Công tác tư vấn tâm lý học đường cần được quan tâm nhiều hơn

GD&TĐ - Hiện tượng một số học sinh THPT, THCS tự hủy hoại bản thân, để lại những bức thư tuyệt mệnh… gợi cho chúng ta những câu hỏi và trách nhiệm: Làm sao để hạn chế, không còn  xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vậy? Xung quanh vấn đề tư vấn tâm lý học đường, PV Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn trong một buổi dạy về tâm lý
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn trong một buổi dạy về tâm lý

Thưa PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, vừa qua vụ việc một nữ sinh 12 tuổi Trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh tại hiện trường là lớp học khiến ai cũng phải thấy đau lòng. Hay việc một HS THCS tại TPHCM nhảy lầu tự tử vì bị điểm kém môn Tiếng Anh. Tất cả như gióng lên một hồi chuông cảnh báo. Là một nhà giáo, nhà tâm lý ông thấy vấn đề này thế nào?
- PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Một số sự việc liên quan đến

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: "Quan trong nhất vẫn là gia đình, phải trở thành điểm tựa. Nhưng đặc biệt quan trọng là công tác tư vấn tâm lý học đường ở trường phổ thông phải có cơ chế hoạt động chính thống..."

vấn đề tự tử của học sinh Trung học nói chung và học sinh Trung học cơ sở nói riêng trong thời gian qua cho thấy ở tuổi các em có nhiều biến động.

Sức ép từ gia đình, môi trường sống, hoạt động học tập cũng như vấn đề rối nhiễu tâm căn của lứa tuổi cho thấy khi còn hạn chế kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cũng như khả năng tự cân bằng đời sống tinh thần, các em chọn hành vi tự hủy hoại bản thân như một lối thoát.

Những nghiên cứu của chúng tôi trong thời gian qua về hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS - công trình nghiên cứu cấp Bộ 2017 - 2018 cho thấy, có đến trên dưới 1/3 học sinh thừa nhận mình từng có hành vi tự hủy hoại bản thân.

Trong số đó có gần 5% học sinh có biểu hiện từng có hành vi tự tử trong suy nghĩ, hành vi tự tử bất thành và hành vi tự tử nhưng được cứu sống... Đáng tiếc vẫn có những trường hợp đã không được kiểm soát nên nỗi đau sẽ mãi ở lại.

Phải chăng áp lực học đường đã dẫn đến những kết cục đau lòng, thưa PGS?

- Việc đánh giá về kết quả học tập để quy rằng có mối liên quan với hành vi tự tử là không đủ cơ sở hay không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, nhóm học sinh giỏi và rất giỏi theo kết quả xếp loại có biểu hiện hành vi tự hủy hoại này nhỉnh hơn.

Có thể lý giải thêm là những tác động từ môi trường sống, những va đập gặp phải làm cho các em học sinh ở tuổi vị thành niên đặc biệt là dậy thì không thể cân bằng.

Nếu không được nâng đỡ tinh thần bằng các tác động tâm lý các em sẽ chới với. Quan trong nhất vẫn là gia đình, phải trở thành điểm tựa. Nhưng đặc biệt quan trọng là công tác tư vấn tâm lý học đường ở trường phổ thông phải có cơ chế hoạt động chính thống.

Từ đó có thể thấy công tác tư vấn, tham vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông có một khoảng trống. PGS có đề xuất gì cho việc lấp đầy những khoảng trống này? Để chúng ta không còn chứng kiến những trường hợp ra đi đau lòng như vậy của HS?

- Trong năm 2017, tháng 7-9, dự thảo công tác này đã ra đời. Tháng 12 vừa qua, thông tư hướng dẫn công tác chính thức được ban hành. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng nếu không nói là chìa khóa đề công tác này bắt đầu được nhìn nhận chính thức và đầu tư.

Song song với việc hướng dần theo kiểu chuyên nghiệp hóa, chính thầy cô giáo là người gần gũi nhất để có thể nâng đỡ tinh thần nếu các em có những dấu hiệu gặp khó khăn về tâm lý.

Việc chuyển ca tư vấn, hay thậm chí trị liệu là rất cần thiết để các chuyên gia thực hiện. Nhưng trong tình hình hiện nay, công tác tư vấn tâm lý học đường cần được quan tâm nhiều hơn. Bởi chẳng thể hạnh phúc nếu có tri thức nhưng tâm hồn tổn thương...

Trách nhiệm của cha mẹ, thầy cô cần được xem xét vì chính sự gần gũi, thái độ ân cần và hành vi hỗ trợ tinh thần thông qua hoạt động chia sẻ, tư vấn ban đầu hay giới thiệu hoạt động tư vấn chuyên biệt đến các em là trách nhiệm và lương tâm của chúng ta.

Khi trẻ em chưa chủ động, chưa đủ điều kiện về cả kinh tế, thời gian, thông tin... đến với nhà tham vấn chuyên biệt, hướng đến tư vấn chuyên nghiệp, không ai khác hơn chính nhà trường  cần ý thức cao độ trách nhiệm của mình.

Đó là trọng trách rất nhân văn và cao cả: dạy làm người, dạy để sống...

Xin cám ơn PGS Huỳnh Văn Sơn.

"Trách nhiệm của cha mẹ, thầy cô cần được xem xét vì chính sự gần gũi, thái độ ân cần và hành vi hỗ trợ tinh thần thông qua hoạt động chia sẻ, tư vấn ban đầu hay giới thiệu hoạt động tư vấn chuyên biệt đến các em là trách nhiệm và lương tâm của chúng ta..." - PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