Học sinh hào hứng
Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Thắng Lợi tọa lạc trên xã đảo khó khăn của huyện Vân Đồn. Trường có 2 cấp học, bậc tiểu học có 162 em trong đó 28 HS lớp 1. Dù ít HS nhưng do đặc trưng xã đảo, Trường PTCS Thắng Lợi có 2 điểm trường. Vì khoảng cách sông nước, điểm trường Bên Sông dù chỉ có 9 HS lớp Một vẫn phải tổ chức lớp học.
Thầy Phạm Văn Quyền - Hiệu trưởng Trường PTCS Thắng Lợi chia sẻ: Việc dạy học của nhà trường bảo đảm tiến độ và nhận được sự đánh giá tích cực của đội ngũ giáo viên.
Cô Hà Thị Tần - GV lớp 1A, Trường PTCS Thắng Lợi tâm sự: 4 năm “đi nghĩa vụ” ngoài xã đảo, tôi hiểu hơn những vất vả, khó khăn của người dân nơi đây. Điều kiện kinh tế eo hẹp, phụ huynh ít quan tâm đến chuyện học của con cái cũng là chuyện thường tình. Dạy học Chương trình SGK mới, HS có nhiều bỡ ngỡ, phụ huynh mải miết với nghề đi biển thường giao phó trách nhiệm cho cô. Hiểu được điều đó, tôi dành nhiều thời gian quan tâm, bù đắp cho học trò. Sau một kỳ học, với môn Tiếng Việt, HS lớp cô Tần đã nắm được hết âm vần và ghép tạo thành tiếng.
“Sách có nhiều tranh ảnh minh họa phong phú, sắc nét nên HS rất hào hứng. Nhìn tranh ảnh, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, học trò tự bật lên được tiếng và nhớ rất nhanh”, cô Tần cho hay.
Để việc dạy học chương trình mới hiệu quả, ngay từ đầu năm học Trường PTCS Thắng Lợi đã trang bị máy chiếu cho các lớp 1. Thay vì bị động với những học liệu trong SGK, cô Tần cũng như đồng nghiệp thường xuyên tìm tòi thêm trên mạng, đa dạng hình ảnh để trình chiếu, giảng dạy, vì thế HS hứng khởi hơn trong giờ học.
Thầy cô nỗ lực
Trường PTCS Bản Sen, xã Bản Sen có 16 cán bộ, GV, trong đó 11 thầy cô từ đất liền ra. Để đến được điểm trường, GV phải đi 30 phút tàu cao tốc và hơn 10 phút xe ôm. Vì thế, GV công tác tại Bản Sen đều ở nhà công vụ.
Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 92 HS tiểu học trong đó có 16 HS lớp Một. Theo cô Bùi Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng nhà trường, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng quá trình triển khai SGK lớp Một cơ bản thuận lợi. Các thầy cô giáo được chủ động nghiên cứu và lựa chọn sách nên phù hợp với trình độ nhận thức của HS. Sau một học kỳ, HS tích cực, hợp tác với các hoạt động giáo dục.
Cô Phạm Thị Thanh Hảo - Hiệu trưởng Trường PTCS Ngọc Vừng, xã Ngọc Vừng chia sẻ: Học chương trình mới, HS hứng khởi, tương tác với GV nhiều hơn. Qua hoạt động giáo dục, các em tự chủ, tự tin, kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Hết học kỳ I, HS cơ bản biết đọc. Có được kết quả trên, theo cô Hảo, bắt nhịp với Chương trình mới trong thiếu khốn, gò bó về cơ sở vật chất, nhưng GV nhà trường luôn linh hoạt, chủ động các học liệu; chịu khó nghiên cứu tài liệu để mang đến cho học trò những bài dạy lý thú, sinh động.