Hướng đi nào cho công tác tư vấn học đường?

Hướng đi nào cho công tác tư vấn học đường?

(GD&TĐ) - Vài năm trở lại đây, công tác tư vấn học đường (TVHĐ) được xem là một hoạt động không thể thiếu của các nhà trường. Tuy nhiên, do thiếu sự đầu tư và định hướng một cách bài bản, mô mình TVHĐ trong trường học vẫn còn khá “chắp vá” và thiếu hiệu quả.

Vẫn là “Cascadeur”?

Đây là một thực tế khá bất cập hiện nay tại các phòng TVHĐ trên địa bàn TP.HCM. Dù đã có biên chế giáo viên(GV) tư vấn tâm lý từ vài năm nay, nhưng công tác tuyển dụng vị trí chuyên trách này tại các trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo sự hoạt động của các phòng TVHĐ, các trường không còn cách nào khác là điều GV, quản nhiệm, cán bộ Đoàn- Đội làm nhân viên tư vấn tâm lý. Đối với các nước tiên tiến, thì TVHĐ từ lâu đã là một chuyên ngành trong lĩnh vực tâm lý, nó đòi hỏi nhân viên không chỉ được đào tạo bài bản mà còn phải có kinh nghiệm sống, cũng như một vai trò độc lập trong nhà trường. Bởi vì đó là một công việc của sự lắng nghe và tôn trọng, cảm thông và đồng hành, đồng thời cũng là một vị trí cần có những quyền hạn nhất định, khi đứng trước những khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi cho các em HS. Tuy nhiên, với hệ thống phòng TVHĐ tại các trường học của chúng ta hiện chưa đáp ứng được tiêu chí trên. Ngoài việc đa số chỉ làm kiêm nhiệm, tình trạng thiếu người làm công tác tư vấn tại các trường còn do chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác chưa thỏa đáng, chưa thu hút được họ.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: Đến nay, TP đã có 90% số trường học thành lập các phòng TVHĐ. Tuy nhiên, hoạt động của các phòng này chưa hiệu quả do một số hạn chế khách quan. Khảo sát nhanh một số trường tại Q.12, Phú Nhuận, Tân Bình cho thấy số trường có phòng TVHĐ rất ít. Tại Q.12, bốn trường được chúng tôi hỏi chỉ mới có trường THPT Võ Trường Toản có phòng TVHĐ. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD&ĐT Q.12, thẳng thắn nhìn nhận: Việc thành lập các phòng TVHĐ trong trường học được chỉ đạo thường xuyên. Tuy nhiên, do sự thiếu hụt về nguồn tuyển, cơ chế hỗ trợ nên nhiều trường dù đã thành lập phòng TVHĐ, nhưng sau một thời gian phải ngưng hoạt động và giao lại nhiệm vụ tư vấn cho cán bộ Đoàn trường, GV kiêm nhiệm vì nhân viên tư vấn bỏ việc.

Hệ quả của việc thiếu hụt chuyên viên tâm lý chuyên nghiệp là việc tư vấn không đạt hiệu quả. Những “diễn viên đóng thế” không đủ chuyên môn, thiếu kỹ năng sống để tháo gỡ những tình huống khó. Từ đó, dẫn đến việc các em không mặn mà với phòng TVHĐ. Ông Hiếu cho rằng chất lượng nguồn nhân lực tư vấn viên là rất quan trọng. Vì vậy, để TVHĐ phát triển và hoạt động theo đúng chức năng thì phải tăng cường công tác tuyển dụng chuyên gia tư vấn tâm lý chính quy. Đồng thời, các trường phải có chế độ đãi ngộ tốt cho những cán bộ phụ trách công tác TVHĐ. Theo ông, để tháo gỡ vấn đề trên, Sở cần đưa công tác TVHĐ vào tiêu chí đánh giá thi đua của trường. Trong đó, vấn đề hỗ trợ các trường về nguồn tuyển dụng, kinh phí hoạt động cũng cần được Sở tính đến.

