Điểm cộng khuyến khích cho học sinh phổ thông: Làm sao để công bằng, thuyết phục?

GD&TĐ - Dư luận đang đặt ra câu hỏi về tính thuyết phục từ việc cộng điểm hoặc tuyển thẳng cho HS (trong các kỳ tuyển sinh đầu cấp) khi HS đoạt giải từ rất nhiều cuộc thi khác nhau. Quy định cộng điểm và tuyển thẳng HS đoạt giải, nên hay không nên tiếp tục áp dụng? Nếu vẫn tiếp tục áp dụng thì áp dụng như thế nào để đảm bảo tính thuyết phục và công bằng cho HS? 

Điểm cộng khuyến khích cho học sinh phổ thông: Làm sao để công bằng, thuyết phục?

Báo GD&TĐ đã trao đổi với thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) và cô Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) về một số khía cạnh thực tiễn của vấn đề này.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và học sinh Trường Marie Curie Hà Nội.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và học sinh Trường Marie Curie Hà Nội. 

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Việc xét tuyển sinh vào lớp 10 THPT sử dụng điểm cộng (cho HS đoạt giải thưởng tại các cuộc thi) do Sở GD&ĐT quản lý, việc cộng điểm khá chặt chẽ. Tuy nhiên, theo tôi, chất lượng của việc cộng điểm khuyến khích đó không được cao. Còn lớp 6 cộng điểm cho HS đoạt giải là do các trường đưa ra tiêu chí riêng của mình.

Vì các trường tuyển sinh lớp 6, nhưng không được tổ chức thi tuyển (kể cả những trường có lượng HS xin vào trường quá đông so với chỉ tiêu cũng không được phép tổ chức thi tuyển), nên các trường không có cách nào khác là phải xem xét điểm cộng với những HS đoạt các giải thưởng, nhằm phân định HS này khác HS kia như thế nào, một cách tương đối thôi, để có thể tuyển sinh được trong tình trạng cầu (nhu cầu xin vào trường) quá lớn so với cung (khả năng nhận HS, chỉ tiêu).

Còn sức thuyết phục của các giải thưởng sử dụng để HS đoạt giải được cộng điểm thì cũng không cao lắm. Quả là có những trường tuyển lớp 6 không có cách nào lựa chọn HS giữa số lượng hồ sơ xin vào trường quá đông so với chỉ tiêu, nên đành phải xem xét đến việc HS đoạt các giải thưởng, nhằm có thêm tiêu chí chọn HS vào trường.  

Nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thúy: Việc cộng điểm khuyến khích, điểm thưởng cho HS theo tôi vẫn nên áp dụng.

 Tôi cho rằng hiện nay việc chạy giải thưởng để được cộng điểm là có chứ không phải không có. Do vậy, đã đến lúc cần phải rà soát lại những giải thưởng dành cho lứa tuổi HS do liên ngành và các công ty tổ chức, những giải thưởng như vậy chỉ nên dừng ở mức độ, tính chất là những “sân chơi”, thay vì được đề cao và cho cộng điểm tuyển sinh những HS đoạt giải. Một ví dụ nữa là hiện nay có quá nhiều cuộc thi về ngoại ngữ, mà trình độ ngoại ngữ thì không quyết định trình độ học Toán,  trường tôi có những học sinh học rất giỏi tiếng Anh, nhưng Toán thì lại bình thường.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy

Thực ra, việc cộng điểm đúng là một cách khích lệ HS để HS phấn đấu, trải nghiệm qua các cuộc thi và mỗi cuộc thi đều có mục tiêu riêng; nếu cuộc thi được tổ chức bài bản, chất lượng và học sinh đoạt giải được cộng điểm thì rất là tốt. Một HS có hồ sơ tuyển sinh thể hiện việc đã tham gia và đoạt nhiều giải thưởng thì cũng chứng tỏ HS đó đã được khẳng định mình, mỗi một cuộc thi cũng là một sân chơi để HS được thể hiện mình, các cuộc thi ở các lĩnh vực khác nhau là những sân chơi khác nhau cho HS thể hiện năng lực bản thân.

Tuy nhiên, có hai vấn đề cần xem xét ở việc cộng điểm cho HS đoạt giải thưởng của những cuộc thi dành cho HS hiện nay. Một là, cách tổ chức các cuộc thi có đảm bảo chất lượng hay không? Hai là, hiện tại có quá nhiều cuộc thi, có những cuộc thi thậm chí chỉ mang tính chất “giải phong trào”, song cũng có những cuộc thi giúp HS thể hiện năng lực vượt trội của các em.

Vậy, tùy mục tiêu giáo dục của từng trường mà nhà trường lựa chọn giải thưởng nào thì hợp lý, cho cộng điểm để xét tuyển (vào lớp 6), còn giải thưởng nào thì không chấp nhận cho cộng điểm. Còn hiện nay có nhiều giải thưởng từ những cuộc thi do các công ty phối hợp tổ chức, đôi khi các cuộc thi này lại mang tính chất thương mại giáo dục, giải thưởng như vậy cũng không nên sử dụng để cộng điểm xét tuyển sinh đầu cấp học, giải thưởng như thế chỉ nên để trao học bổng cho học viên đến học tại cơ sở giáo dục của công ty đó thì hợp lý.

