Việc nhiều trường đại học cùng khối, tương đồng về chương trình đào tạo công nhận tín chỉ lẫn nhau thời gian gần đây còn mang lại nhiều lợi ích cho người học. Sinh viên chủ động hơn trong học tập.
Đơn vị tiên phong
Tiên phong thực hiện công nhận chương trình đào tạo và tín chỉ tương tương trong các chương trình học phù hợp là 4 đơn vị: Trường Đại học Giao thông Vận tải (UTC), Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG), Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng (NUCE).
Bốn đơn vị này vào năm 2018 đã ký kết hợp tác toàn diện, trong đó có việc phối hợp đào tạo các môn học tương đương, công nhận các tín chỉ tương đương trong các chương trình học phù hợp của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh; thực hiện chương trình trao đổi sinh viên…
Tiếp theo sự hợp tác trên là sự kiện 7 trường đại học thuộc khối kỹ thuật hàng đầu cả nước gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng ký hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, các trường trong khối thỏa thuận về hợp tác chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo các bậc học; xây dựng mô hình đồng hướng dẫn sinh viên/học viên cao học/nghiên cứu sinh làm luận văn/luận án tốt nghiệp. Người học ở mỗi trường sẽ được khai thác nguồn tài liệu số của 7 trường, cũng như được đăng ký học ngành phù hợp.
TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng việc công nhận tín chỉ đào tạo phù hợp bối cảnh mà cuộc cách mạng số đang tạo ra những công nghệ mới trong giảng dạy. Biên giới và không gian học tập được mở ra vô hạn, cho phép sinh viên, học viên có thể học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào.
Mới đây nhất, 10 trường đại học thuộc khối ngành kinh tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ký thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo TS Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM, với thỏa thuận được thông qua, sinh viên (hệ chính quy) các trường trong nhóm được đăng ký học tập 1 - 2 học kỳ ở trường khác, mỗi kỳ từ 12 - 25 tín chỉ.
“Sinh viên sẽ học, thực tập, nghiên cứu cùng với sinh viên của trường tiếp nhận. Trường tiếp nhận có trách nhiệm cấp bảng điểm học tập, rèn luyện, xác nhận hoàn thành chương trình cho sinh viên. Trường cử đi có trách nhiệm công nhận hoặc miễn/chuyển đổi kết quả học tập của các học phần đã học (cả học phần bắt buộc, tự chọn) hoặc tính điểm rèn luyện khi người học tham gia các hoạt động ngoại khóa theo quy định.
Sinh viên chỉ phải đóng học phí theo số tín chỉ đăng ký học tập cho trường cử đi, không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận. Việc hợp tác này không chỉ giúp sinh viên chủ động cho kế hoạch học tập, mà còn có thể rút ngắn thời gian học tập và tốt nghiệp sớm nếu biết sắp xếp kế hoạch”, TS Hùng nói.
Ảnh minh họa/INT |
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Quy chế đào tạo trình độ đại học đã quy định rõ việc học cùng lúc hai chương trình. Cụ thể, đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của một chương trình khác, ngành khác khi điều kiện của cơ sở đào tạo cho phép nhưng chỉ được hưởng các quyền lợi chính thức và được xem xét công nhận tốt nghiệp chương trình thứ hai khi đã đăng ký thành công. Quy chế đào tạo cũng quy định việc các trường đại học được phép thực hiện hoạt động trao đổi sinh viên và công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ.
Nhìn nhận việc công nhận việc đào tạo theo tín chỉ và nhất là chấp nhận hoặc quy đổi tín chỉ đào tạo với nhau (ở một số nhóm ngành) giữa các trường mang lại nhiều thuận lợi cho sinh viên, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết, mỗi năm trường đều có sinh viên tốt nghiệp khi mới chỉ học 3,5 năm thay vì 4 năm nhờ xu hướng trên.
“Trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường rục rịch tăng học phí thì việc công nhận tín chỉ đào tạo của nhau hoặc đồng ý quy đổi tín chỉ đào tạo qua lại giúp giảm chi phí đào tạo, sinh viên sẽ chủ động hơn với kế hoạch và thời gian học tập của mình. Việc học trường này nhưng vẫn có thể học môn nào đó ở trường khác còn giúp sinh viên tiết kiệm chi phí, kịp hoàn thành số tín chỉ cần tích lũy theo nhu cầu hoặc trả nợ môn…
Theo tôi sự thuận lợi này có nền tảng và cơ sở để mở rộng, khi hiện nay các trường đều xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cũng như tham gia sâu vào công tác kiểm định chất lượng… nên có thể yên tâm”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.
Trong bối cảnh mà các thành tựu của công nghệ thông tin đang tạo ra những điểm nhấn mạnh mẽ cho hoạt động chuyển đổi số trong nhà trường, việc các trường đại học công nhận, chấp nhận quy đổi tín chỉ đào tạo với nhau cho phép sinh viên dễ dàng và chủ động hơn trong việc tích lũy tín chỉ học tập. Chia sẻ quan điểm, TS Thái Doãn Thanh đồng thời nhấn mạnh: “Việc chia sẻ nền tảng học liệu, cơ sở vật chất cùng đội ngũ giữa các trường với nhau theo tôi là lợi nhiều hơn mất”.
GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, nhấn mạnh: Công nhận tín chỉ tạo điều kiện cho người học có nhiều lựa chọn phù hợp, đồng thời tạo áp lực tích cực, thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện hơn nữa của cơ sở giáo dục. Vừa qua, Trường ĐH Mở TPHCM cũng có thỏa thuận hợp tác với nhiều đơn vị khác có chỉ số chương trình đào tạo tương đồng để xây dựng hệ sinh thái giáo dục mở, góp phần xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.