Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT đang được Bộ GD-ĐT công bố để trưng cầu ý kiến. Trong Dự thảo, Bộ GD&ĐT đã bỏ quy định các Sở GD&ĐT được quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích; trong đó có điểm khuyến khích từ thi nghề phổ thông.
Thầy Lê Đình Khương cho rằng: Một trong những mục tiêu chính của dạy nghề ở cấp trung học cơ sở là bước đầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đây là một trong những mục tiêu đúng đắn và nhiều ý nghĩa thiết thực.
Tuy nhiên thực tế ở trường phổ thông hiện nay, mục tiêu này chưa được quan tâm đúng với ý nghĩa của nó, vì những lý do sau:
Thứ nhất, người ta chủ yếu quan tâm tới trường có bao nhiêu phần trăm học sinh thi đỗ vào cấp 3 mà ít ai quan tâm đã phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho bao nhiêu học sinh.
Thứ hai, về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy đều khó khăn. Việc phối hợp với các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, các trường dạy nghề rất hạn chế vì mỗi tỉnh thường có một trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và một vài trường nghề (chủ yếu ở trung tâm) và nếu có làm tốt công tác phối hợp thi các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề cũng không đủ nhân lực để đáp ứng.
Đa số các trường hiện nay đều tận dụng những giáo viên của trường để dạy nghề, giáo viên môn Sinh học, Công nghệ nông nghiệp thì dạy nghề làm vườn; giáo viên môn Vật Lí, Công nghệ công nghiệp thì dạy nghề điện … Thiếu đội ngũ giảng dạy nên dẫn tới có trường không đáp ứng được nhu cầu học nghề của học sinh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy nghề và mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp…
Thứ ba, môn học này ở cấp THCS không bắt buộc. Một lí do mà các trường vẫn duy trì việc dạy nghề đó là điểm khuyến khích trong thi tuyển sinh.
“Như vậy quan điểm bỏ điểm cộng thi nghề phổ thông trong tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lí và cần thiết. Hãy để cho các trường xác định rõ mục tiêu thực chất của môn học. Trường nào có điều kiện và làm thực chất thì tổ chức dạy nghề, trường nào không có điều kiện thì không tổ chức, tránh tình trạng ép học sinh phải học.
Tuy nhiên, để áp dụng quy định này vào thực tế, Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2 cho rằng cần tính toán lộ trình hợp lý” – thầy Lê Đình Khương cho hay.