Năm 1975, tôi vào Huế công tác ở Đài phát thanh Bình Trị Thiên khi mới giải phóng. Rất vui gặp lại các bạn đồng nghiệp, vui hơn được ở gần nhạc sĩ Trần Hoàn (Lúc đó giữ chức Trưởng Ty Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên).
Năm đó chúng tôi đã biết thế nào là “mưa trên phố Huế” và cùng chịu một trận lụt, đường phố ngập nước đến đầu gối. Hai ngày liền chúng tôi lội sang Đài Truyền hình Huế cách đó không xa để ăn cơm.
Suốt thời gian ở Huế thỉnh thoảng chúng tôi dành buổi tối gặp gỡ đọc thơ, hát hò cho nhau nghe. Có hôm cả nhạc sĩ Trần Hữu Pháp và Trịnh Công Sơn cùng ngủ lại nơi làm việc của Trần Hoàn.
Chúng tôi kể đủ chuyện cả vui lẫn buồn. Qua trò chuyện tôi mới biết thêm 3 nhạc sĩ Hoàng Việt, Xuân Hồng và Trần Hoàn cùng tuổi Thìn, sinh năm 1928 và mỗi người có bước đường nghệ thuật riêng.
Nhạc sĩ Hoàng Việt
Họ đều là lứa nhạc sĩ được cách mạng khai sinh. Ở thời điểm quan trọng ấy - thời 17 tuổi, chỉ hơn nhau vài tháng là đã khác xa về sự nhận biết và hành động hằng ngày của đất nước thời “nước sôi lửa bỏng” ở các vùng đất khác nhau.
Hoàng Việt cứng tuổi hơn nên đã nổi tiếng Nam Bộ năm 1946 với những ca khúc như: “Chí cả”, “Biệt đô thành”, “Tiếng còi trong sương đêm”… Còn Trần Hoàn với ca khúc “Hồn nước” 1946 đã được ấn hành ở Nhà xuất bản “Tinh hoa”, không chỉ phổ biến rộng rãi mà còn được gửi theo Đoàn đại biểu Việt Nam sang Hội nghị Fontainebleau.
Còn người đại đội trưởng giao liên Nguyễn Hồng Xuân, mãi đến đầu kháng chiến chống Mỹ mới đổi tên thành Xuân Hồng thì nổi tiếng ngay với 2 ca khúc: “Bài ca may áo” và “Xuân chiến khu” và trở thành một nhạc sĩ lớn.
Với bút danh Hoàng Việt và Trần Hoàn, năm 20 tuổi cả hai ông đã bắt đầu nổi tiếng. Với Hoàng Việt là “Lá xanh”, còn với Trần Hoàn là “Sơn nữ ca”. Khi Trần Hoàn với “Lời Người ra đi” (tên khi viết là “Rằng kháng chiến còn trường kỳ”) thì với Hoàng Việt là “Lên ngàn”.
Và lối biến dịch của hai số phận ấy bắt đầu tách ra dần dà theo hai phía – nhạc sĩ và chiến sĩ. Khi Hoàng Việt tiếp tục nổi tiếng với “Nhạc rừng”, “Mùa lúa chín”, thì Trần Hoàn lăn xả vào địch hậu khu ba bám dân, bám cơ sở.
Khi Hoàng Việt vào học trường âm nhạc Việt Nam thì Trần Hoàn trở thành Trưởng ty Văn hóa Hải Phòng. Khi ấy, trong con người nhạc sĩ Hoàng Việt còn có một chiến sĩ với “Tình ca” nổi tiếng. còn trong con người chiến sĩ Trần Hoàn còn có một nghệ sĩ với “Kể chuyện người cộng sản” – một bài hát về Đảng đầy xúc động.
Năm Hoàng Việt từ nhạc viện Sophia trở về với giao hưởng “Quê hương” cũng là năm Trần Hoàn xây dựng cho Hải Phòng dàn nhạc Giao hưởng.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã khiến cho hành trình của hai nhạc sĩ này vào chung một lối là cùng vượt Trường sơn về chiến đấu ở quê hương.
