Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ giáo viên còn bất cập nên ngành sư phạm không còn sức hấp dẫn với nhiều học sinh có năng lực, học giỏi, khá. Cùng với đó, công tác dự báo nhu cầu nhân lực và kiểm soát việc tuyển dụng giáo viên chưa được chú trọng, còn để xảy ra hiện tượng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Nhằm khắc phục thực trạng trên, Bộ GD&ĐT đã thực hiện sửa đổi quy định về tuyển sinh sư phạm: Quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với cả hai phương thức xét tuyển theo kết quả học tập lớp 12 hoặc theo kết quả thi THPT quốc gia đối với các thí sinh dự tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học; đồng thời, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo nhân lực sư phạm, trong đó phối hợp với các địa phương rà soát dự báo số lượng giáo viên các cấp, thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo nhu cầu.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường công tác hướng nghiệp sư phạm. Trong khuôn khổ chương trình “Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (ETEP) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Đối với công tác bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về đào tạo cấp bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên để hỗ trợ việc đào tạo và chuyển đổi số lượng giáo viên dôi dư các cấp ở thời điểm hiện tại; đồng thời yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện nghiêm túc việc định kỳ bồi dưỡng giảng viên, giáo viên bảo đảm đội ngũ được cập nhật các kiến thức sư phạm tiên tiến trên thế giới; thúc đẩy kết hợp chặt chẽ công tác bồi dưỡng giảng viên với công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất theo hướng đưa kết quả nghiên cứu khoa học, phục vụ giảng dạy thành một tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá giảng viên, giáo viên.
Bộ GD&ĐT cũng tăng cường sự phối hợp với các bên liên quan trong việc quan tâm đến nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, môi trường làm việc của giáo viên gắn với chế độ đãi ngộ lương, phụ cấp, thu nhập, điều kiện thăng tiến và đề xuất những nội dung này vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).