Hồn thơ trong bài ĐÂY MÙA THU TỚI - MÙA THU TỚI

GD&TĐ - Mỗi khi đất trời từ hạ chuyển sang thu là lòng người cũng có cái gì bâng khuâng, rạo rực, nhất là ở những người cầm bút.

Hồn thơ trong bài ĐÂY MÙA THU TỚI - MÙA THU TỚI

Sắc màu thu như đã chạm vào đôi mắt biếc, cái hơi thu lạnh, cái khí thu mơ như đã vào nỗi niềm đắm say cho tâm hồn bật lên thành khúc nhạc thu vàng bất tận như “Thu vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến; “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, “Chiều thu” của Thái Can, “Nắng thu” của Nam Trân, “Đêm thu nghe tiếng quạ kêu” của Quách Tấn, rồi “Thu” của Chế Lan Viên…

Mỗi hồn thơ lại cất lên một giọng điệu riêng. Nếu như Chế Lan Viên, đón nhận thu bằng cả thái độ ngạc nhiên và “buồn giận biết sao ngăn”, thì Xuân Diệu lại đón nhận mùa thu bằng cả cái “xôn xao, náo nức” của một người đang chờ đợi. Bài thơ “Đây mùa thu tới” quả là một tiếng reo được gặp gỡ cái điều mà mình đang mong đợi. Đấy là vẻ đẹp rực rỡ của sự tàn phai. Bài thơ này được in trong tập “Thơ thơ” năm 1938.

Khổ thơ mở đầu miêu tả vẻ đẹp mà buồn của liễu trước cảnh thu sang:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng:

Đây mùa thu tới - mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

Trong thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu, ta không bắt gặp một vài “cần trúc lơ phơ” hoặc sắc vàng hoe của hoa cúc trong nắng thu mà là rặng liễu thướt tha buông làn tóc rối. Mùa hạ tàn như còn vương bóng đâu đây trong hồn liễu, nó  đem đến cái vẻ “đìu hiu” cho cây lá. “Đìu hiu” là từ đặc tả trạng thái cảnh vật buồn vắng, xạc xào. Cho dù có cả “rặng” đấy mà liễu vẫn cứ đìu hiu cô quạnh. Điều đó chứng tỏ, liễu đâu chỉ là liễu mà còn là hóa thân của tâm trạng thi nhân - một tâm trạng trống trải, không gì có thể khỏa lấp được. Không chỉ mang vẻ “đìu hiu” mà liễu còn mang nặng nỗi bi thương, nhuốm một màu tang tóc nữa: 

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang”,

Cây lá muôn đời chỉ là cây lá, có bao giờ phải chịu tang cho ai? Chẳng qua là lòng người nhìn cây lá, đang chìm trong nỗi buồn đau như trong cảnh tang tóc, hắt lên cảnh vật đó thôi. Buồn đau vì duyên cớ gì, hay vì đời bế tắc không có đường ra? Thật không rõ nữa, chỉ biết rằng đây cũng là tâm trạng chung của một lớp thi nhân, phải sống trong cái xã hội bất như ý. Chẳng thế mà trong bài thơ “Thu”, nhà thơ Chế Lan Viên phải kêu lên:

“Trời ơi! Chán nản  đương vây phủ

Ý tưởng hồn tôi giữa cõi tang!”.

Chỉ có điều là Chế Lan Viên bộc lộ nỗi niềm một cách trực tiếp, còn Xuân Diệu lại gửi lòng cho liễu rủ. Nhờ có hình thức nhân hóa mà Xuân Diệu vừa thể hiện được chiều sâu của tâm trạng, lại vừa miêu tả được sắc thái của cảnh vật. Liễu có khác nào thiếu nữ trong dáng buồn xõa tóc, buồn đẫm lệ:

 “Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”.

