Huế tháng Tám - Khúc ca rạo rực, hân hoan

GD&TĐ - Tố Hữu vừa là nhà hoạt động cách mạng, vừa là nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc.

Nhân dân Thừa Thiên - Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ ngày 23/8/1945, ngày cách mạng thắng lợi tại Huế. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Nhân dân Thừa Thiên - Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ ngày 23/8/1945, ngày cách mạng thắng lợi tại Huế. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Các chặng đường thơ Tố Hữu gắn bó song hành với các giai đoạn cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa ở Huế. Tự hào, vui sướng trong ngày hội, Tố Hữu cất cao lời thơ ngợi ca với cảm xúc dâng trào. Bài thơ Huế tháng Tám ra đời trong không khí thiêng liêng trọng đại ấy còn mãi với thời gian, trở thành khúc tráng ca trong lòng người đọc.

Mùa thu tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu son chói lọi. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca. Từ trong máu lửa của chiến tranh và niềm vui trước ánh hào quang rực sáng, Tố Hữu đã cất cao tiếng hát. Bài thơ Huế tháng Tám vừa mang âm hưởng lắng sâu dồn nén nỗi niềm, vừa có giọng điệu của một khúc khải hoàn ca say mê, rạo rực.

Mở đầu bài thơ là lời thủ thỉ chân tình:

Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác

Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau

Chân nôn nao như khách đợi mong tàu

Bước dò bước, không biết sau hay trước?

Nỗi đau trên đất mẹ thân thương đã được Tố Hữu cảm nhận một cách tha thiết. Cuộc chiến đã in hằn những vết thương lên mảnh đất vốn hiền hòa, thơ mộng. Huế lại trầm tư trong vẻ cổ kính ngàn xưa: Quá khứ nặng đè xuống đầu cúi lặng… Từ trong đau thương, từ trong gian lao vất vả, Huế đi lên kiên cường.

Một ngai vàng không thể thắng cả giang sơn!

Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn

Máu giải phóng đã sôi dòng nhân loại

Người phải xuống, đêm nay, đêm chiến bại

Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son!

Những vần thơ hừng hực khí căm hờn, bừng bừng một sức mạnh, ý chí quyết tâm và niềm tin vững chắc. Lửa lòng trào dâng, rực cháy, bởi lẽ trong trái tim người dân xứ Huế đã đong đầy bầu nhiệt huyết. Tất cả vào cuộc, tất cả xông pha. Dậy mà đi! Dậy mà đi! Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi; Dậy mà đi, hy vọng sẽ thành công; Dậy mà đi hỡi bạn dân nghèo ơi… Hơn bao giờ hết, họ ý thức rất rõ rằng: Dân là chủ, không làm nô lệ nữa! Đã đến ngày đất trời Huế đỏ bóng cờ sao. Đã đến ngày trên quê hương rộn vang tiếng kèn xung trận, toàn dân nhất tề đứng lên khởi nghĩa:

Hãy mở mắt: Quanh hoàng cung biển lửa

Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao

Mở mắt trông: trời đất, bốn phương chào

Một dân tộc đã ào ào đứng dậy!

Khởi nghĩa ở Huế thắng lợi ngày 23 tháng 8, đến ngày 30 tháng 8 vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ tồn tại trong nghìn năm ở Việt Nam. Còn niềm vui nào hơn thế nữa, Huế hân hoan cất vang bài ca chiến thắng. Cái âm hưởng hào hùng ấy dội vào hồn thơ Tố Hữu thôi thúc ông cất cao tiếng hát. Lời thơ, giọng điệu thơ cứ quấn quýt, quyện hòa, tạo nên khúc nhạc reo vui không bao giờ đứt.

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy

Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi

Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!

Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc

Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?

Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà

Ai dám cấm ta say, say thần thánh?

Một góc thành Huế hôm nay. Ảnh: cungphuot.info

Một góc thành Huế hôm nay. Ảnh: cungphuot.info

Niềm vui vỡ òa. Niềm vui chiến thắng, niềm vui giải phóng được cất lên từ trái tim của người chiến sĩ từng bị giam cầm. Niềm vui ấy được thể hiện một cách tự nhiên, tuôn trào theo cảm xúc. Sảng khoái, tự hào và cảm động biết bao! Đứng giữa đất trời quê hương mà nghe lòng rạo rực. Từ niềm vui sướng hân hoan, từ niềm vui hội ngộ, chứng kiến quê mẹ bắt đầu đổi thay, lớn lên, đẹp hơn từ máu lửa, Tố Hữu ngỡ có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi; nghe trong lòng “cơn gió mạnh” “thổi phồng lên”, “ngực lép bốn nghìn năm” để “tim bỗng hóa mặt trời”… Chất men say của lý tưởng cách mạng, nỗi đau trước cảnh quê hương bị tàn phá, tự hào về khí phách hiên ngang, vui sướng trước chiến công hiển hách… đã tạo nên những câu thơ “dậy sóng”.

Tâm trạng phơi phới, hân hoan khi sống trong không khí của những tháng ngày lịch sử hào hùng trên đất Huế… câu thơ, vần thơ cứ thế tuôn trào làm nên làn sóng ngôn từ cộng hưởng, nối tiếp như thác vỡ bờ. Ở đây, cái TÔI của nhà thơ đã hòa vào trong cái TA chung của dân tộc. Hồn nhà thơ quyện vào hồn thiêng sông núi, và nói như tác giả Hoài Thanh “thơ anh là tiếng hát của anh trong chiến đấu”; thơ Tố Hữu là “bó hoa lửa lộng lẫy, nồng nàn” (Đặng Thai Mai).

