Hướng nghiệp sớm, thành công sớm

GD&TĐ - Lúng túng khi chọn nghề, không biết chọn ngành học nào phù hợp, không nắm được thông tin ngành học… khiến thí sinh bỏ lỡ mất thời gian, gây tốn kém.

Hướng nghiệp sớm, thành công sớm

Nguy hại khi không được định hướng

Thế hệ Gen Z, nhất là học sinh cuối cấp 3 trong giai đoạn chuyển giao quan trọng, thường đối mặt áp lực về thành công của bản thân. Không ít học sinh THPT vẫn chưa xác định được lợi thế, chưa khám phá được đam mê, sở thích đối với một ngành học hay một nghề nghiệp cụ thể, chưa tự đánh giá được chính xác năng lực thực của bản thân.

Học hết năm thứ 2, Minh bỏ ngang ĐH, đăng ký học nghề sửa điện. Bố mẹ ở quê làm ầm ĩ, mắng con vô dụng, bất tài, đòi từ mặt cậu con trai duy nhất. Nhưng ít nhất Minh thấy được lối thoát cho bản thân trước khi gục ngã, mất mục tiêu sống ngay ở giảng đường đại học mà bố mẹ kỳ vọng “sau này ra làm giám đốc”.

Tại rất nhiều hội thảo tư vấn nghề nghiệp của các trường đại học, không ít sinh viên, cả những bạn chuẩn bị ra trường thể hiện sự bế tắc, chán nản, thậm chí là muốn tìm đến cái chết khi mất động lực học tập, định hướng nghề nghiệp vì chọn nghề không yêu thích. Nhiều lý do họ chọn sai nghề như không được định hướng nghề nghiệp, chọn theo trào lưu, theo bạn bè và rất đông người trẻ chọn nghề vì bố mẹ.

Trong lần chia sẻ với phụ huynh Trường THCS-THPT Đức Trí, TPHCM, ThS Đinh Thanh Phương kể về chàng trai bị gia đình ép học nghề Y. Sáu năm sau, vào ngày gia đình tổ chức tiệc liên hoan con tốt nghiệp, cậu "biếu" bố mẹ tấm bằng Giỏi như ước mơ của họ rồi quay đi thực hiện ước mơ của mình. Bố mẹ nghẹn đắng, bẽ bàng, hối hận. Sáu năm không chỉ là thời gian, công sức mà còn là lý tưởng, tình yêu, tuổi trẻ của cậu.

Bố mẹ không tin vào con trẻ, học trò thiếu định hướng nghề nghiệp, nông cạn cũng là lý do nhiều phụ huynh can thiệp thô bạo vào việc chọn nghề của trẻ. Phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho con là cần thiết nhưng cần nhất là phải hiểu con, phân tích cho con thấy được sự phù hợp với nghề nghiệp.

Có nhiều điều cha mẹ tin là tốt, là nhàn nhã lại là "địa ngục" với con trẻ. Nhất là khi bố mẹ cũng không hiểu rõ về các ngành nghề, chỉ nhìn vào ánh hào quang của nghề mà bỏ rơi thứ quan trọng nhất là khát vọng, đam mê, năng lực của con.

Việc lựa chọn ngành, chọn nghề tương lai có thể chịu ảnh hưởng từ những yếu tố như lợi ích liên quan đến nghề nghiệp, vai trò của nó trong xã hội và tác động từ gia đình, bạn bè, thầy cô. Nếu như không có định hướng, không ước mơ, cả học sinh và phụ huynh tốn thời gian, tiền bạc, không học được những kỹ năng cần thiết, đánh mất lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển công việc và không đủ năng lực để đáp ứng vị trí. Rất nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm, có cuộc sống không như ý muốn. Một số phụ huynh mong con có tương lai thành công và hạnh phúc, nhưng không đúng phương pháp.

Là người đã có hơn 20 năm đào tạo, giảng dạy, hướng nghiệp cho hàng nghìn học sinh THPT và sinh viên các trường đại học, ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global cho biết thấu hiểu những vấn đề mà học sinh cuối cấp đang gặp phải.

Ông Tuấn chia sẻ, việc quan trọng của một đời người là phải xác định được đích đến và chủ động vận hành cuộc đời của họ trên đường đi. Bởi vậy, ông luôn mong muốn định hướng được ngành nghề sớm cho học sinh THPT, giúp các em xác định đúng hướng đi phù hợp và tập trung nguồn lực để thực hiện đúng ước mơ, xuất phát sớm thúc đẩy thành công sớm.

Để không chọn sai nghề

Để không chọn sai nghề, các em hãy tìm hiểu kỹ về bản thân và các ngành nghề mong muốn. Các em cần biết được bản thân yêu thích, đam mê những gì, ngành nghề gì. Chỉ khi làm nghề yêu thích, bạn mới có đủ động lực để theo đuổi nó đến cùng. Tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành nghề yêu thích của mình xem có thật sự phù hợp không. Có khả năng trao dồi những kỹ năng còn kém cần có của nghề không.

Biết bản thân làm được gì, giỏi việc gì, khuyết điểm ở đâu. Không đánh giá quá cao hoặc quá thấp năng lực của chính mình. Nếu đánh giá quá cao bản thân khi vào nghề sẽ rất chủ quan. Không chú tâm, dễ thất vọng và thất bại về sau. Còn nếu đánh giá quá thấp bản thân, bạn sẽ không dám chọn những nghề yêu thích.

Không được ngộ nhận về năng lực của mình. Năng khiếu, năng lực có sẵn thôi là chưa đủ, vì thế đừng chủ quan. Trong quá trình học tập và làm việc, bạn vẫn phải cố gắng để nâng cao năng lực.

Các chuyên gia hướng nghiệp lưu ý các em, cần hiểu rằng nghề nghiệp không phân sang hèn. Nếu bạn làm việc không trái với đạo đức, lương tâm và pháp luật thì nghề nào cũng là nghề cao quý. Hãy bỏ đi cái nhìn, tư tưởng lạc hậu, thiển cận để nhìn nhận nghề nghiệp phù hợp.

Đừng chỉ nhìn vào bề mặt nổi của nghề hay quảng cáo của các cơ sở đào tạo. Cũng đừng tưởng rằng chỉ giỏi một môn văn hóa mà đã có thể làm được một nghề. Như đã nói trên, bạn phải tìm hiểu, xem xét kỹ lưỡng trước khi lựa chọn ngành học. Chỉ như thế, bạn mới có được việc đúng, thích hợp với bản thân.

Nên nhớ không được chọn nghề theo sự áp đặt của gia đình. Không nên đi theo nghề gia truyền nếu không thật sự yêu thích. Cũng không nghe theo lời rủ rê của bạn bè. Bạn cần phải độc lập, tự quyết định và chọn nghề cho bản thân.

Ngoại trừ đam mê, các em cũng phải xem xét đến xu thế thị trường, xã hội. Như thế thì mới có thể dễ tìm việc làm hơn. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với đi theo số đông, theo phong trào. Bởi xu thế càng cao, cạnh tranh càng nhiều. Bạn nên lựa chọn một ngành nghề phù hợp với đam mê nhưng vẫn theo kịp sự phát triển của thị trường.

Hậu quả của việc chọn sai nghề rất lớn. Nếu các bạn đang ở ngưỡng cửa của cuộc sống, hãy xem xét thật kỹ lưỡng về việc định hướng nghề nghiệp. Nhưng, nếu đã lỡ chọn sai, chỉ cần bạn còn lòng tin và có thái độ sẵn sàng thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.