Nỗi buồn của lòng người và cảnh vât, không chỉ được thể hiện ở hình ảnh nghệ thuật mà còn được biểu hiện qua từng âm thanh: Âm “iu”, được láy lại trong các từ: Liễu, đìu, hiu, chịu; âm “ang”, được láy lại trong các từ: Tang, hàng, vàng và phụ âm b, được láy lại trong từ: Buồn, buông. Tất cả đã đem lại một nhạc điệu buồn bã đến da diết mà lại du dương, mơ màng. Vì thế, buồn mà vẫn đẹp - một vẻ đẹp duyên dáng, thướt tha, yểu điệu - một vẻ đẹp quý phái.

Liễu đang buồn bã như mong đợi một điều gì, nhưng bỗng nhiên đổi khác. Hình như có cái gì mơ hồ râm ran trong hồn liễu, làm cho cây lá xôn xao. Có một cái gì như là sắc vàng non tươi vừa thức dậy, thoáng qua gương mặt liễu:

“Đây mùa thu tới - mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

Ra thế! Cái hơi thu lẳng lặng, cái khí thu mờ mờ như đã về trong liễu và làm bật lên tiếng reo rối rít. Dấu hai chấm cuối dòng thơ thứ hai cho phép ta khẳng định đó là biểu hiện tiếng reo của liễu. Nhóm từ “Mùa thu tới”, được láy lại đã tạo nên giọng điệu sôi nổi, bộc lộ thái độ cuống quýt với tâm trạng háo hức trước cảnh thu sang.

 “Đây mùa thu tới - mùa thu tới”, nếu cảm nhận ở một phía khác của tâm trạng thì không chỉ là tiếng reo mà còn là tiếng thở dài thảng thốt pha chút bâng khuâng. Khi vui thích thì cất tiếng reo và hiện hình thành cảnh đẹp đến bâng khuâng, mơ màng; khi buồn chán thì thở dài và cảnh cũng rơi rụng, tàn phai. Tâm trạng hai nửa này, đã được thể hiện qua nhiều hình ảnh thơ. Xuân Diệu đắm say mùa thu, vì nó đem đến cái vẻ đẹp mơ màng sâu lắng vào giây phút ban đầu.

Màu vàng “mơ phai”, nghĩa là màu vàng đang gợn lên, thoáng nhạt như nắng, như có cái gì xôn xao trong sắc màu. Một màu vàng lung linh, dễ lay động, đẹp huyền ảo, đẹp đến nao lòng người. Đây là thu mới chớm, nên màu vàng còn non lắm, còn nhẹ lắm, mỏng mảnh như tơ, giăng mắc vào lòng cây cỏ và lòng người.

Cảm nhận sắc màu của Xuân Diệu thật tinh tế và đã được thể hiện qua cách dùng ngôn từ chọn lọc đến mức kỳ công. Màu “vàng mơ’ đã là sắc vàng tươi nhạt mà lại còn là “mơ phai” nữa thì quá nhạt. Nhưng đây không phải là cái nhạt, cái bàng bạc vô hồn của sắc màu đi xuống mà là cái nhạt ban đầu của sự đậm đà, nên có nét tươi tắn của sự đi lên. Mùa thu như khoác lên dáng liễu yểu điệu, một tấm áo vàng mơ phai. Bằng hình thức ví von, kết hợp với cách dùng từ “dệt” đúng lúc, đúng chỗ, Xuân Diệu đã miêu tả được những biến thái tinh vi, linh diệu của đất trời trong cái giây phút chuyển mùa.

Bốn câu thơ mở đầu, cũng là sự mở đường cho bước thu đi. Bước chân của thời gian rõ lắm, nó lẫn vào bước đi của đời liễu, từ cảnh hạ tàn đến với thu đẹp như mơ. Bằng hình thức nhân hóa, ví von, kết hợp với nghệ thuật láy âm, điệp từ, nhà thơ đã thể hiện được cái hồn thu lẫn vào nỗi niềm tâm sự. Cảnh thu sang, vì vậy, tuy có đẹp nhưng buồn. Buồn mà vẫn đẹp. Bởi cái buồn đôi lúc cũng làm cho cảnh chiều đẹp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...