Hướng dẫn chấm đã rất "mở"

Hướng dẫn chấm đã rất "mở"

(GD&TĐ) - Đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm nay đón nhận được sự hứng khởi của các thí sinh bởi đề ra không đánh đố, tập trung ở những đơn vị kiến thức cơ bản trong phạm vi chương trình lớp 12. Việc tổ chức cho HS lớp 12 ôn tập ở các trường THPT và thi diễn tập theo sự chỉ đạo nghiêm túc của Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã giúp hầu hết các thí sinh giải quyết đề thi khá suôn sẻ.

 

Câu hỏi 2 điểm ra theo hướng đánh giá năng lực đọc - hiểu văn bản - chú ý những chi tiết hình ảnh giàu ý nghĩa có tác dụng định hướng cách dạy và cách học tích cực của GV và HS, không yêu cầu HS phải “học thuộc lòng”.

Đây là hướng ra đề được sự đồng thuận của cả người dạy và người học. Đáp án hợp lí – Hội đồng chấm nhất trí. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, phần ý nghĩa nên chú ý cả ý nghĩa nghệ thuật của hình ảnh “vòng hoa trên mộ Hạ Du”.

Câu hỏi 3 điểm – dạng đề nghị luận xã hội. Đây là câu hỏi được chờ đợi nhất ở tính đột phá và đổi mới của đề Văn trong đề thi Tốt nghiệp THPT.

Đề ra theo hướng mở, có bất ngờ đối với một số thí sinh; tuy nhiên vấn đề nghị luận thực sự đã tạo được những hiệu ứng tâm lí bởi đó không phải là những tư tưởng, quan niệm được đặt ra kiểu “tầm chương trích cú” mà rất thực tế, gần gũi với đời sống, mang tính thời sự và có ý nghĩa giáo dục rất thiết thực đối với thế hệ trẻ.

Cách ra đề thực sự đã kéo môn Văn trong nhà trường phổ thông gần với cuộc sống hơn, hướng HS quan tâm đến những vấn đề của xã hội và có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ, chính kiến của bản thân về những vấn đề của cuộc sống quanh mình chứ không phải là “nói theo sách vở”, để từ đó các em sống tốt hơn và sâu sắc hơn.

Với dạng đề mở, việc xây dựng hướng dẫn chấm cho “đề mở” quả thực không đơn giản. Việc dư luận có những ý kiến khác nhau là điều không tránh khỏi. Hướng dẫn của Bộ rất ý thức “mở” cho việc vận dụng của các giám khảo trong quá trình chấm qua phần “Lưu ý”: chấp nhận “kiến giải riêng mà hợp lí”, “thí sinh có kĩ năng làm bài tốt mà chỉ bàn luận một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa”…

Điều này tạo điều kiện cho thí sinh được trình bày chính kiến của mình một cách thành thực, phát huy khả năng sáng tạo và thể hiện những ý tưởng độc lập… Đây là điểm đáng trân trọng trong tinh thần “đổi mới”  của đề thi và hướng dẫn chấm.

Về ý : “Không cho điểm những ý nghĩ những bài có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực” mà dư luận băn khoăn thì chỉ cần Hội đồng chấm thi thảo luận làm rõ cách đánh giá “thế nào là những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực?” và dự kiến những tình huống về những ý kiến “trái chiều” nhưng không phải là “lệch lạc, tiêu cực” (khâm phục hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Nam nhưng không thể hành động như Nam chẳng hạn, việc làm của Nam được cộng đồng ngợi ca, có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng nhưng là một cái giá quá đắt đối với Nam bởi Nam không thể có mặt trong kì thi tốt nghiệp này và kì thi ĐH sắp tới để thực những ước mơ của tuổi trẻ và là tổn thất quá lớn đối với gia đình…).

Vấn đề là HS có thể có những ý kiến thật nhất nhưng vẫn thấy được ý nghĩa của nghĩa cử cao đẹp của Nam, nhận ra đó là biểu hiện cụ thể của lối sống đẹp để biết hướng tới những điều tốt đẹp cho cuộc sống này.

Những GV được cử làm công tác chấm thi, hầu hết đã có những trải nghiệm qua thực tế giảng dạy và thực tế chấm thi, chắc chắn các giám khảo sẽ biết cách thẩm định để không phải thiệt thòi cho HS.

Theo qui chế của Bộ, việc tổ chức chấm chung 15 bài, việc hai giám khảo chấm độc lập trên một bài thi, việc chẩm kiểm tra bài thi theo xác suất….sẽ hạn chế khả năng đánh giá chủ quan của một giám khảo nào đó gây thiệt thòi cho HS.

Qua thực tế chấm, tôi cũng có góp ý nhỏ về đề thi: Việc xây dựng hướng dẫn chấm thể hiện ý đồ ra đề theo hướng mở nhưng hướng dẫn thì có “mở” nhưng đề chưa thực sự mở.

Vấn đề nằm ở “câu lệnh” : “ …bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam…”. Theo tôi, nên  là: “ …bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam…” thì ý “mở” sẽ rõ hơn.

Qua hành động cứu người của Nguyễn Văn Nam, thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm, tinh thần quên mình cứu người, lối sống đẹp “vì mọi người”, lòng nhân ái vị tha, đức hi sinh, ...  của Nam.

Thực tế bài làm HS nghiêng về trình bày suy nghĩ về lòng dũng cảm của Nam (do bị ám thị bởi sự hiện diện  của từ “dũng cảm”), chúng tôi vận dụng đáp án của Bộ ở ý “đi sâu 1 vài khía cạnh”, nhưng giá như “đề mở” thực sự để hướng làm bài của thí sinh “mở” hơn thì hay quá!

Thực tế chấm thi ở Hội đồng chấm thi tốt nghiệp tỉnh Đồng Tháp, hướng dẫn chấm của Bộ (nhất là câu 2) đã rất “mở” để giám khảo dễ vận dụng vào thực tế chấm. Chúng tôi đã thảo luận rất kĩ những ý mà “dư luận băn khoăn” để  thống nhất quan điểm, cách đánh giá “thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”, dự kiến những tình huống có thể gặp trong quá trình chấm, nếu có vấn đề gì bất thường sẽ đưa ra thảo luận ở tổ chấm…… Điều này giúp giám khảo không gặp khó khăn trong quá trình chấm.

Cho đến thời điểm hiện nay, không thấy trường hợp nào thí sinh bị đánh giá là có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Tuy nhiên chưa có bài nào đạt điểm tuyệt đối câu về Nguyễn Văn Nam.


Th.S Bùi Thị Kim Duyên

(Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diệu, Đồng Tháp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