Tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu

GD&TĐ - “Việt Bắc” là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Tố Hữu, “tình thơ tha thiết, điệu thơ êm ái, là một khúc trữ tình nồng nàn, sôi nổi bậc nhất trong thơ ca cách mạng hiện đại” (Trần Đình Sử).

Tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” được biểu hiện trước hết ở phương diện nội dung - qua cách nhìn, cách cảm, cách miêu tả của nhà thơ về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Ảnh minh họa: Nguồn IT
Tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” được biểu hiện trước hết ở phương diện nội dung - qua cách nhìn, cách cảm, cách miêu tả của nhà thơ về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Ảnh minh họa: Nguồn IT

Sức hút của bài thơ với các thế hệ người đọc vượt thời gian không chỉ ở những tình cảm cách mạng lớn lao, cao cả, mà còn ở cả giọng điệu của tình thương mến ngọt ngào, tha thiết và đặc biệt là ở tính dân tộc đậm đà.

1.

Tính dân tộc là khái niệm “thuộc phạm trù tư tưởng - thẩm mỹ chỉ mối liên hệ khăng khít giữa văn học và dân tộc, thể hiện qua tổng thể những đặc điểm độc đáo tương đối bền vững chung cho các sáng tác của một dân tộc, được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử và phân biệt với văn học của các dân tộc khác” (Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 2004).

Tính dân tộc thể hiện ở mọi yếu tố từ nội dung cho đến hình thức của sáng tác văn học. Về nội dung, dễ dàng nhận thấy trước hết, tính dân tộc biểu hiện trong sự phản ánh màu sắc dân tộc của thiên nhiên, của đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Nội dung căn bản của tính dân tộc còn là tinh thần dân tộc thể hiện ở tính cách dân tộc và cái nhìn dân tộc đối với cuộc đời. Đó là những yếu tố tương đối bền vững được hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh địa lí và con đường phát triển lịch sử riêng của dân tộc, là một phẩm chất chỉnh thể biểu hiện trong một phức hợp liên kết các phẩm chất nhất định.

Tính dân tộc còn biểu hiện ở hình thức văn học. Mỗi nền văn học dân tộc có hệ thống thể loại truyền thống, có các phương tiện miêu tả, biểu hiện riêng, nhất là có ngôn ngữ dân tộc thể hiện bản sắc riêng trong tư duy và tâm hồn dân tộc mình.

Như vậy, có thể nói, bất kể là tác phẩm văn học hay tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều mang tính của dân tộc - phản ánh đời sống, lịch sử dân tộc, kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, có những tác giả, trong tác phẩm của mình, tính dân tộc được chú trọng, được tập trung thể hiện, khắc họa, làm nên đặc điểm phong cách. Với Tố Hữu, tính dân tộc đậm đà là một đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ. Thơ Tố Hữu vừa mang tính chất trữ tình - chính trị sâu sắc, vừa mang tính dân tộc đậm đà. “Việt Bắc” là bài thơ tiêu biểu.

Ảnh minh họa: Nguồn IT
Ảnh minh họa: Nguồn IT

2.

Tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” được biểu hiện trước hết ở phương diện nội dung - qua cách nhìn, cách cảm, cách miêu tả của nhà thơ về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Suốt dọc bài thơ, ta bắt gặp rất nhiều địa danh cụ thể, xác thực gắn với tên đất, tên làng, tên các vùng miền của đất nước ta: Tân Trào, Hồng Thái, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê, Phủ Thông, đèo Giàng, sông Lô, phố Ràng, đến Cao - Lạng, Nhị Hà; Từ Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên đến Đồng Tháp, An Khê, đèo De, núi Hồng…

Đó là những cái tên quen thuộc, gắn với thủ phủ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, những cái tên của một vùng non nước không trộn lẫn với một vùng miền nào của một dân tộc nào khác, không trộn lẫn với một nhà thơ, một nền văn hóa nào khác. Tính dân tộc đậm đà thấm trong cả niềm tự hào của nhà thơ khi các địa danh xuất hiện dày đặc, làm nên bản đồ trận địa trong cuộc kháng chiến chống Pháp:

