ĐH Đà Nẵng hướng đến một đô thị đại học

GD&TĐ - Sáng nay, (18/11), ĐH Đà Nẵng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) và tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển ĐH Đà Nẵng.   

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng tặng hoa tri ân các thế hệ lãnh đạo ĐH Đà Nẵng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng tặng hoa tri ân các thế hệ lãnh đạo ĐH Đà Nẵng.

Ngày 4/4/1994, ĐH Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 32/CP-NĐ của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ, phát triển theo mô hình ĐH vùng.

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH vùng trọng điểm quốc gia, đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực thuộc top ĐH hàng đầu Việt Nam, có uy tín quốc tế trong khu vực và thế giới.

Từ 5 trường thành viên với gần 800 giảng viên/1.200 cán bộ viên chức của ngày đầu thành lập, đến nay, ĐH Đà Nẵng có 5 trường ĐH thành viên, gồm: Trường ĐH Bách khoa, trường ĐH Kinh tế, trường ĐH Sư phạm, trường ĐH Ngoại ngữ, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, 1 trường CĐ Công nghệ thông tin (hiện đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương và đang tiến hành thủ tục thành lập trở thành trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, trực thuộc ĐH Đà Nẵng, 7 đơn vị phân hiệu, viện, khoa trực thuộc, 35 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, 35 nhóm nghiên cứu – giảng dạy (TRT) với hơn 1.500 giảng viên/2.300 cán bộ viên chức.

Khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

ĐH Đà Nẵng hiện có 9 GS hơn 100 PGS, gần 500 TSKH, TS và trên 1.000 thạc sĩ, đạt tỉ lệ giảng viên có trình độ TS trở lên gần 33% (so với cả nước là 27%). Trong đó, trường ĐH Bách khoa có tỉ lệ cao nhất với gần 54%. Hầu hết cán bộ giảng viên trẻ được đào tạo ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm có thêm hơn 50 tân TS được tuyển dụng và đào tạo trong và ngoài nước.

ĐH Đà Nẵng hiện có 126 ngành đào tạo ĐH, 42 ngành đào tạo thạc sĩ và 25 ngành đào tạo tiến sĩ, trong đó có 42 chương trình đào tạo (CTĐT) tiên tiến, chất lượng cao, 5 ngành đào tạo giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với quy mô gần 60.000 SV, học viên cao học, nghiên cứu sinh và lưu học sinh quốc tế.

GS.TSKH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Chúng tôi rất tự hào về những thành công mà ĐH Đà Nẵng đã đạt được trong giai đoạn hiện nay. Phương thức lãnh đạo đã được đổi mới, bắt nhịp với xu thế tự chủ đại học, đường nét thực hiện chiến lược phát triển nhà trường rõ ràng, xây dựng dự án bài bản, chủ động tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ sự phát triển của nhà trường. Và trên hết, chúng ta đã phát huy tốt bài học kinh nghiệm trong quá khứ là xây dựng được khối đoàn kết chặt chẽ trong toàn ĐH Đà Nẵng, huy động sức mạnh và tâm huyết cùa mọi thành vien để phát triển nhà trường. 

Công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định giáo dục luôn được chú trọng, cam kết và thực thi văn hóa chất lượng trong mọi hoạt động. Đến nay, ĐH Đà Nẵng xếp thứ 3 trong cả nước với 20 CTĐT kiểm định, đạt chuẩn quốc tế. 4/5 trường ĐH thành viên đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia từ năm 2016.

Đặc biệt, trường ĐH Bách khoa là một trong 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam kiểm định, đạt chuẩn chất lượng quốc tế HECERES (Châu Âu). Liên tục trong nhiều năm qua, ĐH Đà Nẵng được đánh giá, xếp hạng thuốc top ĐH hàng đầu Việt Nam. Hợp tác sâu rộng với hơn 200 trường ĐH, tổ chức giáo dục, khoa học trong và ngoài nước; Có nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế, ứng dụng hiệu quả phục vụ cộng đồng, đạt nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Thành quả nổi bật nhất, đáng tự hào nhất của ĐH Đà Nẵng trong 25 năm qua là đã đào tạo, cung cấp cho đất nước một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà giáo, doanh nhân… thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu, đồng thời còn trao đổi đào tạo SV quốc tế, trong đó có nhiều lưu học sinh Lào”

ĐH Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu nằm trong top 300 trường ĐH tốt nhất Châu Á và top 50 trường ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Một trong các giải pháp được ĐH Đà Nẵng đặt ra là huy động mọi nguồn lực với quyết tâm cao triển khai dự án khu đô thị ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc theo kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng.

“Đây là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển lâu dài của ĐH Đà Nẵng để thực sự xứng tầm là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia, có uy tín trong khu vực và thế giới”- PGS.TS.Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định.

Nhân dịp này, ĐH Đà Nẵng có 7 nhà giáo được vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì và hạng Ba; một nhà giáo đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc trong phong trào thi đua yêu nước; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Cờ thi đua, bằng khen, giấy khen các cấp.

Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: "Với đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo, với trang thiết bị hiện đại, ĐHĐN đã trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và giao lưu khoa học lớn, là chỗ dựa vững chắc, là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của khu vực và cả nước. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ tích cực để cùng ĐH Đà Nẵng và các đơn vị có liên quan tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của Dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm có được một khu đô thị đại học hiện đại ngang tầm khu vực".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...