Khi Trần Hoàn thét lên “Ta không dung tha cho quân cướp nước” cũng là lúc Hoàng Việt tâm nguyện: “Đồng chí miền Nam chúng tôi đã sẵn sàng”.
Và rồi Trần Hoàn đã trở thành Hồ Thuận An -một bút danh mới. Còn Hoàng Việt trở lại Nam Bộ và bằng kiến thức âm nhạc tu nghiệp ở Đông Âu, đã giúp cho bạn Xuân Hồng nắm chắc phức điệu tạo ra “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” mang tính chuyên nghiệp cao.
Nhạc sĩ Trần Hoàn (Ảnh: TTVH)
Chính khi Hoàng Việt ngã xuống bên dòng kênh A Rát – quê mẹ Tiền Giang là khi Hồ Thuận An (Trần Hoàn) đang chuẩn bị dấn thân vào cuộc Tổng tấn công lịch sử năm Mậu Thân, mùa xuân 1968 tại Huế.
Và “Tiến về thành Huế” của Hồ Thuận An đã rền vang khắp các nẻo đường chiến đấu. Dường như tự nhiên, những gì Hoàng Việt còn trăn trở thì Trần Hoàn đã làm tiếp một phần không nhỏ.
Nếu Hoàng Việt đã hướng những sáng tác của mình trong âm hưởng dân ca Nam Bộ từ những năm kháng chiến chống Pháp thì Trần Hoàn cũng bắt đầu hướng những sáng tác của mình trong âm hưởng dân ca Bình Trị Thiên (quê mình) và dân ca Nghệ Tĩnh (quê vợ).
Nếu thời đó, Hoàng Việt đã “Lên Ngàn” thì sau này, Trần Hoàn đã có “Lời ru trên nương” (phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm). Nếu Hoàng Việt có “Mùa lúa chín” thì sau này, Trần Hoàn có “Em thương Người trong Huế đấu tranh” (khi viết là “Mưa lâm thâm ướt đẫm lá khế”), Hoàng việt có “Nhạc rừng”, thì Trần Hoàn có “Chiều Gio Cam giải phóng”.
Nhạc sĩ Xuân Hồng
Và dường như để trọn vẹn một điều ấp ủ mà Hoàng Việt đã kịp gửi gắm trong “Tình ca” bất tử thì Trần Hoàn cũng đã “đốt cháy” hết mình sau thống nhất đất nước khi phổ “Một mùa xuân” (Thơ Thanh Hải). còn Xuân Hồng cũng rất thành công với mùa xuân: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chi Minh” và “Mùa xuân bên cửa sổ” (thơ Song Hảo).
Cách mạng Tháng 8 thành công, ca khúc “Thiên Thai” của Văn Cao đã ảnh hưởng tới tâm hồn cậu học sinh Nguyễn Tăng Hích ở trường Lyceé Khải Định xứ Huế và cậu ước mong trở thành nhạc sĩ với cái tên Trần Hoàn (lời trong bài hát Thiên Thai). Ước mơ ấy, Nguyễn Tăng Hích - người con của quê hương Quảng Trị đã thực sự thành đạt.
Năm 1975 với vị trí Trưởng Ty Văn hóa – Thông tin Bình Trị Thiên, Trần Hoàn lại phải có cuộc thu xếp giữa Trần Hoàn nhạc sĩ và Trần Hoàn chiến sĩ trong con người mình.
Và ông đã làm được điều đó. Sau này, ông về với chúng tôi trong cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình rồi trở thành Bộ trưởng Văn hóa – thông tin, ông vẫn không quên bạn bè, luôn nghĩ đến và thăm nhau.
Chất nghệ sĩ trong ông như được dịp phát huy. Trần Hoàn vẫn ôm guitar đi hát khắp các tỉnh, thành phố và cũng trở thành một nhạc sĩ nhạy cảm chính trị nhất dù rất bận ở cương vị chỉ đạo chuyên môn.
Trần Hoàn đã hết lòng khi ông tìm đến những giai điệu ca ngợi Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của toàn dân tộc - và ông đã thành công. Thính giả Đài Tiếng nói Việt nam thuộc nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn trong đó có bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Thăm bến Nhà Rồng”…/.