- Mình đi mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái mái đình cây đa

- Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia sông Đáy, suối Lê vơi đầy

- Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng

Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà

- Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Bên cạnh những địa danh, thiên nhiên, trong bài thơ cũng hiện rõ trong những nét đặc trưng, tiêu biểu cho một miền đất: “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”; “hắt hiu lau xám”, “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lung nương”; “bản khói cùng sương”; “rừng cây núi đá”; “Núi giăng thành lũy sắt dày”… Thiên nhiên in rõ dấu ấn thời tiết khắc nghiệt của vùng núi non xa xôi, hiểm trở, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước.

Tất nhiên, thiên nhiên Việt Bắc cũng mang vẻ đẹp riêng. Đẹp nhất phải kể đến bộ tứ bình về cảnh sắc Việt Bắc trong sự luân chuyển bốn mùa:

Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lung

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Mỗi mùa mang một màu sắc đặc trưng. Cảnh rừng Việt Bắc vào đông với “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”. Trên cái nền xanh trầm tĩnh của rừng già, mùa đông được báo hiệu bởi những đốm lửa lung linh của “hoa chuối đỏ tươi”. Nét chấm phá của màu đỏ hoa chuối trên nền xanh trầm tĩnh của núi rừng gợi màu tươi mới, gợi cái ấm áp, xua đi cái lạnh lẽo của mùa đông.

Theo vòng tuần hoàn của tạo hóa, đông qua, xuân đến. Mùa xuân Việt Bắc hiện diện với màu trắng tinh khiết của hoa mơ, “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”. “Trắng” là tính từ chỉ màu sắc, nhưng trong câu thơ này, nó được chuyển loại từ, thành bổ ngữ “nở trắng rừng”, gợi mở trước mắt người đọc một không gian bừng sáng, mênh mông,  hoa mơ bao phủ khắp cánh rừng Việt Bắc.

Rồi hạ về, không chỉ bằng sắc vàng của rừng phách mà bằng cả khúc nhạc ve, “Ve kêu rừng phách đổ vàng”. Đây là một câu thơ tài hoa. Từ “đổ” trong câu thơ bật lên thật thần tình. Trong phản ứng dây chuyền, tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè, hè đến rừng phách chuyển màu vàng rực - từ “đổ” vừa diễn tả sự chuyển màu nhanh chóng, mau lẹ của rừng phách, vừa gợi những trận mưa hoa phách khi đón nhận gió hè.

Sự chuyển hóa âm thanh, màu sắc ở câu thơ tạo một không gian rực rỡ chỉ có ở cảnh rừng Việt Bắc và chỉ có thể được thâu tóm bằng một tài thơ đậm đà tính dân tộc như nhà thơ Tố Hữu. Hạ qua, thu sang mang theo nét thanh bình, trong trẻo: “Rừng thu trăng rọi hòa bình”. Trong cái màu xanh huyền ảo của trăng thu có cả cái thanh bình của núi rừng và cả cái bình yên của tâm hồn, của cuộc sống con người. Có thể nói, chất liệu dân tộc, cảm hứng dân tộc đã làm nên dấu ấn độc đáo của bộ tứ bình.

Dấu ấn dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” không chỉ được biểu hiện trong các địa danh, cảnh sắc thiên nhiên vùng miền mà đặc biệt in rõ trong hình ảnh con người mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đó là những con người ân nghĩa, thủy chung:

- Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”

- Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

- Mình đi mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu

- Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng.

Trong cuộc chia tay bịn rịn của người đi - kẻ ở, giữa cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc, kỉ niệm của những người từng gắn bó, chia ngọt sẻ bùi suốt “mười lăm năm ấy” cứ lần lượt được gợi nhắc trở thành lời khẳng định tấm lòng ân nghĩa, thủy chung của những con người cách mạng. Chuyện ân tình cách mạng được Tố Hữu khéo léo thể hiện bằng giọng điệu thiết tha, sâu lắng như lời tâm tình của tình yêu lứa đôi.