Vì vậy, tôi thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT hay Sở GD&ĐT đưa ra các quy định về cộng điểm cho HS đoạt giải ở các cuộc thi cần thống nhất cuộc thi HS đoạt giải được cho cộng điểm, cuộc thi nào không được chấp nhận cộng điểm.

Ngành GD liệu có nên xem xét lại, “cô đọng” lại, những giải thưởng được cộng điểm vào các lớp đầu cấp, để việc cộng điểm có tính thuyết phục hơn không, thưa thầy cô?

 Nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thúy

Nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thúy: Theo tôi, nên rà soát lại các cuộc thi mà HS đoạt giải thưởng được cộng điểm trong tuyển sinh đầu cấp. Bởi một năm có quá nhiều cuộc thi, mà mỗi một cuộc thi đều có mục tiêu riêng, nếu cuộc thi nào thật sự để cho HS bộc lộ, phát huy được năng lực, nhìn qua cuộc thi hay giải thưởng của cuộc thi có thể thấy được năng lực toàn diện của HS, hoặc thấy được một năng lực nổi trội nào đấy, thì căn cứ vào đó nhà trường khi xét tuyển hồ sơ chọn lựa HS sẽ công bằng hơn cho HS.

Ví dụ, cuộc thi tiếng Anh qua mạng, rõ ràng ở đây là thi tiếng Anh chứ không liên quan đến kiến thức của các bộ môn quan trọng giúp nhà trường định vị được đầu vào trong tuyển sinh như Toán, Văn.

Hay có những cuộc thi chỉ liên quan đến giải phong trào, như là giải thi đấu cờ vua, bơi lội, điền kinh...thuộc về lĩnh vực thể dục thể thao... Song HS đoạt giải tiếng Anh và HS đoạt giải thể dục thể thao cũng được cộng điểm như HS đoạt giải các cuộc thi Văn (hay Tiếng Việt với xét tuyển lớp 6), Toán khi tham gia tuyển sinh đầu cấp.

Nhìn một cách thấu đáo, các giải thưởng thuộc về lĩnh vực kiến thức quan trọng để đánh giá năng lực kiến thức nổi trội của HS, như giải thưởng về môn Toán có thể nói là khác với giải tiếng Anh, vì tiếng Anh là “phương tiện”. Giải thưởng về môn Toán càng khác với các giải thưởng về bơi lội, điền kinh, cầu lông...

Trình độ tiếng Anh của HS cũng không phải công cụ để đo lường, đánh giá năng lực học tập Toán và Tiếng Việt (đối với HS xét tuyển vào lớp 6) hay Văn (đối với HS xét tuyển vào lớp 10). Để đánh giá toàn diện một HS, những giải thưởng tiếng Anh hay thể thao chỉ có thể mang tính chất tham khảo, chứ không thể đánh đồng HS đoạt giải thưởng Toán với HS đoạt giải thưởng về thể thao hay tiếng Anh trong xét tuyển đầu vào lớp 6, lớp 10.

Với tuyển sinh vào lớp 10, hai môn quan trọng nhất cần định vị phải là Toán và Văn, kể cả tiếng Anh cũng chỉ là điểm điều kiện. Những học sinh nào đoạt giải thưởng cao về môn Toán, Văn tôi rất ghi nhận. Do đó, theo tôi, đã đến lúc cần xem xét việc cho các trường một quyền tự chủ trong việc chọn tuyển thẳng hay cộng điểm cho HS đoạt giải ở những cuộc thi nào, theo tiêu chí và đặc thù giáo dục của nhà trường.

Ví dụ, trường tôi có những lớp HS học chương trình quốc tế, có lớp học song ngữ, nên yêu cầu đầu vào của trường là HS phải được kiểm tra năng lực ngoại ngữ và trường tôi coi trọng những giải thưởng mà HS đoạt được liên quan đến môn ngoại ngữ.

Tuy nhiên, HS có đoạt giải ở các cuộc thi khác như giải thưởng thể dục, thể thao... thì cũng chỉ để xem xét, chứ không cho tuyển thẳng. Tôi cho rằng các trường khác nhau có mục tiêu GD khác nhau, trường công lập hay ngoài công lập, trường chuyên hay trường không chuyên, đều có những mục tiêu giáo dục của từng trường.

Bởi thế, các trường đều cần được tự chủ trong vấn đề cộng điểm hay tuyển thẳng HS đoạt các giải thưởng, chứ không nên có một sự áp đặt cứng nhắc. Nên đánh giá và cho điểm cộng một cách phù hợp, chứ không nên như hiện nay đang đánh đồng các giải thưởng để cộng điểm và tuyển thẳng (đối với HS đoạt giải quốc gia) ở quá nhiều cuộc thi.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Tôi thấy ngành GD đang có xu hướng rà soát lại các cuộc thi được sử dụng để cộng điểm trong tuyển sinh. Những cuộc thi mà không bổ ích lắm cho việc lựa chọn ra các HS xuất sắc, hay những cuộc thi được tổ chức tràn lan, nhiều kiểu thi quá thì cũng phải xem xét lại.

