HS đoạt giải Olympic quốc tế và trái tim yêu môn Sử

GD&TĐ - Một số người đưa ra quan điểm: Học khối A thì không học Sử, Địa, Văn và ngược lại học sinh học khối C thì không quan tâm đến Toán, Lý, Hóa… Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. 

HS đoạt giải Olympic quốc tế và trái tim yêu môn Sử

Thế hệ trẻ Việt Nam, những tài năng Hóa học, Vật lý… đã dành chỗ đứng xứng đáng cho môn học Lịch sử, với tâm niệm: Dân ta phải biết sử ta.

Em Trần Thị Thu Hương - Huy chương Đồng Olympic quốc tế môn Vật lý 2013

Lịch sử đối với em là một môn học quan trọng. Dù thuộc diện được miễn thi tốt nghiệp và thi đại học nhưng em luôn học Sử theo ý thức “dân ta phải biết sử ta”.

Kiến thức Lịch sử trong sách giáo khoa là cơ bản, bên cạnh đó em tiếp thu kiến thức qua các hoạt động ngoại khóa mà Đoàn trường tổ chức. Ví dụ việc được xem một số bộ phim tư liệu, phim về đề tài lịch sử, trong một buổi có thể thu lượm và khắc sâu kiến thức của rất nhiều tiết học trên lớp cộng lại. 


Vấn đề là hình thức truyền đạt kiến thức môn học vốn khô khan này như thế nào để trở nên mềm dẻo, dễ đi vào trí nhớ của học sinh.

Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic IChO2013

Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic IChO2013

Em Lê Đức Việt – Huy chương Bạc Hóa học quốc tế năm 2013

Với riêng em, thi bắt buộc môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp hay không thì em vẫn coi trọng môn học này cũng như các môn học khác trong chương trình, vì em cho rằng, phải có những kiến thức căn bản của môn Lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung thì mới được coi là một học sinh thực sự có đủ nền tảng kiến thức cơ bản để xứng đáng tốt nghiệp THPT, chuẩn bị học các cấp học cao hơn hoặc học nghề.


Cách trau dồi kiến thức Lịch sử của em có thể nói gọn là “học ở mọi nơi, mọi lúc”. Em hiểu rằng, Lịch sử là môn học nói về quá khứ, về những gì con người ta đã làm được, học Lịch sử là học về quá khứ, cả thành công, cả sai lầm, và cả cội nguồn của bản thân mình, và rộng ra là của một dân tộc. 

Kiến thức lịch sử rất quan trọng cho sự thành công của một con người, nó giúp ta tránh được vết xe đổ trong quá khứ, tìm ra định hướng mới cho con đường trong tương lai.

Có một câu danh ngôn mà em rất tâm đắc: "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn bạn bằng đại bác". Em không nghĩ mình có thể hiểu hết ý nghĩa của câu nói này, nhưng em nghĩ rằng, nó muốn nói cho ta: Phải biết quý trọng quá khứ, tôn trọng và yêu lịch sử thì mới có tương lai tốt đẹp.

Với em, học Lịch sử không phải chỉ để thi mà là để trang bị kiến thức toàn diện, vững vàng, tự tin bước vào đời. Một kỳ thi không phải là mục đích và chắc hẳn không đủ để đánh giá kiến thức cũng như thúc đẩy việc học môn học này đối với học sinh. 

Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào mỗi bạn học sinh hãy nhận ra giá trị mà việc trau dồi kiến thức toàn diện mang lại cho mình trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