Mong muốn đổi thay
Cô giáo Nguyễn Thu Hiền cho biết: "Nằm trong lộ trình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên sẵn sàng đáp ứng mục tiêu đổi mới, trong đó tăng cường năng lực dạy học theo hướng “tích hợp, liên môn”.
Dạy học tích hợp liên môn theo định hướng giáo dục STEM/STEAM là phương pháp dạy học tích cực đang rất được quan tâm hiện nay. Sáng kiến “Tích hợp liên môn theo định hướng giáo dục STEM/STEAM trong dạy học môn Sinh học nhằm phát triển năng lực người học” của cô Hiền đã thực tế hóa việc dạy học và phát huy năng lực thuộc các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học cho học sinh thông qua các đề tài, các bài học, các chủ đề có nội dung thực tiễn.
"Ý thức đây là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết đáp ứng đổi mới, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra cách làm trên. Trong đó ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM - áp dụng tư duy sáng tạo cho các dự án STEM, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ thông qua nghệ thuật. Nó cũng khám phá nơi nghệ thuật tự nhiên phù hợp với các môn học STEM" - cô Hiền cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc dạy học Sinh học vẫn còn mang tính hàn lâm, nặng lý thuyết làm cho học sinh ngại học, lười tư duy, thiếu sáng tạo. Vì vậy, để giúp cho người học yêu thích bộ môn, không còn cảm thấy nặng nề, khó tiếp thu và sợ học thì việc dạy học THLM theo định hướng giáo dục STEM/STEAM là hoàn toàn phù hợp với định hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ở Việt Nam.
Ý nghĩa sáng tạo
Là giáo viên dạy môn Sinh học, cô giáo Nguyễn Thu Hiền đã tìm hiểu và nghiên cứu những đặc điểm của kiến thức phần ba: Sinh học vi sinh vật - Sinh học 10 trung học phổ thông và thực trạng dạy học Sinh học 10 ở các trường THPT. Theo cô giáo: Sinh học là bộ môn khoa học thực nghiệm ứng dụng các kiến thức nền tảng của các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa... Chính vì thế ứng dụng liên môn là hết sức ý nghĩa trong hoạt động dạy – học.
Cô Hiền đặc biệt nhấn mạnh: Vì những đặc trưng như trên, việc dạy học Sinh học ở trường phổ thông không thể tách rời, cô lập với việc giảng dạy các môn khoa học khác hay thực tiễn đời sống. Dạy học tích hợp liên môn là GV để HS nghiên cứu các hiện tượng, nguyên lý và các quá trình Sinh học trong mối liên hệ với các ngành khoa học khác (Toán, Lý, Hóa,...). Giúp HS củng cố và nắm chắc kiến thức một cách toàn diện hơn.
Xu hướng hiện nay trong dạy học Sinh học nói riêng và trong các lĩnh vực khoa học nói chung, người ta cố gắng trình bày cho HS thấy mối liên hệ hữu cơ giữa các lĩnh vực, không chỉ giữa Sinh học với nhau mà còn giữa các ngành khoa học khác nhau như Hóa học, Toán học, Vật lý…. Chính vì thế thực hiện dạy học Tích hợp liên môn theo định hướng giáo dục STEM/STEAM trong dạy học chủ đề Vi sinh vật - Sinh học 10 THPT sẽ hiệu quả cao.
Nội dung phần Sinh học Vi sinh vật có nhiều kiến thức liên quan đến thực tiễn. Hiểu biết về một số quá trình sinh học cơ bản ở vi sinh vật sẽ là cơ sở để các em vận dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn đời sống, biết bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Qua đó học sinh mới thực sự phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, và giúp việc tiếp thu kiến thức được vững chắc và nhớ lâu khi các em bước vào năm đầu tiên của bậc THPT, cần nắm chắc và sâu hơn những kiến thức mới. - Cô Hiền chia sẻ thêm.
NGƯT Trần Thị Mai - hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: Chúng tôi luôn khích lệ động viên GV của mình đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy - học đáp ứng yêu cầu. Sáng kiến của cô giáo Hiền đã cho thấy hiệu quả hết sức tích cực, không chỉ trong môn Sinh mà ở các môn học liên môn. Đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh, những sáng kiến thế này rất nên được đẩy mạnh hơn nữa trong các môn học khác.
"Xu hướng hiện nay của khoa học chính là tiếp tục phân hóa sâu song song với tích hợp liên môn, liên ngành ngày càng rộng. Học các chủ đề tích hợp liên môn học sinh được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.
Điều quan trọng hơn là các chủ đề tích hợp liên môn giúp cho các em không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau, vừa gây quá tải, nhàm chán, vừa không có được sự hiểu biết tổng quát cũng như khả năng ứng dụng của kiến thức vào thực tiễn".
Cô giáo Nguyễn Thu Hiền