Sinh thái học (môn Sinh học lớp 12) là phần có kiến thức gần gũi, dễ suy luận cho nên có thể gọi là “dễ”. Tuy nhiên lượng kiến thức của phần này rất nhiều, vì thế nếu không hệ thống hoá thì sẽ “khó”.
Phần Sinh thái học gồm 3 chương, 11 bài, học sinh cần phải hệ thống hoá kiến thức và hiểu được các thuật ngữ sinh thái.
Cụ thể trong Bài 35 Môi trường sống và các nhân tố sinh thái, trong chương I Cá thể và quần thể sinh vật, học sinh cần hệ thống về các nhân tố sinh thái bao gồm nhân tố vô sinh (nhân tố vật lí và nhân tố hoá học) và nhân tố hữu sinh (thế giới hữu cơ và mối quan hệ giữa các sinh vật).
Ví dụ trong đề tham khảo năm 2021
Câu 87: Nhân tố sinh thái nào sau đây là nhân tố vô sinh?
A. Chim sâu. B. Ánh sáng. C. Sâu ăn lá lúa. D. Cây lúa.
Chúng ta có thể dễ dàng biết được đáp A, C, D thuộc về nhân tố hữu sinh, còn đáp án B là nhân tố vật lí – nhân tố vô sinh.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải hiểu về giới hạn sinh thái và ổ sinh thái. Trong giới hạn sinh thái cần biết được khoảng chống chịu, khoảng thuận lợi, điểm gây chết, điểm cực thuận và chúng ta có thể thông qua ví dụ về giới hạn sinh thái của cá Rô phi để dễ hiểu hơn.
Học sinh cần phải phân biệt được ổ sinh thái và nơi ở để tránh sự nhầm lẫn thì chúng ta có thể ghi nhớ nơi ở chỉ là nơi cư trú còn ổ sinh thái thể hiện cách sinh sống của loài đó.
Tiếp theo, chúng ta cần lưu ý về Sự thích nghi của sinh vật với nhiệt độ thì cần hiểu về hai Quy tắc Becman và Anlen.
Quy tắc Becman cho ta biết rằng “Động vật hằng nhiệt sống ở vùng ôn đới thì kích thước cơ thể lớn hơn so với động vật cùng loài hay những loài có mối quan hệ họ hàng gần sống ở vùng nhiệt đới ấm áp. Chúng ta có thể nhớ nhanh “Kích thước cơ thể: động vật ở ôn đới > động vật ở nhiệt đới”.
Về quy tắc Anlen “Động vật hằng nhiệt sống ở vùng ôn đới có tai, đuôi và các chi thường bé hơn tai, đuôi, các chi của các loài động vật tương tự sống ở vùng nóng”. Có thể nhớ nhanh “Kích thước các bộ phận: động vật ở nhiệt đới > động vật ở ôn đới”.
Một trong những nội dung thường xuyên xuất hiện trong đề thi là Bài 40 Quần xã sinh vật và một số đặc trưng cơ bản của quần xã. Trước hết các em cần hệ thống về quan hệ giữa các loài trong quần xã.
Ví dụ từ đề tham khảo năm 2021
Câu 89: Trong quần xã sinh vật, quan hệ sinh thái nào sau đây thuộc quan hệ hỗ trợ giữa các loài.
A. Kí sinh. B. Ức chế - cảm nhiễm. C. Cạnh tranh. D. Cộng sinh.
Khi hệ thống hoá dễ dàng chúng ta có thể chọn ngay đáp án D.
Đồng thời cần hiểu các hình thức quan hệ và lấy các ví dụ minh hoạ để dễ dàng ghi nhớ. Đề thi thường cho các ví dụ cụ thể yêu cầu xác định đó là mối quan hệ gì?