Học sinh đang được tư vấn
Học sinh đang được tư vấn (ảnh minh họa)

Tầm quan trọng của phòng TVHĐ

Việc giải quyết vấn đề tâm lý đối với HS-SV rất cần thiết. Bởi, các em đang từng bước thu nạp kiến thức nên khi vấp phải những vấn đề tâm lý phức tạp, áp lực khiến các em khó có thể vượt qua. Các em có rất nhiều khúc mắc trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè… mà nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời, sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Cô Nguyễn Thị Nhung, tư vấn viên của trường THPT Hồng Đức, sau 3 năm làm tư vấn viên vẫn không quên được ca tư vấn đầu tiên của mình. Cô chia sẻ: Có lần một nữ sinh vào phòng tư vấn tâm lí khóc sướt mướt vì lỡ cùng bạn trai ‘vượt rào’, hay một nam sinh thổn thức ‘Con không muốn là con trai, con thích làm con gái thôi’. Tôi nghe mà giật cả mình, nhưng bằng sự lắng nghe và chia sẻ, chia tâm sự, tôi đã khéo léo giúp các em cân bằng lại tâm lý bằng những kỹ năng riêng của mình. Từ những trường hợp trên tôi thấy, nếu không có người kịp thời thông cảm, chia sẻ và định hướng, rất có thể HS với vốn sống ít ỏi sẽ hành xử sai lầm hoặc bế tắc, dẫn đến tự tử.

Theo cô Nhung, hiện nay HS tìm đến phòng TVHĐ ngoài việc mong muốn được thầy cô tháo gỡ những vướng mắc về tâm lý, các em ghé phòng TVHĐ còn để có cơ hội trò chuyện với thầy cô. Dựa trên các buổi tư vấn, thầy cô tổ chức các buổi dã ngoại, làm công tác từ thiện, chủ động giới thiệu đến HS các hoạt động của phòng tư vấn qua trang tin điện tử…, từ đó giúp các em cảm nhận được sự gần gũi và thoải mái. Do đó, tư vấn viên không chỉ đóng vai trò là chiếc cầu nối, mà còn là nơi để các em trút xả những tâm tư.

Hướng đi nào?

Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu năm học 2011-2012, 100% trường tiểu học, THCS, THPT và TTGDTX phải có phòng TVHĐ cho HS. Đối với các trường, trung tâm không có cán bộ tư vấn chuyên nghiệp thì phải bố trí GV có kinh nghiệm lâu năm làm công tác này. Mục tiêu là thế, nhưng thực tế e rằng khó thực hiện. Bởi một tư vấn viên giỏi, ngoài kỹ năng và nghiệp vụ tư vấn vững chắc, còn phải như một người bạn mà học sinh tin cậy để chia sẻ, có kiến thức để giúp các em xử lý tình huống trong môi trường học đường, gia đình và cả ngoài xã hội. Việc nâng cao chất lượng tư vấn, làm mới các hình thức tư vấn là điều các trường cần theo đuổi trong tương lai, chứ không phải kiểu làm tạm bợ, “chắp vá” như hiện nay.

Cô Trần Tố Nguyên-tư vấn viên chuyên trách của trường THPT Võ Trường Toản, chia sẻ: Tư vấn viên ngoài chuyên môn vững còn phải có mối quan hệ và kết hợp chặt chẽ với GV chủ nhiệm, ban giám hiệu và phụ huynh để nhanh chóng phát hiện những trẻ có dấu hiệu bất ổn về tâm lý. Họ cần tạo niềm tin để các em tìm đến và bộc bạch để sớm nhìn ra những nhiễu loạn về tâm lý của các em mà sớm tháo gỡ, tránh những sự việc không hay xảy ra. Cô cũng cho rằng phòng TVHĐ ở các nhà trường cần phải kết nối với các bác sĩ chuyên khoa, để kịp thời hỗ trợ học sinh nếu tình hình vượt quá tầm.

Nhìn được những hạn chế của đội ngũ tư vấn viên trong trường học thời gian qua, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã phối hợp với Hội tâm lý Việt Nam, trường ĐH SP TP.HCM tổ chức những lớp bồi dưỡng ngắn hạn với những bài giảng cơ bản về TVHĐ, phẩm chất và kỹ năng của tư vấn viên, tư vấn về vấn đề trẻ vị thành niên, tư vấn về phát triển trí tuệ và tài năng, tư vấn hướng nghiệp chọn nghề, mô hình tổ chức TVHĐ trong trường học cho đội ngũ tư vấn viên… nên đã phần nào giải quyết được những khó khăn của giáo viên, tư vấn viên diễn vai đóng thế trong thời gian qua. Tuy nhiên, để công tác tư vấn trong nhà trường thật sự đạt hiệu quả thì theo cô Nguyên, Sở GD&ĐT cần phải tạo cơ chế, tăng mức đãi ngộ, cũng như các hình thức hỗ trợ cho các trường trong việc xây dựng mô hình phòng TVHĐ và tuyển dụng.  

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