Hình ảnh con người Việt Bắc hiện lên trong thơ Tố Hữu mang dáng vẻ quen thuộc của con người Việt Nam. Đó là những con người nhẫn nại, chịu thương, chịu khó, là “người đan nón chuốt từng sợi giang”, là “người mẹ nắng cháy lưng; Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”. Đó là người đi rừng trong tư thế làm chủ đất trời, “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”, là những cuộc đời “gian nan” nhưng “vẫn ca vang núi đồi”, vẫn một niềm lạc quan, niềm tin bền bỉ vào ngày mai, vào tương lai tươi sáng.

Trong thơ Tố Hữu, hình ảnh đẹp hơn cả vẫn là con người cách mạng, con người kháng chiến - nằm trong mạch cảm hứng của văn học yêu nước của dân tộc Việt Nam. Trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu đã dành những vần thơ hào sảng nhất để dựng nên hình tượng người lính trong bức tranh ra trận:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.

Tinh thần dân tộc, sức mạnh dân tộc được cất cánh trong những vần thơ hào hùng đã làm nên tính dân tộc đậm đà cho bài thơ “Việt Bắc”. Tinh thần ấy, sức mạnh ấy đã thành dòng chảy trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử tâm hồn con người Việt Nam và khi trước những thử thách lớn lao nó lại càng được khẳng định mạnh mẽ.

Để có được những bức tranh thiên nhiên, bức tranh cuộc sống kháng chiến và con người kháng chiến chân thực, đậm đà bản sắc dân tộc như vậy, không chỉ cần một tài năng nghệ thuật mà quan trong hơn, căn cốt hơn phải là một tâm hồn dân tộc, một tấm lòng gắn bó sâu sắc, thiết tha với Việt Bắc, với quê hương, xứ sở, phải có sự trải nghiệm cuộc sống trong lòng kháng chiến, có xúc cảm thời đại… tất cả đã hòa nhập, nối tiếp truyền thống ân nghĩa thủy chung trong đạo lí sống, trong tâm thức của dân tộc từ ngàn xưa. Có thể nói Nghệ thuật dân tộc là nghệ thuật mang mùi hương đất đai, trong tiếng mẹ đẻ mỗi từ dường như có hai lần ý nghĩa nghệ thuật… ( A. Leptonxtoi). Sức ngân vang của “Việt Bắc” vào lòng người đọc một phần là bởi sự hòa nhập đó.

Ảnh minh họa: Nguồn IT
Ảnh minh họa: Nguồn IT

3.

Tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” không chỉ biểu hiện ở phương diện nội dung, mà còn được thể hiện rõ trên phương diện hình thức nghệ thuật. Hai yếu tố nội dung và nghệ thuật hòa quyện vào nhau làm nên tính dân tộc đậm đà.

Để  tạo giọng điệu ngọt ngào, da diết, sâu lắng ân tình, Tố Hữu đã tìm đến thể thơ lục bát truyền thống với nhiều cách tân sâu sắc. Trên nền nhịp chẵn của lục bát, nhà thơ còn tạo nhịp du dương phù hợp với tâm trạng buổi chia li lưu luyến, dạt dào cảm xúc. Thể thơ lục bát truyền thống được vận dụng tài tình trong một bài thơ dài một trăm năm mươi dòng, vừa tạo ra âm hưởng thống nhất mà lại biến hóa đa dạng. Câu thơ lúc dung dị, dân dã gần với ca dao, lúc thì cân xứng, nhịp nhàng, trau chuốt mà trong sáng đến độ cổ điển.

