HS cần được cung cấp kỹ năng giải quyết vấn đề

GD&TĐ - Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - thì những HS bị rối loạn tâm lý học đường thường là do không vượt qua được áp lực, không biết cách giải quyết được vấn đề đúng. 

 HS cần được cung cấp kỹ năng giải quyết vấn đề

Ngay như tình trạng bạo lực học đường, cũng là do HS không biết các giải quyết vấn đề đúng, không có kỹ năng giao tiếp. Công tác tham vấn học đường, do đó, phải trang bị cho học sinh những phương pháp để các em tự vượt qua được stress, có kỹ năng tự giải quyết vấn đề chứ không phải làm ngược bằng cách đưa ra những lời khuyên khi HS được tư vấn có những phát biểu, suy nghĩ tiêu cực…

Rèn luyện kỹ năng - nâng cao học tập

Theo một khảo sát của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nằm trong dự án Nghiên cứu stress ở thanh thiếu niên được tiến hành tại nhiều trường học ở Đà Nẵng, khoảng 20% HS các trường THPT ở Đà Nẵng bị rối loạn tâm lý, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 10%. Nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất dẫn đến tình trạng này, theo như kết quả khảo sát, là do áp lực học tập.

Từ đây, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, dưới sự hỗ trợ của tiến sĩ tâm lý lâm sàng Bahr Weiss, Trường ĐH Vanderbilt (Hoa Kỳ) đã phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai một số dự án mang tính chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường, trong đó, HS được trang bị các kỹ năng tự giải quyết vấn đề và tự lựa chọn phương án giải quyết vấn đề.

Giáo án của chương trình Rèn luyện kỹ năng - Nâng cao học tập gồm 8 bài học được cơ cấu nội dung như nhận biết các dấu hiệu stress, hướng dẫn cách giảm tải các hoạt động tâm thần, cách tạo cảm giác tự tin trước khi giải quyết các vấn đề… Các bài học được xây dựng dưới dạng nhóm, các hoạt cảnh, trò chơi… để tạo cảm hứng cho HS.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung cho biết: “Mục đích của khóa huấn luyện nhằm giúp các em có kỹ năng tự chủ, vượt qua những áp lực, với sự hỗ trợ của cha mẹ và các chuyên gia tâm lý. Khi các em có kỹ năng rồi thì các em sẽ vượt qua sức ép trong cuộc sống. Một khi cuộc sống tinh thần tốt đẹp thì kết quả học tập của các em sẽ tốt hơn.

Đơn cử như trong vấn đề bạo lực học đường, ngay cả người bị gây bạo lực, hay chúng ta thường gọi là nạn nhân, cũng phải biết cách nói làm sao để giúp đối phương “hạ hỏa”. Chúng tôi tiếp cận vấn đề theo quan điểm nếu các em được dạy cái này thì sẽ giải quyết được cái kia”.

“Cung” không đáp ứng đủ “cầu”

Ngoài HS tham gia khóa học, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cũng phối hợp với Sở GD&ĐT Đà Nẵng tập huấn cho GV tâm lý và một số giáo viên bộ môn, CBQL về phương pháp tham vấn học đường.

Cô Nguyễn Thị Thảo Sương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh chia sẻ: “Tham gia khóa học với TS Bahr Weiss thì chúng tôi mới thấy rằng, lâu nay, mình tiến hành tham vấn tâm lý cho HS không đúng phương pháp, dẫn đến hiệu quả thấp, đôi khi còn dẫn đến tác dụng ngược.

Trước những khó khăn của HS, lâu nay, mình cứ đưa ra lời khuyên em nên thế này, em nên thế kia. Thế nhưng, trong tham vấn tâm lý, rất tối kị đưa ra những câu hỏi đóng, những lời khuyên mang tính áp đặt mà phải gợi mở, phân tích để cho thân chủ (HS) quyết định hướng giải quyết”.

Trường THPT Phan Châu Trinh cùng 4 trường THPT khác ở Đà Nẵng đang triển khai thí điểm có một biên chế cho vị trí tư vấn tâm lý học đường. Cô Nguyễn Thị Thảo Sương cho biết, ngoài tư vấn cho từng trường hợp HS cụ thể, giáo viên tâm lý còn có kế hoạch dạy kỹ năng ở các lớp vào tiết sinh hoạt ở thứ 7 cuối cùng của tháng theo “đơn đặt hàng” của giáo viên chủ nhiệm. Thế nhưng, trong 5 giáo viên tâm lý của mô hình thí điểm thì cũng đã có 2 giáo viên xin nghỉ sau 2 năm triển khai.

Chia sẻ về công việc của một giáo viên tư vấn kiêm nhiệm, cô Nguyễn Thị Phượng - Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Kim Đồng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, không phải HS nào cũng chủ động tìm đến để chia sẻ. “Tổng phụ trách Đội cũng chuyên trách về kỷ luật, nề nếp nên HS cũng e dè hơn và vì không làm công tác chủ nhiệm nên cũng không nắm bắt được từng hoàn cảnh cá nhân của HS để có thể chủ động tham vấn”.

Từ đây, cô Phượng cho rằng, ngoài tổ tham vấn tâm lý học đường, các trường học có thể chủ động mời chuyên gia tâm lý tập huấn cho lực lượng giáo viên chủ nhiệm, nhất là giáo viên chủ nhiệm trẻ để ít nhất cũng có định hướng chung trong công tác tham vấn.

Ngoài chương trình tham vấn thì công tác tư vấn tâm lý học đường cũng nên có những chương trình mang tính phòng ngừa thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề về những vấn đề HS thường gặp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.