Tỷ lệ chết non ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 24,7% năm 2000 còn 18,4% năm 2014, song con số 2,6 triệu vẫn rất đáng lo ngại, AFP dẫn nghiên cứu được đăng tải ngày 19/1 trên tờ The Lancet.
Cụ thể, cứ một ngày lại có 7.200 trẻ qua đời. 98% các ca này tập trung ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Các nhà khoa học phát hiện thai kỳ kéo dài (sản phụ sinh sau ngày dự kiến) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, tương đương 14%.
Tiếp đến là các vấn đề sức khỏe của người mẹ. Các yếu tố về dinh dưỡng, lối sống như hút thuốc, béo phì, tiểu đường, ung thư và bệnh tim mạch gây ra khoảng 10% ca chết non. Ngoài ra, sốt rét chiếm 8% và bệnh giang mai 7,7%. 6,7% trẻ chết non có mẹ hơn 35 tuổi và 4,7% có mẹ bị tiền sản giật.
Vùng cận Sahara, châu Phi có nhiều trẻ chết non hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới và phải 160 năm nữa khu vực này mới đạt độ an toàn sinh nở ngang với các quốc gia giàu có hiện nay.
Công trình cũng chỉ ra tác động của khoảng cách giàu nghèo khi tỷ lệ thai chết lưu của phụ nữ gốc Nam Á hoặc châu Phi ở châu Âu và Australia cao gấp 2-3 lần phụ nữ da trắng.
Trong số 186 quốc gia được nghiên cứu, tỷ lệ chết non ở Iceland thấp nhất thế giới, chỉ 1,3/1000 trẻ. Đức xếp thứ hai với 1,7/1000 trẻ rồi đến các nước như Phần Lan, Hà Lan, Croatia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Bồ Đào Nha và New Zealand. Đứng cuối bảng là Pakistan với tỷ lệ 43,1 trên 1.000 trẻ tử vong.