Bây giờ nếu nhìn nhận nghiêm túc tình trạng dạy tràn lan, học tràn lan, rồi thi tràn lan... thì việc ngành GD cho chấn chỉnh lại các cuộc thi do ngành hoặc liên ngành tổ chức (mà HS đoạt giải các cuộc thi này được cộng điểm, thậm chí tuyển thẳng trong các kỳ tuyển sinh) là một cách làm đúng đắn và hết sức cần thiết.

​Tôi cũng xin nói rằng, việc học và thi nghề phổ thông hiện nay để cộng điểm cho HS xét tuyển vào lớp 10, hay tốt nghiệp THPT là một cách làm cũ kỹ và không còn phù hợp với thực tiễn nữa. Thậm chí, điểm thi nghề trở thành một thứ “giả vờ” nhất trong các điểm cộng khuyến khích cho HS phổ thông hiện nay. Kể cả xét tuyển vào lớp 10 hay tốt nghiệp THPT, nếu bỏ đi “chế độ” cộng điểm khuyến khích do học nghề đang áp dụng thì HS không ai “học nghề” như từ trước tới nay nữa.

Việc học nghề như hiện nay ở bậc phổ thông (cả THCS và THPT) rất hình thức, nhưng vì áp dụng cộng điểm khuyến khích cho HS học nghề và thi nghề nên HS đồng loạt phải đi học nghề, để có thêm được điểm cộng học nghề vào tổng điểm xét tuyển lớp 10, hay cộng điểm vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tôi thấy cộng điểm học nghề như vậy không hề thực chất với HS.

Chỉ cần làm một phép thử bỏ cộng điểm khuyến khích cho HS học nghề, thì sẽ thấy ngay HS có học nghề nữa hay không.

Theo tôi việc tổ chức học nghề cho HS như hiện nay để “cho” HS chút ít điểm cộng khuyến khích là một cách làm tốn công, tốn sức, tốn tiền mà không mang lại lợi ích gì cho HS và xã hội. Bởi thực tế HS đang học nghề là để được cộng điểm, chứ không phải là để trang bị cho bản thân HS một nghề nghiệp tương lai mà HS mong muốn.

Ngành GD có biết HS lớp 12 chọn học nghề gì cho dễ học, dễ thi và dễ cộng điểm không? Tôi xin chia sẻ là có những em chọn học nghề làm hoa. HS phổ thông học làm hoa để sau này thành những người thợ làm hoa sao? Vậy mà vẫn tổ chức cho học, cho thi nghề và cho cộng điểm khuyến khích nghề trong tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT. Học nghề để được cộng điểm xét tuyển vào lớp 10, học nghề để được cộng điểm tốt nghiệp THPT chính là một thứ điểm cộng vô bổ nhất.

​- Cảm ơn những chia sẻ rất thực tế của các nhà giáo!

“Hiện nay tôi thấy cần xem lại việc tuyển thẳng vào lớp 10 cho HS đoạt giải cao những cuộc thi như thi tích hợp liên môn, thi nghiên cứu khoa học... HS đoạt giải cao cấp quốc gia những cuộc thi đó, có thể chỉ giỏi ở một lĩnh vực, thậm chí lĩnh vực thi chỉ thuộc phạm vi môn Lịch sử, hay môn Giáo dục công dân thôi, nhưng cứ đoạt giải quốc gia là HS có quyền được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT, thậm chí HS đó còn được chọn trường tuyển thẳng. Trong khi điểm Toán, điểm Văn và xét học bạ (nếu không được tuyển thẳng) thì HS ấy có thi và xét tuyển bình thường như các HS khác cũng không thể đạt được điểm chuẩn vào trường mà HS ấy được tuyển thẳng.

Có những trường hợp, ở trường, ở lớp HS học THCS điểm tổng kết tất cả các môn, đặc biệt là điểm Toán, Văn của HS không được mức giỏi xuất sắc, để mà thi và xét đạt học bạ thì HS đó không thể đỗ vào được lớp 10 những trường THPT "top" đầu về điểm xét tuyển cao. Song chỉ vì đoạt một giải thưởng liên môn cấp quốc gia mà HS được tuyển thẳng vào trường "top" đầu- những trường mà các HS giỏi xuất sắc cũng phải “chọi” căng thẳng, cố gắng hết mức mới hy vọng đỗ được.

Tôi thấy đó là sự không công bằng cho những HS giỏi thật sự Toán, Văn, những HS học giỏi toàn diện. Năng lực các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, hay tìm hiểu khoa học HS cũng cần có, nhưng đó chỉ nên là những năng lực cần tham khảo nếu cần (trong xét tuyển sinh) và cùng lắm nếu HS đoạt giải thưởng lớn các môn này thì cũng chỉ nên cộng điểm thưởng (khuyến khích) cho HS, không nên cho HS “quyền năng” được tuyển thẳng và chọn trường được tuyển thẳng (kể cả vào những trường có điểm xét tuyển cao "top" đầu)".

Nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thúy 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.