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 17/8/1945, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Tố Hữu đến Huế cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên - Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở Huế.

Ngày 23/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa gửi tối hậu thư cho Bảo Đại khuyên ông ta tự thoái vị; đến 14 giờ cùng ngày, trước 10 vạn đồng bào tại sân vận động Huế, đồng chí Tố Hữu nhân danh Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố chính quyền về tay nhân dân.

Sau này đồng chí Tố Hữu đã khẳng định: “Có lẽ trong lịch sử ở Thừa Thiên - Huế, chưa có một ngày hội lớn và đẹp đến thế”. Nói về không khí sáng tác bài thơ này, nhà thơ Tố Hữu có lần tâm sự: “Bài Huế tháng Tám của tôi phản ánh khá trung thực tình cảm của đồng bào mình lúc đó. Một thứ tình cảm mà người ngoài cuộc không biết được, ngay cả bây giờ tưởng tượng ra cũng không dễ viết”:

Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố

Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi

Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!

Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác

Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc

Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!

Lời thơ dồn dập, nhịp thơ liên tiếp; nhiều điệp từ, điệp câu tạo nên sự liên âm, liên hoàn sôi nổi, rộn ràng, giục giã. Lời thơ cất lên từ niềm vui và tình yêu đất nước bất tận. Ba từ Việt Nam đặt cạnh nhau vang lên đầy tự hào, kiêu hãnh ở cuối bài thơ thể hiện khát vọng cháy bỏng về một đất nước tự do, được giải phóng. Những câu thơ của Tố Hữu dạt dào nhựa sống từ lồng ngực của cái tôi trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết, say mê lý tưởng cách mạng. Không vui sao được khi cả dân tộc được cởi trói khỏi ách nô lệ gần 100 năm. Cờ hoa rực rỡ, sao vàng tung bay phấp phới; hàng vạn người hô vang như sấm “Việt Nam độc lập muôn năm! Chính quyền nhân dân muôn năm!” tại sân vận động Huế ngày 23 tháng 8 đã vọng âm vào những vần thơ hừng hực khí thế của Tố Hữu.

Phần đầu Huế tháng Tám mang hơi thở đợi chờ thời cơ khởi nghĩa với những lời thơ tự sự, có khi trầm lắng, có khi căm phẫn, tái hiện lại quá trình đứng lên của dân tộc. Phần sau của bài thơ là khúc ca chiến thắng, là niềm vui bất tận trước kỉ nguyên mới của đất nước. Tất nhiên âm hưởng chủ đạo của thi phẩm này vẫn là âm hưởng của khúc tráng ca sử thi vui tươi, sôi nổi. Những câu thơ trong Huế tháng Tám nghe như hồi kèn xung trận. Đó là tiếng hát cất lên từ trái tim, từ dòng máu nóng, bầu nhiệt huyết sục sôi.

Lời thơ, âm hưởng thơ cứ như một khúc nhạc reo vui không bao giờ dứt. Tố Hữu sử dụng nhiều câu hỏi, câu cảm thán, nhiều tính từ lấp lánh sắc màu cảm xúc, động từ mạnh, nhiều từ láy… để tái hiện lại bức tranh lịch sử và dòng xúc cảm của một cái tôi công dân đầy trách nhiệm. Huế tháng Tám mang vẻ đẹp của một bài thơ mới, nhưng là thơ mới cách mạng, là dòng lãng mạn cách mạng. Ngôn từ, hình ảnh, cấu tứ, nhịp điệu… tự do, chảy trôi theo mạch cảm xúc của người viết. Vì thế, nó đi vào hồn người một cách tự nhiên.

Đọc Huế tháng Tám có cảm giác Huế cởi được chiếc áo trầm mặc thường ngày; Tố Hữu ca ngợi hình ảnh Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Nguyễn Đình Thi). Cũng như Tố Hữu, nguồn cảm hứng mới Ào ào tới như mùa xuân đổ suối lôi cuốn Xuân Diệu nhập cuộc. Niềm vui ấy chắp cánh thêm cho hồn thơ lúc này. Ngọn Quốc kì và Hội nghị non sông là hai bài tráng ca mà Xuân Diệu viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Bài thứ nhất ca ngợi phong trào cách mạng, bài thứ hai chào mừng Quốc hội đầu tiên.

Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!

Những ngực nén hít thở Ngày Độc lập

Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!

Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca…

- Bốn nghìn năm, trông mặt mẹ không già

Chúng con vẫn sẵn một lòng trẻ ấy.

Ngắm từng biếc, chúng con mừng biết mấy

Thấy còn dư máu đỏ để trang hoàng!

(Ngọn Quốc kì)

Đã 77 năm đi qua, song Huế tháng Tám của Tố Hữu vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn đồng hành và âm vang trong lòng người đọc bởi đó vừa là khúc tráng ca lịch sử, vừa là tiếng hát của một người thanh niên, một người cộng sản luôn có mặt trời chân lý ở trong tim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.