Định hướng nội dung trọng tâm bắt nhịp Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Học sinh lớp 12 chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đang được nhà trường chú trọng định hướng ôn tập...

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học trên lớp.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học trên lớp.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bên cạnh việc dạy chính khóa, các trường THPT đã chủ động lên kế hoạch củng cố kiến thức, định hướng các nội dung trọng tâm cho học sinh lớp 12 chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tạo thuận lợi cho học sinh

Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2021, 2022, dự kiến diễn ra vào nửa đầu tháng 7. Chủ trương này được các nhà giáo, học sinh và phụ huynh học sinh trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đồng tình ủng hộ.

Theo thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), chủ trương giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi cũng như cấu trúc, phạm vi nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm nay phù hợp cho lứa học sinh chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua. Việc giữ ổn định cũng tạo thuận lợi cho các em vì kế hoạch, nội dung học tập, ôn luyện không bị xáo trộn.

Nhà trường đã tổ chức các buổi khảo sát học sinh lớp 12 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ của từng môn, lớp, từng học sinh tiến hành chia lớp ôn tập phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực.

Chị Nguyễn Thị Mai - phụ huynh học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ - bày tỏ: Chủ trương giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT như những năm trước là hợp lý, giúp học sinh thuận lợi hơn trong việc ôn tập. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, lên phương án ôn tập nhằm củng cố kiến thức, giúp học sinh lớp 12 làm quen với các dạng đề thi ở các bộ môn. Gia đình cũng luôn quan tâm, đồng hành với thầy cô để giúp sĩ tử có điều kiện học tập tốt nhất.

Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), từ đầu đã có kế hoạch cụ thể về việc học và ôn tập cho học sinh cuối cấp. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh học sinh để cùng đồng hành nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phi, nhà trường phổ biến quy chế thi cho phụ huynh và học sinh; xây dựng kế hoạch ôn thi, thi thử trên mạng, thi thử trực tiếp để các em được cọ xát. Ngoài ra, trường tổ chức lớp dành cho học sinh yếu kém các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học... Tất cả lớp học được nhà trường tổ chức miễn phí.

Hiện, thầy và trò lớp 12 Trường THPT Hoàng Văn Thụ đang tích cực ôn tập để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT bên cạnh hoàn thành các kế hoạch học tập của năm học. Đồng thời với những học sinh có nguyện vọng tham gia kỳ thi riêng đánh giá năng lực, thi chứng chỉ quốc tế để xét tuyển vào đại học, thầy cô cũng có tư vấn, định hướng phù hợp để các em và gia đình tham khảo.

Chủ động ôn tập kiến thức

Để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng đánh giá năng lực học sinh; chuẩn bị thật tốt việc lựa chọn nhân sự để tham gia các khâu của kỳ thi...

Học sinh Trường THPT Tô Hiệu (huyện Gia Lâm) tham gia kỳ khảo sát chất lượng.

Học sinh Trường THPT Tô Hiệu (huyện Gia Lâm) tham gia kỳ khảo sát chất lượng.

Cô Trần Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) - cho biết: Ngoài giờ học chính khóa theo chương trình, học sinh được tham dự các lớp học tăng cường. Đây là lớp ghép các học sinh có cùng lựa chọn môn thi tổ hợp và phù hợp với năng lực.

Căn cứ vào lực học và thời gian biểu cá nhân, các em có thể tham gia với thời lượng khác nhau và hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, những học sinh có lực học yếu kém, nhà trường sắp xếp lịch học riêng môn đó. Học sinh phải tuân thủ nhiệm vụ học tập của thầy cô được nhà trường phân công. Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém ở trường hoàn toàn miễn phí.

Sau khi kết thúc chương trình học, trường sẽ phân ra các lớp nhỏ phù hợp với năng lực và môn thi tự chọn của học sinh. Sẽ có những lớp có thầy cô hướng dẫn học sinh luyện đề, từ đó bù đắp kiến thức và kỹ năng còn thiếu hụt. Có nhóm học sinh sẽ tự học với nhau tại nhà trường dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Các lớp này, học sinh đăng ký tham gia tự nguyện.

Từ đầu năm học 2022 - 2023, Trường THPT Tô Hiệu (huyện Gia Lâm) đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức và chuẩn bị kỹ về mọi mặt. Nhà trường cũng chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT xây dựng chi tiết nội dung tài liệu ôn tập, tập trung ôn tập nội dung kiến thức nhận biết, thông hiểu thường có trong đề thi, đáp ứng mục đích nâng cao chất lượng của kỳ thi.

Chia sẻ từ cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lợi, nhà trường đã tổ chức kỳ khảo sát chất lượng dành cho học sinh lớp 12. Kỳ khảo sát giúp các em làm quen với dạng thức đề thi, xác định được mức độ tiến bộ của mình ở môn thi trong quá trình học và ôn tập; đồng thời chuẩn bị kế hoạch tự ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sau khi kết thúc chương trình học tại nhà trường.

Theo đánh giá, công tác tổ chức kỳ khảo sát được thực hiện nghiêm túc, phần đông học sinh hoàn thành các bài thi và làm quen với không khí trường thi. Đây cũng là bước “chạy đà” cần thiết để các em rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức còn thiếu trước khi bước vào kỳ thi thật.

Trần Thị Hồng Hà - học sinh Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa) - chia sẻ: Em bớt lo lắng khi biết kỳ thi năm nay vẫn ổn định, chỉ có một số điều chỉnh liên quan đến trách nhiệm của thí sinh. Nữ sinh đang tăng tốc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi, đồng thời cũng dành thời gian tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học để mở rộng cơ hội trúng tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...