Đô thị đại học: Bao giờ mong muốn thành hiện thực?

GD&TĐ - Các đô thị đại học không chỉ là cộng đồng dân cư góp phần phát triển kinh tế - xã hội, là nơi hội tụ và phát huy chất xám mà còn góp phần giảm tải về giao thông và an sinh xã hội cho những thành phố lớn. Tuy nhiên, các đô thị đại học ở Việt Nam đang rất khó trong việc hoàn thiện các ý tưởng tốt đẹp, nguyên nhân chính và khó tháo gỡ là thiếu vốn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra tiến độ xây dựng khu đô thị ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra tiến độ xây dựng khu đô thị ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn

Sự cần thiết

Khu đô thị ĐH trên thế giới không có gì mới vì đây là một trung tâm dịch vụ trí tuệ của cả vùng, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế và thu hút chất xám. Chính vì thế đô thị đại học đã và đang được xem là mô hình phát triển cao của nền giáo dục đại học tiên tiến.

Từ khi khái niệm đô thị đại học ra đời, nó đã bao hàm với nghĩa là một cộng đồng hoàn chỉnh xung quanh các trường đại học, với quy mô dân cư hàng vạn người, có đầy đủ môi trường học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên, giao thông thuận lợi cùng với các tiện ích đáp ứng cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư là những sinh viên và giảng viên, với hạt nhân trung tâm là các trường đại học.

Chính phủ từng khẳng định, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM và ĐH Đà Nẵng có vai trò trọng yếu trong hệ thống GD&ĐT. Chủ trương này được quán triệt với mong muốn sẽ hình thành ba đô thị đại học chất lượng cao của cả nước là Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Khu đô thị ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội. Đến nay, chỉ duy nhất Khu đô thị ĐHQG TPHCM là đi vào hoạt động. Khu đô thị ĐHQG Hà Nội mới có một vài hạng mục được đưa vào sử dụng. Khu đô thị Đại học Đà Nẵng thì sau 20 năm mới có 3 cơ sở được hoàn thiện cơ bản gồm Trường CĐ Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn, Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Đà Nẵng).

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị đại học Đông Ngạc với diện tích 43,85 ha, với mục đích di chuyển một số trường đại học vào khu quy hoạch dành riêng, có đầy đủ ký túc xá cho sinh viên, khu vực dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao… với mong muốn sẽ sớm hình thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, trong một quần thể kiến trúc hiện đại và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Trước đó, cũng với ý tưởng xây dựng một khu đô thị đại học, đó là Khu đô thị đại học Tây Nam tại hai xã Tây Mỗ và Đại Mỗ đã tạm dừng triển khai. Lý do dừng việc này được biết là do UBND thành phố Hà Nội xin được điều chỉnh quy hoạch làm trung tâm giao dịch thương mại, văn hóa thể thao và hành chính của Thủ đô.

Một bản vẽ dự án làng đại học quốc tế
 Một bản vẽ dự án làng đại học quốc tế

Khó khăn không dễ vượt qua

Thế mới thấy để biến mong muốn thành ý tưởng và rồi từ ý tưởng thành hiện thực khó biết nhường nào. Cho dù Chính phủ đều yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện, ưu tiên cho các khu đô thị đại học nhưng các đô thị này vẫn chật vật hình thành. Đến thời điểm này, có lẽ chỉ duy nhất ĐHQG TPHCM được công nhận là khu đô thị có hình hài đầy đủ hơn cả, đã có các khu chức năng lớn, khu hành chính - dịch vụ, đào tạo, nghiên cứu - chuyển giao công nghệ, bao gồm khu phần mềm và công viên khoa học, khu ký túc xá, thể dục thể thao.

Tuy nhiên, để trở thành khu đô thị đại học kiểu mẫu như mong muốn thì còn không ít khó khăn, thách thức, đó là nguồn vốn bồi thường - giải phóng mặt bằng. Thế nên, đến nay khu đô thị này vẫn đang quản lý và vận hành như một tổ hợp gồm nhiều trường thành viên hoạt động riêng rẽ và phân tán.

Còn Khu đô thị ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) được triển khai trên tổng quỹ đất lên đến 1.000 ha. Dự án được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2003 do chính ĐHQG Hà Nội làm chủ đầu tư, sau 2 lần chuyển từ chủ đầu tư là ĐHQG Hà Nội sang Bộ Xây dựng rồi mới đây lại về ĐHQG Hà Nội, dự án này thể hiện quyết tâm rất lớn hiện thực hóa chủ trương.

Đến nay, sau 16 năm triển khai chỉ có Khu nhà công vụ số 1, Khu Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh và khu Ký túc xá là đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Bên cạnh các công trình “tiên phong”, hạ tầng giao thông trong khu vực cũng bước đầu được triển khai, một số tuyến đường đã làm xong thì vẫn còn rất nhiều hạng mục từ đường giao thông đến các công trình nhà học, nghiên cứu … còn dang dở.

Cũng như vậy, Khu Đại học Phố Hiến của UBND tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án từ năm 2009 với mục tiêu xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô, giảm tải cho Hà Nội.

Nhưng việc thực hiện cũng lại gặp nhiều khó khăn, đến nay chỉ có 2 trường đại học đi vào hoạt động là Trường ĐH Chu Văn An và Trường ĐH Thủy lợi. Đáng buồn hơn cả là cơ sở của Trường ĐH Thủy lợi tại đây với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng không thu hút được sinh viên do hạ tầng chưa hoàn thiện. Trường này cũng đành kéo quân về cơ sở chính Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.

Cũng như các dự án làng đại học khác ở TPHCM hay Hà Nội, tựu chung khó khăn lớn không dễ vượt qua cũng vẫn là chuyện thiếu vốn và giải phóng mặt bằng, thêm nữa việc các đại học nằm trong quy hoạch vẫn muốn bám trụ ở các đô thị lớn cũng là một trong những rào cản lớn để hình thành các đô thị đại học như mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