Hướng tới quy chuẩn chung

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công nhận tín chỉ đào tạo của nhau đã và đang được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đi đầu là hệ thống các trường thuộc ĐHQG Hà Nội và TPHCM, hai trường ĐH Mở Hà Nội và TPHCM. Đặc biệt, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 đã có thêm nhiều trường triển khai công nhận tín chỉ, nổi bật là nhóm 10 trường đại học hàng đầu trong khối kinh tế, nhóm G7 các trường kỹ thuật... Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và đại học chia sẻ giai đoạn 2020 - 2035 của TPHCM cũng hướng tới thực hiện công nhận tín chỉ đào tạo giữa các trường.

Công nhận tín chỉ đào tạo không phải là việc xa lạ với trường đại học nước ngoài, nhưng ở Việt Nam là bước khởi đầu. Việc các cơ sở đào tạo công nhận lẫn nhau về quy trình, nội dung đào tạo và giá trị tín chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người học.

Theo đó, sinh viên cơ sở đào tạo này có thể lựa chọn học một số học phần tại đơn vị khác và ngược lại, nhờ đó tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian đi lại, giúp giảm gánh nặng cuộc sống của bản thân và gia đình. Công nhận tín chỉ đào tạo đồng thời góp phần tăng thêm nguồn lực cho các trường, tạo áp lực tích cực, thúc đẩy cơ sở giáo dục đại học phát triển và hoàn thiện hơn nữa.

Tuy hành lang pháp lý đã mở, lợi ích được khẳng định, nhưng đến nay số trường áp dụng công nhận tín chỉ của nhau còn rất ít. Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế thừa nhận, đối với nhóm trường đào tạo ngoại ngữ, chưa có những hợp tác để triển khai hoạt động trao đổi, công nhận tín chỉ lẫn nhau.

Ngay cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thậm chí giữa các trường trong Đại học Huế có môn thuộc khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, lý luận chính trị… có thể trao đổi, nhưng thực tiễn triển khai còn khó. Tình hình cũng tương tự nhiều nhóm ngành khác như nông lâm, y dược…

Về nguyên tắc, các học phần mà sinh viên đã tích luỹ sẽ được xem xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức đánh giá học phần cũng như điều kiện bảo đảm chất lượng.

Thế nhưng hiện điểm chuẩn đầu vào, chương trình, năng lực đào tạo, cách thức đánh giá của cơ sở giáo dục đại học khác nhau, thậm chí chung khối ngành nhưng số tín chỉ mỗi môn ở từng trường cũng khác. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến các trường dè dặt khi bắt tay nhau. Đa số các trường chỉ yên tâm thỏa thuận công nhận tín chỉ với những đơn vị nằm trong nhóm “phân tầng” ngang hoặc cao hơn mình, hay nhóm chuyên ngành, gần như không bắt tay với “tầng dưới”.

Bên cạnh đó, học phí của các cơ sở giáo dục đại học cũng có sự khác biệt. Lãnh đạo các trường lo ngại nếu rộng cửa công nhận, sinh viên sẽ đổ xô qua học trường đào tạo dễ dãi hay học phí rẻ hơn. Các trường đã có sự thỏa thuận công nhận, như nhóm 10 trường kinh tế, vẫn phải ràng buộc nhau chặt chẽ về số lượng người học, điều kiện đầu vào.

Trong bối cảnh tự chủ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công nhận tín chỉ trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết, phù hợp xu thế. Luật đã mở, rào cản chủ yếu vẫn đến từ nhận thức và điều kiện thực hiện của từng trường.

Để việc công nhận tín chỉ được nhân rộng, tạo điều kiện cho đông đảo sinh viên hưởng lợi, đòi hỏi các trường phải nâng cao nhận thức, nỗ lực hơn nữa trong xây dựng chương trình, nội dung, chuẩn đào tạo chung để có thể cùng sử dụng. Muốn đi xa phải đi cùng nhau, khi cùng phấn đấu đạt được những quy chuẩn chung, nút thắt của các trường theo đó hóa giải, việc công nhận tín chỉ sẽ thuận lợi, phổ biến hơn.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ

Phim ‘Cha cõng con’ sắp tái xuất

Phim ‘Cha cõng con’ sắp tái xuất

GD&TĐ - Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, phim ‘Cha cõng con’ sắp trở lại và chiếu rạp trong mùa hè 2024 để phục vụ khán giả.
Khả năng Mbappe đến Man United là vô cùng thấp.

Ngã ngũ vụ Mbappe đến Man United?

GD&TĐ - Theo nhận định của giới chuyên môn, kịch bản tiền đạo người Pháp gia nhập Man United của Ngoại hạng Anh là điều rất khó có thể xảy ra.