Cấu tứ của bài thơ Việt Bắc là cấu tứ đối đáp quen thuộc trong ca dao - dân ca, với hai nhân vật ta - mình. Bài thơ như lời tâm tình, giãi tỏ của đôi lứa trong tình yêu. Cất lời ở những câu thơ mở đầu là lời hỏi của người ở lại:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy, thiết tha, mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn sông nhớ núi, nhìn cây nhớ nguồn.

Vọng về trong những câu lục bát ấy có âm hưởng của những câu ca dao:

Mình về có nhớ ta chăng

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.

Hay:

Đường xa thì thật là xa

Mượn mình làm mối cho ta một người

Một người mười chín đôi mươi

Một người vừa đẹp vừa tươi như mình.

Thế rồi, vẫn trong mạch chảy của nỗi niềm, người ở lại lại day dứt khôn nguôi:

- Mình đi có nhớ những ngày

- Mình về có nhớ chiến khu

- Mình về rừng núi nhớ ai

- Mình đi có nhớ những nhà

- Mình về còn nhớ núi non

- Mình đi mình có nhớ mình

Dồn dập những câu hỏi có nhớ, còn nhớ hướng tới người ra đi, nhưng thực chất người ở lại cũng đang phơi trải lòng mình. Sự hô ứng là một sự đồng điệu.

Toàn bộ một trăm ba mươi câu thơ còn lại với điệp khúc có nhớ, còn nhớ chính  là lời khẳng định tình cảm son sắt, thủy chung của người cán bộ kháng chiến. Trong nỗi nhớ ấy, tất cả kỉ niệm, hình ảnh, dấu vết của thiên nhiên, núi rừng, con người Việt Bắc, và đặc biệt là đời sống kháng chiến với khó khăn gian khổ để đi đến ngày thắng lợi hiện lên cụ thể, sinh động. Kỉ niệm hiển hiện mồn một như mới hôm qua. Mỗi lần từ nhớ được điệp lại là một lần ân tình cách mạng được khắc ghi.

Tất nhiên, đây là bài thơ trữ tình cách mạng, chủ thể trữ tình trong bài thơ chính là người ra đi, là cán bộ kháng chiến, chính là nhà thơ Tố Hữu. Kết cấu đối đáp là một sự kế thừa mạch nguồn văn hóa dân gian trong cảm hứng sáng tạo của nhà thơ. Hình thức là đối đáp, nhưng thực chất bên trong lại là đối thoại, là sự biểu hiện tâm tư, tình cảm của cái tôi trữ tình, là lời đồng vọng thiết tha của người cán bộ kháng chiến trong giờ phút bịn rịn chia tay nhân dân Việt Bắc về xuôi. Cũng bởi vậy mà có những câu thơ ta không còn phân biệt được cụ thể đối tượng trong hai đại từ mình - ta:

Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh.

Cũng có những câu thơ vượt ra ngoài hàm ngôn đối thoại để trở thành câu thơ tự dặn lòng:

Mình đi mình lại nhớ mình.

Nhớ mình ở đây phải chăng là nhớ chính con người mình, cuộc đời mình, phần đời mà mình từng trải qua suốt mười lăm năm ấy.

Cứ như thế, hai đại từ mình - ta khi ở đầu - cuối câu thơ trong cuộc tiễn biệt cách xa (Mình về mình có nhớ ta); khi song hành đối đáp; khi lại xoắn xuýt, quyến luyến không rời như một lời nhắn nhủ: Trong ta có mình, trong mình có ta, ta với mình tuy hai mà một. Nghệ thuật sử dụng linh hoạt cặp đại từ ta - mình của Tố Hữu trong bài thơ là một sự sáng tạo có ý nghĩa sâu sắc.

Là một bài thơ trữ tình - chính trị, nhưng Tố Hữu đã tiếp thu mạch nguồn văn hóa dân gian, tiếp biến, sáng tạo làm nên vẻ đẹp độc đáo cho bài thơ Việt Bắc. Đậm đà tính dân tộc nhưng vẫn luôn mới mẻ đó là thành công của nhà thơ cách mạng Tố Hữu trong các sáng tác của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