Ví dụ từ đề tham khảo năm 2021
Câu 95: Vào mùa sinh sản, các cá thể cái trong quần thể cò tranh giành nhau nơi thuận lợi để làm tổ. Đây là ví dụ về mối quan hệ
A. cạnh tranh cùng loài. B. hỗ trợ cùng loài. C. hội sinh. D. hợp tác.
Dựa vào đề “các cá thể cái trong quần thể cò” có nghĩa là “cùng loài”, chúng “tranh giành nhau”, chúng ta kết luận đây là ví dụ về mối quan hệ cạnh tranh cùng loài.
Như vậy đối với dạng câu hỏi như thế này chúng ta dựa vào các cụm từ, từ khoá, mệnh đề của câu hỏi để suy luận.
Ví dụ tiếp theo và thường xuyên xuất hiện trong đề thi là chuỗi thức ăn và lưới thức ăn. Về chuỗi thức ăn chúng ta cần lưu ý có 2 loại chuỗi thức ăn là chuỗi thức ăn bắt đầu từ sinh vật tự dưỡng và chuỗi thức ăn bắt đầu từ sinh vật phân giải mùn bã hữu cơ.
Trong chuỗi và lưới thức ăn học sinh thường dễ nhầm lẫn “số” giữa bậc dinh dưỡng và sinh vật tiêu thụ.
Ví dụ minh hoạ: Thực vật nổi -> Động vật không xương sống -> Cá nhỏ -> Cá lớn
- Thực vật nổi là sinh vật sản xuất – bậc dinh dưỡng cấp 1
- Động vật không xương sống là sinh vật tiêu thụ bậc 1 nhưng là bậc dinh dưỡng cấp 2.
- Cá nhỏ là sinh vật tiêu thụ bậc 2 nhưng là bậc dinh dưỡng cấp 3.
- Cá lớn là sinh vật tiêu thụ bậc 3 nhưng là bậc dinh dưỡng cấp 4.
Ví dụ từ đề tham khảo năm 2021
Câu 103: Cho chuỗi thức ăn: Cây lúa → Sâu ăn lá lúa → Ếch đồng → Rắn hổ mang → Diều hâu. Trong chuỗi thức ăn này, sinh vật nào thuộc nhóm sinh vật tiêu thụ bậc 3?
A. Diều hâu. B. Ếch đồng. C. Sâu ăn lá lúa. D. Rắn hổ mang.
Khi hiểu rõ và hệ thống kiến thức rõ ràng, chúng ta dễ dàng xác định được Rắn hổ mang là sinh vật tiêu thụ bậc 3.
Thông qua phân tích cơ bản các nội dung trên, chúng ta dễ dàng nhận biết được một điều: Kiến thức phần Sinh thái không khó, chỉ cần hệ thống hoá bằng Sơ đồ tư duy, hình ảnh, bảng biểu,… thì chúng ta dễ dàng giải quyết các câu hỏi trong đề thi.
Các em hãy lên kế hoạch hệ thống hoá kiến thức bằng sơ đồ tư duy cho Phần Sinh thái học để làm tốt 7 câu phần Sinh thái trong đề thi tốt nghiệp THPT.
Dựa theo đề thi minh hoạ thi tốt nghiệp THPT 2021, chúng ta có thể nhận thấy phần Cơ chế di truyền và biến dị 9 câu (có 1 câu vận dụng cao), Quy luật di truyền có 10 câu (4 câu vận dung cao), Di truyền quần thể 2 câu (1 câu vận dụng cao), Ứng dụng di truyền học 1 câu, Di truyền phả hệ 1 câu, Tiến hoá 6 câu (1 câu vận dụng), Sinh thái 7 câu (1 câu vận dụng) và Sinh học lớp 11 có 4 câu.
Như vậy, kiến thức cơ bản 7,5 điểm, vận dụng thấp 1,5 điểm và vận dụng cao 1 điểm. Chúng ta có thể thấy nội dung môn Sinh học với lượng kiến thức rất lớn, để thuận lợi việc học và ôn tập học sinh cần hệ thống hoá kiến thức là điều cần thiết.
Nếu học sinh có kế hoạch học tập và ôn tập rõ ràng thì việc đạt điểm 7 – 8 là hoàn toàn có thể.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY