(GD&TĐ) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng làng thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013-2020 với tổng kinh phí dự kiến tổng là 858.552 triệu đồng. Trong đó: Giai đoạn 2013 - 2015 là 187.000 triệu đồng và giai đoạn 2015 - 2020 là 671.552 triệu đồng.
Ảnh minh họa/internet |
Mục tiểu của Đề án là “Xây dựng 15 làng thanh niên lập nghiệp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm giúp cho thanh niên và nông dân ở các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức ổn định đời sống và phát triển sản xuất”.
Việc Thủ tướng chính phủ có Quyết định số: 1912/QĐ-TTg ngày 20/12/2012 phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng làng thanh niên lập giai đoạn 2013-2020 nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai còn hoang hóa ở các địa bàn dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các vùng đặc biệt khó khăn để đưa vào sử dụng, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận thanh niên khu vực nông thôn và nhân dân trên các địa bàn triển khai dự án;
Gắn xây dựng làng thanh niên lập nghiệp với xây dựng lực lượng thanh niên xung phong, xung kích tham gia phát triển kinh tế xã hội tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; tạo môi trường thực tiễn sinh động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ bổ sung cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở cơ sở.
Xây dựng làng thanh niên lập nghiệp gắn với xây dựng thế trận quốc phòng và khu vực phòng thủ, phối hợp với các đơn vị vũ trang thành lập lực lượng ứng phó tại chỗ trong mọi tình huống, góp phần xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội vùng biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở đó, Đề án xác định bố trí, sắp xếp 890 hộ dân cư tại chỗ, tiếp nhận 1.429 hộ thanh niên ở các địa phương khác đến lập nghiệp ổn định lâu dài; giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 lao động thường xuyên và khoảng 7.000 lao động thời vụ cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Về địa điểm quy hoạch xây dựng làng thanh niên lập nghiệp, Quyết định nêu rõ: giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 xây dựng 15 làng thanh niên lập nghiệp tại các địa phương: xã Lùng Vai, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai); xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái); xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La); xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang); xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); xã Bình An, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang); xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn); xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An); 3 xã Kỳ Phong, Kỳ Trung và Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh); xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); 2 xã Hướng Linh và Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam); xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi); xã Phước Đại, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận); xã Măng Cành, huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum). |
Minh Hằng