Hồng Kim Hạnh - rơi nước mắt “thương nhớ ở ai“

GD&TĐ - Bộ phim “Thương nhớ ở ai” đang phát sóng trên kênh VTV3 vào chiều thứ bảy và chiều chủ nhật hàng tuần. Đây là phiên bản truyền hình của phim điện ảnh “Bến không chồng” đã chinh phục khán giả gần hai thập niên trước. Nếu vai nữ chính Hơn trong phim điện ảnh từng được Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh hoá thân để lại nhiều nước mắt cho người xem, thì trong phim truyền hình lại giao cho một diễn viên khá trẻ có tên gọi nửa quen nửa lạ Hồng Kim Hạnh. 

Hồng Kim Hạnh - rơi nước mắt “thương nhớ ở ai“

Năm 1991, tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng đã ra đời như một hiện tượng văn chương. Năm 1999, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đưa “Bến không chồng” lên màn bạc và tiếp tục gây xúc động cho công chúng.

15 năm, sau khi bộ phim điện ảnh “Bến không chồng” được xếp vào hàng tác phẩm đáng nhớ của nền nghệ thuật thứ bảy Việt Nam, đạo diễn Lưu Trọng Ninh lại phối hợp với đạo diễn Bùi Thọ Thịnh đưa “Bến không chồng” sang màn ảnh nhỏ bằng tên gọi “Thương nhớ ở ai”.

Mất gần 3 năm làm hậu kỳ, bộ phim “Thương nhớ ở ai” dài 34 tập vừa trình chiếu trên màn ảnh nhỏ đã tạo xôn xao dư luận vì diễn viên nữ đều chỉ mặc áo yếm.

Cái áo yếm vốn không có tội tình gì. Cái áo yếm thuộc phạm trù thẩm mỹ quá khứ. Thế nhưng, giữa trào lưu những người đẹp showbiz khoái cảm với xu hướng thả rông vòng một, thì những hình ảnh trong bộ phim “Thương nhớ ở ai” bỗng dưng thành chuyện để tranh cãi.

Bộ phim “Thương nhớ ở ai” khác với “Bến không chồng”, ngoài thủ pháp dàn dựng của hai thể loại, còn có dị biệt về nhận thức của hai thế hệ diễn viên.

Lứa tuổi của Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh không xa lạ với cái áo yếm, còn lứa tuổi của diễn viên Hồng Kim Hạnh lại có độ lùi nhất định về thời gian và không gian trải nghiệm.

Là một cô gái miền Nam ra miền Bắc mặc cái áo yếm để vào vai Hơn trong bộ phim “Thương nhớ ở ai”, diễn viên Hồng Kim Hạnh chia sẻ:

“Khi được yêu cầu chỉ mặc áo yếm trong phim, ban đầu tôi hơi băn khoăn và tranh đấu rất nhiều nhưng vì mọi người đều thống nhất là như vậy nên tôi cũng phải chấp hành. Tôi thấy đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói một câu rất hay “các cụ mặc như nào thì mình mặc như thế”. Đó là sự tôn trọng cần thiết với lịch sử. Tôi nghĩ nếu làm phim không đúng với lịch sử, những người của thời kỳ đó sẽ buồn đấy. Phim ảnh cũng cần phải phản ánh chân thực. Khi quay phim, tôi cũng đã nghĩ đến việc khán giả sẽ để ý đến trang phục. Bao giờ cũng thế, thứ mà mình không muốn mọi người chú ý nhiều, kết quả là mọi người lại chú ý hơn cả…”.

Nhìn ở góc độ tích cực hơn, cái áo yếm lại có giá trị như một phương tiện PR cho bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai”. Nhờ câu hỏi về sự gợi cảm tuyệt vời của cái áo yếm mà người ta chú ý hơn đến bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” không phát sóng vào khung giờ vàng.

So với bộ phim điện ảnh “Bến không chồng” thì bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” đưa được vào phim nhiều chi tiết của tiểu thuyết “Bến không chồng” hơn. Đó là khung cảnh làng Đông sau đợt cải cách nhiều xáo trộn, vai vế xã hội của mỗi người đều bị thay đổi.

Giữa làng Đông khốn khó cơm áo, thân phận những người phụ nữ không chồng càng bất trắc thêm. Nhân vật Hơn là một người đẹp xứ khác đến làm dâu làng Đông trong ngổn ngang mất mát và chia ly.

Diễn viên trẻ Hồng Kim Hạnh vào vai Hơn, thổ lộ: “Tôi công nhận cái vai khổ thiệt, quỳ - lạy - chạy - ẵm con và khóc suốt, còn bị lạnh, muỗi chích, đỉa bu, kiến cắn, sâu búng... và gai đâm chân nữa... Nhưng mọi người nhìn nhận ổn là tôi vui rồi”.

Tuy nhiên, hậu trường bộ phim “Thương nhớ ở ai” cũng có dư vị thú vị cho diễn viên Hồng Kim Hạnh những ngày lặn lội cùng nhân vật Hơn bi thương:

“Nhân vật của tôi thì đẹp nhất làng nhưng tôi thì lại không đẹp nhất trong dàn diễn viên nữ. Tôi chỉ đẹp ngang bằng các bạn ấy thôi nên đúng là bị áp lực khi đảm nhận vai diễn. Vì áp lực như vậy, lúc đầu tôi cũng lén trang điểm một chút để trông da sáng hơn. Nhưng đạo diễn không đồng ý, thế nên trước cảnh quay bộ phận phục trang thường đứng cạnh và lấy khăn ướt lau hết phần trang điểm của tôi.

Giờ nhớ lại, tôi thấy thời gian đầu quay mình làm phiền ê-kíp quá. Nhưng sau đó, nhận thức được việc phim về ngày xưa không được trang điểm nên tôi rất tuân thủ. Thỉnh thoảng, tôi chỉ có ăn hoa quả để cho môi đỏ hơn. Không phải tôi tự ti về nhan sắc của mình nhưng Hơn “đẹp nhất làng” mà, mình mà xấu khéo khán giả cũng sẽ phản ứng!”.

Vai Hơn trong bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” cho thấy khả năng diễn xuất của diễn viên Hồng Kim Hạnh. Cô không phải một gương mặt mới do ê-kip “Thương nhớ ở ai” phát hiện. Thế nhưng, với những ai yêu điện ảnh thì tên tuổi Hồng Kim Hạnh nửa lạ nửa quen.

Thực tế, từ năm 19 tuổi thì Hồng Kim Hạnh đã đến với nghệ thuật. Cô gái người Việt gốc Hoa này từng tham gia các bộ phim điện ảnh như “Trái tim bé bỏng” hoặc “Em muốn làm người nổi tiếng”… và các bộ phim truyền hình như “Dòng sông định mệnh” hoặc “Mạch ngầm vùng biên ải”…

Sau khi đóng vai nữ chính trong bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai”, diễn viên Hồng Kim Hạnh cũng vào vai nữ chính trong bộ phim truyền hình “Con anh con em con chúng ta” của đạo diễn Nguyễn Quang Minh. Bộ phim truyền hình “Con anh con em con chúng ta” quay sau bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai”, nhưng đã chiếu từ… năm ngoái trên Đài truyền hình TPHCM!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.
Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.