Phát triển năng lực học sinh qua hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Trải nghiệm là một yêu cầu quan trọng của dạy học/giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng yêu cầu có các hoạt động trải nghiệm. Vì vậy, tìm ra những cách làm, hướng đi sáng tạo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từ giáo dục trải nghiệm là đòi hỏi tất yếu của các cơ sở giáo dục.

Hoạt động trải nghiệm giúp cả thầy và trò cùng chia sẻ tốt nhất kiến thức và tư duy độc lập. (Trong ảnh: Giờ học trải nghiệm tại Trường Phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội)
Hoạt động trải nghiệm giúp cả thầy và trò cùng chia sẻ tốt nhất kiến thức và tư duy độc lập. (Trong ảnh: Giờ học trải nghiệm tại Trường Phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội)

Phong phú mô hình

Tại Ninh Bình, ngành GD-ĐT tổ chức nhiều mô hình hoạt động trải nghiệm (HĐTN) trong nhà trường nhằm phát triển năng lực HS hiệu quả. Đáng nói những cách làm, kinh nghiệm từ triển khai hoàn toàn có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Một số mô hình dạy học trải nghiệm phát triển năng lực HS có thể kể tới như: Câu lạc bộ Tiếng Anh; Giờ chào cờ lồng ghép dạy Tiếng Anh; Giờ sinh hoạt lớp theo chủ đề; Hoạt động trải nghiệm có ứng dụng công nghệ thực tế ảo; Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ đề; Hoạt động trải nghiệm về khoa học kĩ thuật ứng dụng; Giáo dục hướng nghiệp cho HS trung học qua hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường trong tổ chức các hoạt động giáo dục tại thư viện và phát triển văn hóa đọc thư viện… đã được áp dụng vào thực tiễn.

Theo bà Vũ Thị Hồng Nga - Phó Trưởng phòng GDTrH - Sở GD&ĐT Ninh Bình: Mô hình HĐTN có ứng dụng công nghệ thực tế ảo sẽ giúp HS học tập các môn học dưới dạng HĐTN là chìa khóa thực hiện việc học đi đôi với hành, học qua làm, học cách giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống ngay trong trường lớp. Đây là phương pháp ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân học sinh. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường trong tổ chức các hoạt động giáo dục trong các môn học…

Trong giờ trải nghiệm tại Trường TH Nam Bình (Nam Trực, Nam Định)
  • Trong giờ trải nghiệm tại Trường TH Nam Bình (Nam Trực, Nam Định)

Với mô hình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ đề, thông qua các hoạt động sẽ củng cố và khắc sâu kiến thức của các môn học; mở rộng và nâng cao hiểu biết cho HS về các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm phong phú thêm vốn tri thức, kinh nghiệm hoạt động tập thể của HS; rèn luyện cho HS các kĩ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi như kĩ năng giao tiếp ứng xử có văn hóa, kĩ năng tổ chức quản lý và tham gia các hoạt động tập thể…

Còn ở mô hình HĐTN về khoa học kĩ thuật ứng dụng lại hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng của việc dạy học ở các nhà trường. Đặc biệt HS sẽ mạnh dạn vận dụng kiến thức, kĩ năng đã được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống sản xuất, khoa học kĩ thuật, tạo ra những sản phẩm khoa học phục vụ học tập và nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo…

Không chỉ ở Ninh Bình, mô hình phát triển năng lực HS THPT thông qua HĐTN trong dạy học Vật lý tại Quảng Bình cũng là điểm sáng về đổi mới trong dạy và học. Nếu như với trải nghiệm vật chất, trên cơ sở các dụng cụ học tập rời rạc được trang bị ngay tại lớp, HS sẽ tiến hành lắp ráp, tự tạo các tình huống chuyển động của vật trao đổi thảo luận thực hiện các nhiệm vụ học tập đã đề ra, qua đó hình thành các năng lực cần thiết…

Thông qua thực nghiệm trải nghiệm, HS không những được hình thành năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực tự giải quyết vấn đề mà còn phát triển được kĩ năng quan sát, kĩ năng phân tích, tổng hợp và kĩ năng trình bày kết quả hoạt động của mình.

Những trải nghiệm mô phỏng, có thể rèn luyện cho HS được kỹ năng quan sát, phân tích và đề xuất lựa chọn được các phương án xác định vận tốc của vật chuyển động, hình thành năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo…

Ngoài giờ lên lớp HS cần được học tập ngoài thực tế. Ảnh: Thanh Long
  • Ngoài giờ lên lớp HS cần được học tập ngoài thực tế. Ảnh: Thanh Long

Quan trọng là tìm ra đúng cách

Bà Vũ Thị Hồng Nga cho rằng, nội dung HĐTN thông qua các mô hình rất đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục như: Giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, giáo dục KNS, giá trị sống, giáo dục nghệ thuật, thẩm mĩ, giáo dục thể chất, an toàn giao thông, giáo dục môi trường, giáo dục phòng chống HIV/AIDS…

Nội dung giáo dục của HĐTN thiết thực và gần gũi với cuộc sống thực tế, đáp ứng được nhu cầu hoạt động của HS, giúp các em vận dụng những hiểu biết của mình vào trong thực tiễn cuộc sống một cách dễ dàng, thuận lợi.

HĐTN có thể tổ chức theo những quy mô khác nhau. Tùy nội dung và tính chất từng hoạt động mà sự tham gia của các lực lượng có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp; có thể là chủ trì hoặc phối hợp, có thể là những mặt khác nhau.

HĐTN không thể tách rời khỏi thực tiễn cuộc sống, không thể tách rời các hoạt động của con người, đặc biệt là điều kiện, hoàn cảnh mà con người được trải qua. HĐTN được coi là hoạt động GD khi mà dưới sự hướng dẫn của GV, từng cá nhân HS được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau của đời sống nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của HS. 

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Hồng Nga cũng chỉ ra, lâu nay các trường THPT trong cả nước nói chung, ở tỉnh Ninh Bình nói riêng vẫn thường tổ chức các HĐTN, chủ yếu là hoạt động ngoài giờ lên lớp nhưng hình thức chưa đa dạng; nội dung các HĐTN gắn với các môn học rất ít và chưa hiệu quả; thời gian tổ chức các hoạt động giáo dục nếu có thường vào các dịp lễ, tết… và cách thức tổ chức chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa có những cơ sở lý thuyết, mô hình thực tiễn nào chỉ dẫn cụ thể những cách làm hiệu quả.

Ngoài ra, khi tổ chức các HĐTN ở trường phổ thông thường gặp phải những khó khăn về năng lực, kiến thức, kinh nghiệm của giáo viên và cán bộ quản lý về HĐTN; thói quen dạy – học của giáo viên và học sinh; các vấn đề khác về kinh phí, an toàn của HS khi tổ chức các HĐTN và chưa có mô hình HĐTN mẫu đã hoạt động có hiệu quả về học tập.

Ông Bùi Ngọc Nhân – Phó Trưởng phòng GDTrH (Sở GD&ĐT Quảng Bình) cũng khẳng định, HĐTN trong quá trình dạy học là cần thiết, giúp trang bị cho HS không những về kiến thức, niềm đam mê khoa học, mà còn hình thành phát triển các năng lực hết sức cần thiết cho HS đáp ứng yêu cầu mục tiêu giáo dục hiện nay. Tuy vậy, việc tổ chức các HĐTN cần phải tiến hành với tinh thần làm cho giáo dục gắn bó chặt chẽ hơn nữa với cuộc sống, và có thể tổ chức linh hoạt dưới nhiều hình thức khác nhau và diễn ra trong suốt quá trình dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