Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống bom mìn năm nay do Liên hiệp quốc phát động là “Khu đất an toàn - ngôi nhà an toàn”, nhằm biến những vùng đất còn ô nhiễm bom mìn thành sân chơi, cùng hành động để không ai bị bỏ lại phía sau. Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và ngoài nước triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Sự kiện nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng, chống tai nạn bom mìn, tác hại của chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức trong nước, quốc tế nhằm huy động cao nhất các nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, chăm lo, giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế, việc làm, cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân bom mìn.
Theo Ban Chỉ đạo 701,Việt Nam là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất trên thế giới. Tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm diện tích đất đai bị ô nhiễm, nghi ngờ ô nhiễm bom mìn là 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích cả nước.
Với những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, tổ chức quốc tế và đặc biệt là Ban Chỉ đạo 701, các vụ tai nạn do bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm qua từng năm.
Năm 2017, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 2 vụ tai nạn bom mìn nhưng không có thương vong; năm 2018 là năm đầu tiên Quảng Trị ghi nhận không có vụ tai nạn bom mìn nào. Điều này cho thấy hiệu quả của công tác truyền thông nâng cao nhận thức tới người dân về tác hại của bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh.
Trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn, từ ngày 1 đến 5/4/2019, Ban Tổ chức đã trưng bày một số hình ảnh về thực trạng ô nhiễm bom mìn, các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Ban Chỉ đạo 701 và của tỉnh Quảng Trị. Một số trường học trên địa bàn huyện Cam Lộ và Triệu Phong cũng đã thực hiện chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn cho các em học sinh.