kon Tum.

Liên quan đến vụ việc báo chí phản ánh Công ty Cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam (gọi tắt là Công ty Sâm Việt Nam) trồng sâm trên “giấy”, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiến hành kiểm tra, làm rõ.

Theo ông Tháp, thời gian qua địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý để ngăn chặn hành vi làm giả, trục lợi và giữ vững thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2021 Công ty Sâm Việt Nam đã tổ chức lễ khai trương trụ sở tại TP Kon Tum. Tại đây, đại diện Công ty đã giới thiệu nhiều sản phẩm do đơn vị sản xuất có thành phần của sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, Công ty này công bố đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh tại xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) và xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, sau khi thông tin trên được công bố, lãnh đạo của huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei khá bất ngờ.

Vào tháng 4/2021, Công ty Sâm Việt Nam đã có văn bản gửi Sở Khoa học công nghệ Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho 500.000 cây là sản phẩm sâm củ của Công ty .Tại đây, Công ty cam kết các thông tin khai báo đề nghị cấp giấy chứng nhận là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm về những thông tin này. Tuy nhiên, Sở Khoa học công nghệ Kon Tum không chấp thuận.

Ngay sau đó, UBND huyện Tu Mơ Rông đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Tuy nhiên, qua xác minh thì Công ty này không sở hữu 8 ha sâm Ngọc Linh trên địa bàn như đã công bố. Tuy nhiên, có 2 người dân xác nhận đã bán và trồng thuê cho Công ty Sâm Việt Nam với diện tích, số lượng rất ít.

Cụ thể, ông A Ngao (thôn Mo Za, xã Ngọc Lây) xác nhận, vào năm 2020 có bán cho Công ty 500 cây sâm Ngọc Linh với tổng số tiền là 200 triệu đồng. Sau đó, số cây này được công ty gửi lại cho ông trồng tại tiểu khu 226 xã Ngọc Lây. Đến năm 2021, 500 cây này cho thu hoạch với số lượng gần 1.000 hạt sâm. Với số hạt sâm này ông A Ngao đã gieo trồng tại vườn.

Tương tự, ông A Ghôi (làng Lộc Bông, xã Ngọc Lây) có bán cho Công ty Sâm Việt Nam 50 cây sâm Ngọc Linh với giá 100 triệu đồng. Số cây này ông A Ghôi đang trồng tại tiểu khu 225, xã Ngọc Lây.

Về vấn đề này, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, cho biết, địa phương chỉ phối hợp giới thiệu, làm việc với các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương.

Do đó, hiện tại chỉ có 2 đơn vị đã triển khai trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty cổ phần Vingin. Chính vì vậy, sau khi Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam công bố sở hữu 8 ha sâm Ngọc Linh thì địa phương đã cho kiểm tra nhưng không phát hiện có diện tích nào.

Bên cạnh việc công bố liên kết với người dân, Công ty Sâm Việt Nam đã từng công bố có liên kết với Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum trồng 3 ha. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum cho biết, chỉ hợp đồng với Công ty cổ phần Dược liệu Núi Ngọk (tiền thân của Công ty Sâm Việt Nam).

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, đơn vị này không thực hiện trồng dược liệu theo thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh. Do đó, Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum đã thu hồi và trồng cây ngũ vị tử, sa nhân tím và một số cây rừng để lấy bóng mát trồng cây dược liệu.

“Với 3 ha trên chỉ trồng được cây dược liệu chứ không thể trồng sâm Ngọc Linh vì không có rừng”, bà Duyên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.