Triển khai Chương trình, SGK lớp 1 mới: Đừng để bị sốc!

GD&TĐ - Triển khai Chương trình (CT) và SGK lớp 1 mới, đội ngũ giáo viên (GV) được ví như “mắt xích” quan trọng nhất, những người tiên phong trong công cuộc đổi mới.

Cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội). Ảnh: TG
Cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội). Ảnh: TG

Để hoàn thành sứ mệnh được giao, họ không những được tập huấn, bồi dưỡng chung về chuyên môn mà bản thân phải ý thức về sự đổi mới để không ngừng nỗ lực vượt khó, vươn lên.

Hoàn thiện để đổi mới

TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Để cụ thể hóa Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai xây dựng và thẩm định, đưa vào sử dụng 5 bộ SGK cho lớp 1 ở tất cả các môn học; Đồng thời xây dựng kế hoạch tổng thể về đội ngũ GV thực hiện chương trình; Tổ chức tập huấn cho 800 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28 nghìn GV phổ thông cốt cán, 4 nghìn cán bộ quản lý (CBQL) GD cốt cán, 11 nghìn tổ trưởng chuyên môn và hơn 1 nghìn cán bộ sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT.

Có thể thấy, ngành Giáo dục đã chuẩn bị hết sức kĩ càng trong việc bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ CBQL, GV cơ sở. Việc tập huấn diễn ra với nhiều hình thức từ trực tiếp đến tập huấn qua mạng Internet.

Tuy nhiên, nếu chỉ bồi dưỡng, tập huấn chung và cơ bản  là chưa đủ, quá trình thực hiện vẫn đòi hỏi đội ngũ CBQL, đặc biệt đội ngũ GV dạy lớp 1 phải chủ động chuẩn bị cho mình nền tảng kiến thức và tâm thế cho đổi mới.

Cô Lê Thị Kim Ngọc –Trường Tiểu học An hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) cho rằng: Mỗi GV cần chủ động đọc và tìm hiểu một cách thấu đáo chương trình môn học, nhất là môn học, cấp học của mình bởi đó là nội dung cơ bản nhất mà GV sẽ đảm nhận trong giảng dạy. GV cũng phải xác định động lực để đổi mới và thúc đẩy việc thay đổi CT và SGK mới thành công.

Mặt khác, trong mỗi đợt tập huấn, GV cần chủ động lĩnh hội, học hỏi cái mới. Những gì chưa thấu đáo cần mạnh dạn trao đổi, chia sẻ. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật thông tin, bài bồi dưỡng từ các nguồn kênh khách nhau để trang bị kiến thức cho mình…

Qua hơn 2 tháng triển khai CT và SGK lớp 1 mới cho thấy, những điểm mới đã và đang tác động trực tiếp tới hoạt động giảng dạy của mỗi GV, đòi hỏi người thầy phải tự đổi mới chính mình mới có thể đáp ứng mục tiêu đặt ra. Để làm được điều đó, không cách nào khác,  GV phải luôn hoàn thiện để thích nghi và đáp ứng được đổi mới. 

Cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai). Ảnh: TG
Cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai). Ảnh: TG

Nỗ lực vượt khó

Theo nhận xét chung của nhiều nhà quản lý và nghiên cứu giáo dục, đa số GV có thói quen dạy học theo phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều, nặng về ghi nhớ, ít gắn vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống… trước khi được tập huấn bồi dưỡng triển khai CT và SGK mới.

Điều đó dẫn đến hoạt động học tập của HS còn thiên về ghi nhớ, kiến thức rời rạc, thiếu chủ động sáng tạo trong vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Trong khi đó, CTGDPT 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp HS phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng kiến thức nền tảng…

Thực hiện CT, SGK mới, đòi hỏi GV thoát khỏi “lối mòn”, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo mục tiêu phát triển những năng lực cốt yếu của người học mà chương trình đã đặt ra.

