“Hôn nhân qua đường”: Tập tục chỉ có ở người Mosuo

GD&TĐ - Mosuo là dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Dù sống giữa thế giới phụ quyền, họ thực hành văn hóa mẫu hệ. Với nữ giới ở đây, từ đàn ông đến hôn nhân đều chỉ là “chuyện qua đường”.

Chỉ khoảng 13% dân số Mosuo trưởng thành kết hôn chính thức.
Chỉ khoảng 13% dân số Mosuo trưởng thành kết hôn chính thức.

“Nữ quốc” đời thực

Tại Trung Quốc, người Mosuo có khoảng 40.000 dân. Họ chủ yếu sinh sống ở các khu vực vùng cao của tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và quanh hồ Lugu, dãy Himalaya. 

Người Mosuo nổi tiếng là “xã hội mẫu hệ cuối cùng”. Dân tộc này, phụ nữ là rường cột. Họ gánh vác trách nhiệm chủ gia đình, người lãnh đạo bộ lạc, quán xuyến luôn việc nuôi dạy trẻ em. 

Bắt đầu từ khi bước vào tuổi dậy thì, thiếu nữ Mosuo phải học làm chủ. Họ có nghĩa vụ tự chăm lo và chăm sóc cho con cái trong tương lai. Mỗi nữ giới Mosuo đều là một “chị đảm”. Họ làm tất tần tật mọi việc, từ cơm nước, dọn dẹp đến quản lý tài chính, kinh doanh…

Người Mosuo theo truyền thống sống chung, con cái ở cùng nhà với mẹ, anh chị em ở cùng với nhau suốt đời. Vị trí trưởng gia do Ah mi – nữ trưởng lão nắm giữ. Ah mi quản lý tài chính và quyết định mọi sự. Trước khi qua đời, bà giao quyền lại cho con hoặc cháu gái chỉ định. 

Hôn nhân là thứ yếu

Đàn ông Mosuo chỉ cần có nghĩa vụ quan tâm mẹ, các chị em và cháu ruột.
Đàn ông Mosuo chỉ cần có nghĩa vụ quan tâm mẹ, các chị em và cháu ruột.

Không có ở đâu, chuyện “thành gia lập thất” lại ít quan trọng hơn trong xã hội Mosuo. “Nữ quốc” này thực hành tập tục kết đôi khác thường nhất: Tisese – hôn nhân qua đường.

Từ khi bước vào tuổi trưởng thành, nữ giới Mosuo có quyền quan hệ không giới hạn với nam giới. Luật lệ Mosuo cho phép “nam đáo nữ phòng” vào ban đêm. Tuy nhiên, đàn ông chỉ có thể ở lại nếu được phụ nữ đồng ý.

Trước khi bình minh lên, họ cũng phải lẳng lặng rời đi.
Nếu “vừa ý” nam giới nào, phụ nữ Mosuo giữ anh chàng “qua đêm” lâu dài, hình thành tisese. Trong mối quan hệ “hôn nhân qua đường” này, các chị em chịu toàn bộ trách nhiệm. Dù có thai và sinh con, họ cũng không đòi hỏi người đàn ông bất cứ nghĩa vụ gì. 

Về cơ bản, tisese giống như hẹn hò không hôn nhân. Nam nữ Mosuo tự do tisese, không cần phải báo cáo với ai và toàn quyền quyết định tiếp tục hay chấm dứt mối quan hệ.

Trong trường hợp một cặp đôi muốn có được sự chúc phúc và công nhận của mọi người, tộc Mosuo cho phép tổ chức đám cưới zhi-chi-ha-dzi. Đây là tập tục kết hôn chính thức, có nghi thức giống như các đám cưới Trung Hoa truyền thống. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát, trên 1.700 người Mosuo trưởng thành vào năm 1956, chỉ có dưới 10% thực hành zhi-chi-ha-dzi. 

Năm 2008, Trung Quốc làm mới số liệu thống kê về hôn nhân ở người Mosuo. Họ phát hiện zhi-chi-ha-dzi gia tăng, nhưng cũng mới chỉ chiếm 13% dân số tuổi trưởng thành. Người Mosuo vẫn thích “hôn nhân qua đường”. Dù đã tiếp xúc và chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa (thông qua du lịch), họ quyết định duy trì truyền thống tisese.

Phận… đàn ông

Phụ nữ Mosuo có quyền tự do quan hệ, không giới hạn số “chồng qua đường”.
Phụ nữ Mosuo có quyền tự do quan hệ, không giới hạn số “chồng qua đường”.

Vào năm 1963, Jiaama – phụ nữ Mosuo đồng ý giúp đỡ các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc tìm hiểu tập tục “hôn nhân qua đường”. Chị cho biết là con gái út trong một gia đình có 10 anh chị em, được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” từ nhỏ. 

“Mỗi khi đụng phải việc gì nặng nhọc hay bẩn thỉu, mẹ lại lệnh cho các anh làm thay tôi”, Jiaama kể. “Năm 14 tuổi, tôi được mẹ xếp phòng riêng, sẵn sàng cho tisese”. 

Ban đầu, Jiaama rất lo lắng, nhưng mọi chuyện diễn ra hết sức suôn sẻ. Chị có thêm “người chồng qua đường” thứ 2 và mang thai. Sau khi sinh con đầu lòng, Jiaama có cùng lúc 3 đối tượng tisese. Một trong số đó là Liangzhe Bubu, thanh niên trẻ khỏe, đẹp trai. 

Bubu muốn có quan hệ nghiêm túc với Jiaama. Trong thời gian “hẹn hò không hôn nhân”, anh liên tục tặng quà cho chị và gia đình. Jiaama qua lại với Bubu 2 năm thì sinh đứa con thứ 2. Ai nhìn vào cũng thấy, đứa bé giống Bubu như đúc. Chớp cơ hội này, Bubu ngỏ lời cầu hôn, mong cùng Jiaama nên duyên zhi-chi-ha-dzi. Chỉ cần chị gật đầu, anh lập tức dọn vào ở rể, hứa chăm sóc cho con và chị suốt đời.

“Em có tới 9 người anh trai”, Jiaama trả lời thẳng thừng. “Nhà em cần thêm một đàn ông nữa để làm gì?”. Câu “cắc cớ” của Jiaama khiến Bubu bẽ mặt và tức giận. “Sau hôm đó, anh ta ít tới dần”, Jiaama kể tiếp. Tuy nhiên, với chị, đây chẳng phải là chuyện gì lớn. 

Phụ nữ Mosuo không sống một mình, mà luôn dưới sự bao bọc của mẹ và các anh chị em. Vì thế, họ không bao giờ gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Luật lệ Mosuo cũng quy định, con cái thuộc về người mẹ. Đàn ông Mosuo không có bất cứ quyền gì trước đứa trẻ.

Mặc dù, không phải chịu trách nhiệm với “nửa kia”, đàn ông Mosuo có nghĩa vụ chăm sóc mẹ và các chị em ruột. Vị trí của họ trong nhà không lớn, nhưng lại đặc biệt quan trọng. Người Mosuo cũng không “trọng nữ, khinh nam”, nên đàn ông Mosuo vẫn có vai trò xã hội. Họ cũng có quyền và trách nhiệm nuôi dạy các con cháu nên người. 

Trong cuộc sống thường nhật, đàn ông Mosuo phụ trách các công việc nặng như xây nhà, đánh cá, chăn thả gia súc… Họ đảm nhận toàn bộ khâu giết mổ động vật, tích trữ và bảo quản thịt, bảo đảm nguồn protein cho cả gia đình.

Theo Aeon

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.