- Thưa TS Hoàng Trung Học, hoạt động giáo dục hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với việc lựa chọn nghề nghiệp của HS trong tương lai?
- Hướng nghiệp là câu chuyện đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau trong cuộc đời mỗi con người. Được hướng nghiệp đúng sẽ giúp học sinh chọn đúng nghề, đúng cơ sở giáo dục để theo học, tìm được con đường tối ưu để phát triển bản thân.
Con số hơn 200.000 cử nhân và thạc sĩ không tìm được việc làm gần đây cho thấy những lỗ hổng trong công tác hướng nghiệp, gây tốn kém chi phí xã hội, mất thêm kinh phí cho việc đào tạo lại, đặc biệt là mất nhiều chi phí cơ hội của mỗi cá nhân – điều khiến nhiều em phải trả bằng cả tuổi trẻ với nhiều cơ hội phát triển bị bỏ lỡ. Vì vậy, hướng nghiệp là việc trọng đại, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mỗi cá nhân mà còn là vấn đề của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Hoạt động hướng nghiệp được triển khai với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Trong quá trình hướng nghiệp, học sinh có thể nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và các lực lượng xã hội khác. Trong các lực lượng này, thầy, cô và các chuyên gia hướng nghiệp trong nhà trường giữ vai trò chủ công bên cạnh vai trò quan trọng của cha mẹ.
- Ở hầu hết các trường, giáo viên hướng dẫn các hoạt động hướng nghiệp, đều là “tay ngang”. Do đó, họ hiểu biết không sâu, không nhiều về đặc điểm và yêu cầu của các ngành nghề, cũng như định hướng phát triển và nhu cầu sử dụng lao động trong nước. Vậy, việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp cần được thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả?
- Vai trò của các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường rất quan trọng. Phải nhấn mạnh rằng, hoạt động hướng nghiệp cần được tiến hành sớm, với sự tham gia của cha mẹ, thầy, cô, các đoàn thể quần chúng, các chuyên gia hướng nghiệp, trong đó các chuyên gia tâm lý – hướng nghiệp giữ vai trò trung tâm. Hai hình thức đặc biệt quan trọng của hướng nghiệp trong nhà trường là giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp hướng đến mục tiêu giúp học sinh chọn được nghề, định hướng kế hoạch phát triển nghề nghiệp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cuối cấp (lớp 9, lớp 12). Để tư vấn hướng nghiệp hiệu quả, các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cần cân bằng được các biến số: Nghề xã hội cần; Nghề phù hợp với hứng thú cá nhân; Nghề tương thích với đặc điểm tính cách, năng lực, đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh; Nghề tương thích với nhu cầu, điều kiện cụ thể của gia đình.
Để đồng nhất được 4 biến số này, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cần được nhà trường tiến hành với nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là các buổi tư vấn hướng nghiệp ở cấp độ toàn trường, khối hay cấp độ lớp; cũng có thể tổ chức cho các em tham quan, lắng nghe tư vấn của các nghệ nhân có kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp.
Trong tư vấn hướng nghiệp, hình thức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là tư vấn hướng nghiệp cá nhân. Ở hình thức này, các chuyên gia hướng nghiệp giúp học sinh thực hiện một loạt các trắc nghiệm đánh giá về đặc điểm tâm, sinh lý, trí tuệ, cảm xúc, hứng thú, tính cách, năng lực của cá nhân. Trên cơ sở này, các chuyên gia sẽ tổ chức các buổi tư vấn nghề để tìm ra được giải pháp nghề nghiệp đáp ứng được 4 biến số đã trình bày trên.
Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thực sự thiếu các chuyên gia tâm lý, giáo dục hướng nghiệp được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng sử dụng các trắc nghiệm hướng nghiệp chuẩn hóa để giải quyết nhiệm vụ này. Theo mô hình tại các cơ sở giáo dục tiên tiến trên thế giới, các chuyên gia tâm lý học trường học được đào tạo để làm nhiệm vụ này. Hướng nghiệp được nhìn nhận như một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ tâm lý học đường cho học sinh.
- Làm thế nào để công tác hướng nghiệp trong nhà trường phát huy được thế mạnh giáo dục trong mối liên kết gia đình - nhà trường - xã hội thưa TS ?
- Đặt ra vấn đề kết nối gia đình, nhà trường, xã hội trong việc hướng nghiệp cho học sinh là nhận thức đúng, cần thiết. Trước hết, cả 3 lực lượng này phải chung nhận thức về vai trò của hướng nghiệp đối với sự phát triển cá nhân và vào cuộc mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các em.
Trong điều kiện cụ thể hiện nay, các nhà trường cần liên kết mật thiết với các cơ sở sử dụng lao động để tổ chức các buổi giao lưu, giúp các em định hình và nuôi dưỡng hứng thú nghề nghiệp. Việc giao lưu thường xuyên với các cơ sở sử dụng lao động và các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp sẽ giúp học sinh có thông tin đầy đủ về thế giới nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề tương ứng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần thường xuyên tham gia vào các buổi tư vấn hướng nghiệp cùng con em mình dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hướng nghiệp chuyên nghiệp để đồng nhất nhận thức, từ đó tìm kiếm giải pháp hỗ trợ học sinh.
Cùng với việc tham gia vào các hoạt động chuyên môn của quá trình hướng nghiệp, cha mẹ, gia đình và các doanh nghiệp cũng cần đồng hành với nhà trường trong việc hỗ trợ các nguồn lực vật chất và tinh thần cho các hoạt động hướng nghiệp.
Trong thực tế, các trường rất khó khăn trong các nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động này, đặc biệt trong việc huy động các chuyên gia tâm lý – hướng nghiệp chuyên nghiệp trong việc triển khai các trắc nghiệm và tư vấn hướng nghiệp một cách khoa học cho học sinh.
Do vậy, sự đồng hành, cộng đồng trách nhiệm hỗ trợ học sinh trong giai đoạn bước ngoặt này có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, về lâu dài, các nhà trường cần có những chuyên gia tâm lý trường học được đào tạo chuyên nghiệp về tâm lý giáo dục để thực hiện nhiệm vụ này một cách căn cơ, bài bản.
Hướng nghiệp, chọn nghề là sự kiện đặc biệt quan trọng trong cuộc đời mỗi học sinh. Các em thực sự cần sự hỗ của cả nhà trường, gia đình và xã hội trong quyết định quan trọng này. Về lâu dài, các nhà trường thực sự cần có các chuyên gia tâm lý học trường học làm đầu mối kết nối, thúc đẩy hoạt động nhiều ý nghĩa này.
- Xin cảm ơn ông!