Cô Đỗ Thị Hoàng Mai – Trường Tiểu học Nông Nghiệp (Gia Lâm – Hà Nội) bày tỏ: Nhiều GV đã đồng hành với chương trình cũ trong một khoảng thời gian khá dài, thói quen “ăn mòn” trong suy nghĩ, khi được “cởi trói” họ cảm thấy ngỡ ngàng, khó hòa nhập.

Nhiều GV dường như đã quen có một chương trình áp đặt trước, lệ thuộc vào SGK, sách GV trong khi SGK mới không còn là pháp lệnh như trước. GV có quyền chủ động điều tiết lượng kiến thức phù hợp với khả năng tiếp thu của HS trong lớp mình. Chính vì vậy, GV cần một khoảng thời gian để làm quen và dần thay đổi.

Cô Đỗ Thị Hoàng Mai cũng cho rằng, tùy từng HS, điều kiện cụ thể của nhà trường… GV cần xây dựng kế hoạch môn học sát với điều kiện thực tế, phù hợp người học. Mặt khác, GV cần nắm chắc CT mới chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực; phải là người truyền cảm hứng để học trò được bộc lộ, phát huy khả năng, sở trường, thế mạnh của mình…

CT được triển khai theo hướng mở, GV có thể chắt lọc, lựa chọn những gì tinh túy nhất của cả 5 bộ sách để đưa vào bài giảng của mình. Cần mạnh dạn, tự tin và tích cực đổi mới, sáng tạo truyền năng lượng, cảm hứng cho học trò yêu thích môn học. Làm cho trò thích mà học chứ không vì sợ mà học…

Cô Đào Thị Thanh Hương - Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), GV lớn tuổi nhất của khối 1 với hơn 20 năm dạy học  trao đổi: Để “bắt tay” triển khai CT, SGK mới đội ngũ GV từ trẻ đến lớn tuổi như tôi có khó khăn, bỡ ngỡ nhất định.

Tuy nhiên, điều đó không cho phép nản trí hay dừng bước mà càng phải nỗ lực tự bồi dưỡng, tìm tòi nghiên cứu tài liệu học hỏi, thực hành nhiều hơn; tích cực trao đổi trong tổ chuyên môn, trao đổi cùng đồng nghiệp... Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai dạy SGK lớp 1 mới, tôi tự nhận thấy bản thân tự tin và đã bắt nhịp với yêu cầu, HS dần ổn định, nền nếp và tiếp cận tốt với chương trình.

Cô Hương chia sẻ: “Hơn 20 năm giảng dạy theo CT, SGK cũ, những phương pháp dạy học, yêu cầu nội dung chương trình, cách truyền thụ kiến thức… đã bám sâu. Không thể mang cái cũ để triển khai tiếp tục trong CT, SGK mới nhưng vẫn có thể chắt lọc những kinh nghiệm, phương pháp tốt để ứng dụng linh hoạt vào dạy học ở CT, SKG mới”.

Mặt khác, “vấn đề tuổi tác trong quá trình triển khai theo CT, SGK mới chỉ là yếu tố bất lợi nhưng không mang tính quyết định thành bại. Bởi điều quan trọng đối với đội ngũ GV nói chung, GV lớn tuổi nói riêng khi bước vào đổi mới vẫn là sự thích nghi, nỗ lực học hỏi, bồi dưỡng,tự làm mới, làm đầy tri thức của mình.

Đồng thời tích cực cập nhật những cái hay, mới hàng ngày để áp dụng vào dạy học. Chịu khó nghiên cứu và nắm chắc những yêu cầu đổi mới của CT, SGK mới, GV dạy lớp 1 chắc chắn sẽ thành công, giảm áp lực trong quá trình dạy học…” – cô Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Đổi mới sư phạm là điều kiện tiên quyết để thành công trong đổi mới giáo dục phổ thông và ngược lại. Do đó để triển khai CTGDPT 2018 và SGK lớp 1 thành công, đội ngũ GV lớp 1 không cách nào khác là chủ động sáng tạo, vượt khó học hỏi, khắc phục nhược điểm bản thân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.