Hướng học sinh ghi nhớ lịch sử, yêu thương sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn

GD&TĐ - Thông qua các buổi hoạt động ngoại khoá, chào cờ, nhà trường giáo dục học sinh phải biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, ghi nhớ lịch sử và gìn giữ nền độc lập của dân tộc.

Trường THPT Phan Bội Châu sân khấu hoá lại câu chuyện lịch sử để giáo dục học sinh ghi nhớ công lao của các anh hùng dân tộc.
Trường THPT Phan Bội Châu sân khấu hoá lại câu chuyện lịch sử để giáo dục học sinh ghi nhớ công lao của các anh hùng dân tộc.

Giáo dục học sinh không nghe lời xúi giục, kích động

Mặc dù năm học vừa qua, ngành Giáo dục bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, tuy nhiên, trường THPT Phan Bội Châu (xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vẫn cố gắng triển khai dạy học trực tiếp và lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Theo thầy Bùi Văn Minh, hiệu trưởng nhà trường ngoài việc dạy – học, đơn vị thường xuyên quan tâm, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, thể dục thể thao cho học sinh. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà trường tổ chức theo từng lớp, qua đó giáo dục cho học sinh về giới tính, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường....

Bên cạnh đó, thông qua Ngày hội đọc sách nhà trường cũng muốn đưa “văn hóa đọc” trở thành thói quen cho học sinh. Từ đó, rèn cho học sinh biết chọn những loại sách, báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao và phù hợp với tâm sinh lý của từng em.

Học sinh tham gia gói bánh chưng tặng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Học sinh tham gia gói bánh chưng tặng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Không những thế, vào dịp Tết đến Xuân về, nhà trường còn tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Bánh chưng xanh cho em”. Qua buổi trải nghiệm nhằm giúp các em hiểu biết về mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Đặc biệt là phát huy truyền thống “tương thân tương ái”. Ngày Hội là dịp để đoàn viên, thanh niên góp một phần quà tết ý nghĩa dành tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Xã Ia Chim cũng là một khu vực “nhạy cảm”, do đó nhà trường đặc biệt quan tâm, giáo dục học sinh không được nghe, thực hiện theo những lời xúi giục, kích động của các thế lực thù địch. Chính vì vậy, trong các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ nhà trường thường xuyên quán triệt. Đến nay học sinh của trường luôn tuân thủ và không để xảy ra những sự việc vi phạm quy định của pháp luật…

Cũng theo thầy Minh, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng lịch sử tỉnh, điểm đến văn hoá… từ đó giáo dục học sinh phải biết gìn giữ truyền thống của quê hương, đền ơn đáp nghĩa…

UBND tỉnh Kon Tum cũng vừa có công văn về việc triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các UBND huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” và các Kế hoạch của địa phương về công tác bảo vệ trẻ em và các văn bản liên quan khác.

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông với nội dung liên quan đến công tác giáo dục, trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em. Ngoài ra, khuyến khích, vận động gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại.

Giáo dục học sinh bằng trải nghiệm thực tế

Tương tự, thầy Ngô Đình Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đăk Tô, Kon Tum) cho biết, bên cạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua tiết học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp…nhà trường còn tổ chức cho học sinh đi tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống dân tộc.

Theo thầy Hiền, nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh” vừa qua, nhà trường đã tổ chức cho học sinh Dâng hoa và Chào cờ tại Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

Tại đây, học sinh được tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử 50 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2022). Ngoài ra, tham quan tìm hiểu quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và Nhà rông văn hóa.

“Những hoạt động này là dịp để học sinh bày tỏ tâm tư nguyện vọng, thể hiện những tình cảm, truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và nhân dân huyện Đăk Tô. Thông qua hoạt động này nhà trường cũng muốn giáo dục học sinh phải biết ghi nhớ công lao, sự hy sinh của cha ông ta để bảo vệ đất nước. Đồng thời cho học sinh lớp 6 trải nghiệm thực tế sau những bài học về văn hoá, lịch sử trong SGK”, thầy Hiền chia sẻ.

Trường THCS Lương Thế Vinh dâng hoa và chào cờ tại Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.
Trường THCS Lương Thế Vinh dâng hoa và chào cờ tại Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

Cũng theo thầy Hiền, trong quá trình giảng dạy tại trường nhà trường tổ chức đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm như: Hành trình đến với địa chỉ đỏ, thăm và chăm sóc các gia đình chính sách, anh hùng lực lượng vũ trang. Tổ chức các hoạt động lao động và viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện nhân các ngày lễ lớn trong năm. Đồng thời triển khai phong trào “Giúp bạn đến trường, cùng hướng tới tương lai”, “Đôi bạn cùng tiến”. Từ đó giáo dục học sinh biết yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

Em Nguyễn Lê Bảo Anh, học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, thông qua những hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm thực tế thì em và các bạn có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và nền độc lập dân tộc.

“Chúng em xin hứa luôn chăm ngoan, học giỏi xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, là người chủ tương lai của Đất nước”, em Bảo Anh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