Gỡ khó tăng cường tiếng Việt với học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có vai trò quan trọng, giúp các em xóa bớt cách biệt, khó khăn để đến trường học tập, rèn luyện hiệu quả.

Cô giáo Trường Mầm non Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An dạy tiếng Việt cho trẻ qua hình ảnh.
Cô giáo Trường Mầm non Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An dạy tiếng Việt cho trẻ qua hình ảnh.

Ngày 24/11, tại huyện Con Cuông, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị Kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 1 “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”.

Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS (giai đoạn 2016-2020) nhằm giúp các em có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt, hoàn hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Tạo tiền đề để các em tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, kỹ năng các bậc học tiếp theo. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị về kết quả thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trên địa bàn.
Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị về kết quả thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trên địa bàn.

Tại Nghệ An, đề án được triển khai với giải pháp đồng bộ, từ bậc mầm non, Tiểu học và THCS. Riêng bậc mầm non, là môi trường giáo dục đầu tiên trẻ tiếp xúc tiếng Việt một cách bài bản, có định hướng. Vì vậy, những năm qua, ngành giáo dục và các nhà trường đã tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ sớm làm quen với Tiếng Việt.

Tại hội nghị, đại biểu đến từ 11 huyện miền núi, có học sinh DTTS tỉnh Nghệ An tập trung chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả tăng cường tiếng Việt. Theo đó, các cơ sở giáo dục tổ chức lồng ghép, tích hợp nội dung tăng cường tiếng Việt một cách linh hoạt, sáng tạo vào các hoạt động trong ngày của trẻ. Đảm bảo đạt mục tiêu theo giáo dục theo từng độ tuổi.

Đại diện các địa phương, nhà trường tham trao đổi, chia sẻ giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS.
Đại diện các địa phương, nhà trường tham trao đổi, chia sẻ giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS.

Các nhà trường cũng tăng cường các hoạt động giao lưu, trải nghiệm, chơi trò chơi, qua đó tạo môi trường kích thích trẻ nói và sử dụng tiếng Việt theo từng ngữ cảnh phù hợp. Với trẻ 5 tuổi, trẻ được cung cấp và tích lũy vốn từ tiếng Việt nhất định, nhận biết chữ cái, con số tạo tiền đề vào lớp 1.

Đơn vị giáo dục có trẻ là người DTTS tại Nghệ An đều ở miền núi, vùng sâu điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Vì thế, nhà trường đẩy mạnh xã hội hóa sức dân, mục tiêu đưa phụ huynh cùng vào cuộc xây dựng môi trường xanh sạch đẹp cho con em mình. Vừa tạo sự hào hứng, thân thiện cho trẻ, vừa tăng cường mối liên kết giữa gia đình, nhà trường. Tuyên truyền cho phụ huynh hỗ trợ con em nói tiếng Việt trong và ngoài nhà trường.

Giờ sinh hoạt nhận biết con số, chữ cái cho trẻ 5 tuổi tại Trường Mầm non Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Giờ sinh hoạt nhận biết con số, chữ cái cho trẻ 5 tuổi tại Trường Mầm non Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu thốn tài liệu, đồ dùng để dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS. Mặt khác, trong trường có nhiều giáo viên từ xuôi lên công tác, không thông thạo tiếng bản địa của trẻ, dẫn đến bất đồng ngôn ngữ, hạn chế đến việc tổ chức các hoạt động cho trẻ.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Nhiều trường học đã có cách làm, hoạt động sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, đặc điểm ngôn ngữ, tâm lý của học sinh để giúp các em tiếp thu, nói, đọc, viết tiếng Việt hiệu quả.

Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 4 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS.
Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 4 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đề án có hiệu quả, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các đơn vị quan tâm xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài nhóm lớp. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ CBQL, GV, tổ chức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo cụm trường, cụm huyện... Chia sẻ và áp dụng những cách làm hay, hiệu quả để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.

Về những khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, lãnh đạo Sở cho biết sẽ có thống kê cụ thể và phân khai kinh phí tăng cường tiếng Việt hàng năm cho địa phương. Từ đó, địa phương chủ động phân bổ hợp lý, hiệu quả cho các đơn vị giáo dục trực thuộc.

Dịp này, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho tập thể Trường Mầm non Na Loi (huyện Kỳ Sơn) và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS.

Đến năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ em DTTS đến trường của Nghệ An có những chuyển biến tích cực, trong đó trẻ mẫu giáo đạt 92,6% (chỉ tiêu 90%). Nghệ An cũng đạt 100% trẻ em người DTTS trong các cơ sở giáo dục được tăng cường tiếng Việt, học 2 buổi/ngày và tham gia bán trú. Đối với trẻ DTTS 5 tuổi, 100% chuẩn bị tốt vốn từ và kỹ năng giao tiếp (nghe, nói, hiểu) bằng tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